Vietstock - Doanh nghiệp vận tải khó có thể ‘gồng’ mình giữ giá khi xăng dầu vẫn tiếp tục tăng
Grab vừa là hãng gọi xe đầu tiên thông báo tăng cước tất cả dịch vụ từ 10-3 để hỗ trợ tài xế khi giá xăng lên cao nhất từ trước tới nay. Các hãng gọi xe công nghệ lẫn kinh doanh vận tải khác cũng cho rằng sẽ khó “gồng” thêm để giữ giá nếu các kỳ điều hành tới giá xăng vẫn tăng.
Hãng gọi xe công nghệ rục rịch tăng giá
Sau một thời gian dài giữ nguyên mức giá dịch vụ đến nay Grab là đơn vị gọi xe công nghệ đầu tiên thông báo điều chỉnh giá dịch vụ để hỗ trợ tài xế.
Theo thông báo mới đây, đơn vị này này sẽ tăng giá 2km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, TPHCM lên 29.000 đồng, 7 chỗ lên 34.000 đồng. Cả hai mức này tăng 2.000 đồng so với hiện tại. Grab cũng tăng giá mỗi km tiếp theo của 2 dịch vụ này lên 10.000 đồng, tăng 500 đồng. Tại các tỉnh, thành phố khác, giá dịch vụ GrabCar cũng tăng 2.000-2.500 đồng cho 2km đầu tiên, khoảng 600 đồng cho mỗi km sau đó.
Với dịch vụ GrabBike, tại Hà Nội, giá 2 km đầu tiên tăng 1.500 đồng, lên 13.500 đồng, mỗi km sau đó 4.300 (tăng 300 đồng). Mức cước dịch vụ này tại TPHCM cũng tăng nhẹ lên 12.500 cho 2km đầu tiên và 4.300 đồng cho mỗi km tiếp theo. Grab cũng đồng loạt áp dụng giá mới cho các dịch vụ khác như GrabExpress, GrabMart và GrabFood.
Grab đã tăng giá tất cả các dịch vụ từ ngày 10-3 tới. Ảnh minh họa: DNCC |
Grab cho biết mức cước mới sẽ áp dụng từ 10-3 để thích ứng với biến động giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Động thái này sẽ giúp bù đắp một phần chi phí của đối tác, giúp tài xế có thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống, cũng như khuyến khích họ phục vụ tốt hơn. Lần gần nhất Grab tăng giá cước là cuối năm 2020.
Trong khi đó, đại diện Gojek cho biết, hãng vẫn chưa có kế hoạch tăng giá cước hoặc có chương trình khuyến mãi dành riêng cho tài xế do tác động trực tiếp từ đà tăng của giá xăng dầu. Giá cước đã được xây dựng, tính toán bao gồm cả các yếu tố thay đổi của thị trường, không thể nhanh chóng điều chỉnh theo diễn tiến ngắn hạn của giá nhiên liệu. Do đó hãng xe công nghệ cần cân đối giữa lợi ích của cả đối tác tài xế và khách hàng. Giá cước thay đổi nhiều sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của phía khách hàng.
Tương tự, đại diện hãng gọi xe BeGroup cũng thông tin, hiện đơn vị vẫn chưa tăng giá cước dịch vụ. Thời gian này để chia sẻ với tài xế khi xăng tăng giá, hãng này đang áp dụng các hình thức thưởng tiền cho tài xế. Số tiền thưởng linh hoạt, tùy theo thuật toán mà mỗi tuần hoặc thời điểm sẽ tăng thêm hay giữ nguyên, tất cả đều có thông báo trước với tài xế.
Tuy nhiên, các app gọi xe công nghệ đang theo sát diễn biến giá xăng dầu để điều chỉnh hài hòa quyền lợi khách hàng lẫn đối tác tài xế trong thời gian tới.
Doanh nghiệp vận tải sắp vượt ngưỡng chịu đựng
Từ phía các doanh nghiệp vận tải, taxi truyền thống cũng thừa nhận việc xăng dầu tăng giá liên tục đã gây áp lực tâm lý rất lớn với cả doanh nghiệp logistics và khách hàng. Để tăng giá cước đối với doanh nghiệp không phải là việc dễ dàng và cần có thời gian đăng ký và thương lượng với khách… Do vậy, doanh nghiệp logistics phải tìm cách giảm tối đa các chi phí liên quan để “gồng” thêm và chờ đợi diễn biến giá xăng.
Ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng giám đốc taxi Vinasun (HM:VNS) cho biết, trước mắt công ty sẽ cân nhắc hỗ trợ anh em tài xế để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Còn việc tăng giá cước cần phải tính toán vì nó liên quan đến nhiều vấn đề, tránh tình trạng tăng giá sẽ dẫn đến việc tăng giá dây chuyền.
“Trong tình thế hiện này doanh nghiệp cũng khó khăn vì dịch bệnh nên việc hỗ trợ tài xế cũng khó có thể kéo dài. Hiện chúng tôi vẫn đang chờ xem Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tính toán giảm các thuế phí để hỗ trợ. Sau đó, phía Vinasun mới tính toán đến việc thay đổi giá cước hay không”, ông Hỷ nói.
Grab đã tăng giá tất cả các dịch vụ từ ngày 10-3 tới. Ảnh minh họa: DNCC |
Với doanh nghiệp vận tải hàng hoá, gánh nặng về chi phí nhiên liệu thậm chí còn lớn hơn rất nhiều. Đại diện Công ty TNHH Công nghệ Logivan Việt Nam cho biết, xe tải càng lớn thì mức tiêu hao nhiên liệu tính trên 100km càng nhiều. Thậm chí, đối với các nhà vận tải khai thác tuyến dài, nhiên liệu chiếm tỷ trọng chi phí lên tới 38%, lớn hơn so với tuyến ngắn chỉ khoảng 26%.
Trong hầu hết các hợp đồng, giá vận tải sẽ được điều chỉnh tăng hoặc giảm khoảng một vài phần trăm khi giá dầu diesel biến động hơn 10%. Như vậy nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng thêm thì bài toán cân đối tài chính để giữ giá trở nên khó khăn hơn thì việc tăng cước là điều tất nhiên.
Hầu hết các doanh nghiệp vận tải dự đoán giá xăng dầu từ nay đến cuối năm vẫn còn tăng. Do vậy, ngoài việc đàm phán điều chỉnh giá cước vận chuyển, doanh nghiệp cũng phải rà soát lại toàn bộ quy trình hoạt động vận tải của công ty để giảm chi phí giá thành, giá thành vận tải không đột biến như giá xăng dầu.
Nhiều doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh cũng không thể điều chỉnh ngay bởi thủ tục xét duyệt phức tạp, in lại vé, đổi vé cũ cũng gây tốn kém, mà cũng khó lòng đuổi kịp mức tăng của xăng dầu. Nhưng chi phí nhiên liệu hiện chiếm tỷ lệ lớn nên sớm muộn doanh nghiệp vận tải sẽ phải tính tới việc tăng giá cước.
Mới đây, Bến xe Miền Đông thông tin, đơn vị đã nhận được kê khai điều chỉnh giá vé tăng 20% của 11 doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại bến. Theo quy định liên quan đến kê khai giá vé vận tải hành khách, các đơn vị sẽ gửi đề xuất lên cơ quan quản lý là Sở Giao thông Vận tải ở các tỉnh/thành phố.
Hiện, có 140/153 đơn vị vận tải đã hoạt động trở lại tại bến kể từ sau khi TPHCM khôi phục kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, lượng khách bình quân đạt khoảng 7.000 khách/ngày, con số này chỉ đạt 42% so với tháng 2-2021, còn so với thời gian trước dịch chỉ đạt khoảng 32%. Trong khi đó, tính từ đầu năm 2022 cho tới kỳ điều chỉnh ngày 1-3, giá xăng dầu tăng khoảng 6%. Đây là các nguyên nhân khiến đơn vị vận tải phải điều chỉnh tăng giá vé lên 20%.
Với các phương án điều chỉnh này nhiều khả năng giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng theo, ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế và người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu.
V.Dũng