Vietstock - "Cho vay tiêu dùng" qua tiệm cầm đồ
Hàng triệu cửa hàng cầm đồ có mặt khắp mọi nơi đang trở thành hệ thống “cho vay” với lãi suất cắt cổ.
|
Lãi suất gần 150%/năm
Ở những thành phố lớn như TP.HCM (HM:HCM), hầu như bất kỳ đường phố nào cũng có cửa hàng cầm đồ. Nhiều nhất là xung quanh các chợ, đi kèm với các cửa hàng vàng bạc, trang sức. Có những khu phố mà các tiệm cầm đồ, dịch vụ hỗ trợ tài chính mọc lên sát nhau không thua kém những tiệm tạp hóa. Nhiều dịch vụ cầm đồ quảng bá trên mạng internet đưa ra mức lãi suất (LS) có vẻ thấp nhưng trên thực tế, LS nhiều nơi cao hơn.
Chúng tôi thử vào cửa hàng cầm đồ K. trên đường Tôn Đản, Q.4. Sau khi trình bày nhu cầu cần tiền, chủ cửa hàng cho biết có nhận cầm cố các loại xe máy, xe đạp, ô tô, sổ đỏ. "Tuy nhiên, sổ đỏ thì phải ra công chứng làm thủ tục nên sẽ mất thời gian hơn. Nếu cầm cố xe máy thì tùy đời xe, loại xe... số tiền được vay tối đa khác nhau. Chẳng hạn nếu cầm 10 triệu đồng thì LS được tính 5%/tháng và tiền lãi được chia làm 4 tuần. Nếu khách hàng chỉ cầm cố 1 tuần thì chỉ trả lãi trong tuần", vị này nói. Quy đổi, LS này tương đương 60%/năm.
Nhưng đây chưa phải là LS cao nhất. Tại một cửa hàng có ghi nhận cầm đồ nhưng để dưới bảng hiệu là Công ty TNHH hỗ trợ tài chính T.P trên đường Lê Văn Lương, Q.7, chủ tiệm cho biết chỉ nhận cầm xe máy với lãi suất 4.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Mức lãi này tương ứng 0,4%/ngày, 12%/tháng, 144%/năm... gấp gần 20 lần LS gửi tiết kiệm ngân hàng hiện nay. Ở tiệm này, hình thức cầm cố là khách hàng phải ký hợp đồng bán xe cho cửa hàng và sau đó làm hợp đồng thuê lại xe để sử dụng với mức lãi như trên.
Chuỗi cửa hàng cầm đồ F88 quảng bá đến hết tháng 5 đã có 74 phòng giao dịch trên cả nước, chỉ cho vay thế chấp tài sản và không cho vay tín chấp. Các sản phẩm bao gồm: vay thế chấp cà vẹt xe máy, ô tô, cà vẹt ô tô, điện thoại, laptop, máy tính bảng. Tại một cửa hàng F88 trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, người viết được nhân viên tư vấn nếu vay cầm cố bằng các tài sản như máy tính xách tay, điện thoại, cà vẹt xe máy thì thời gian vay tối thiểu là 12 tháng với LS 2.700 đồng/1 triệu đồng/ngày.
Mức LS này quy đổi tương đương 0,27%/ngày, hay 8,1%/tháng và 97,2%/năm. Khi chúng tôi thắc mắc về thời gian vay quá lâu trong khi nhu cầu chỉ cần 1 tháng, nhân viên cho biết quy định của công ty là cho vay 1 năm. Việc cho vay 1 tháng chỉ dành cho tài sản là cà vẹt ô tô và LS cũng sẽ thấp hơn. Với thời gian vay kéo dài như vậy, nếu khách hàng muốn trả trước hạn thì sẽ tính phí là 8%/số dư nợ gốc. Mức phí phạt trả trước hạn sẽ giảm còn 5%/số dư nợ gốc nếu như khách hàng đã vay từ 9 tháng trở lên.
Biến tướng cho vay
Không chỉ riêng các tiệm cầm đồ tư nhân mọc lên khắp nơi, gần đây nhiều tiệm cầm đồ cũng phát triển nhanh chóng theo chuỗi, hệ thống như F88, Đồng Shop Sun hay hệ thống cầm đồ trực tuyến Vietmoney, Camdonhanh…
Theo quy định, dịch vụ cầm đồ là một ngành kinh doanh có điều kiện. Cá nhân có thể đăng ký theo mô hình hộ kinh doanh cá thể hoặc thành lập công ty, phải xin giấy phép phòng cháy chữa cháy như nhiều hoạt động khác và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an ninh trật tự.
Trong đó giấy phép về an ninh trật tự là do cơ quan công an có thẩm quyền cấp. Tuy nhiên, nếu so với dịch vụ cho vay tiêu dùng cá nhân của các công ty tài chính thì điều kiện của dịch vụ cầm đồ là rất dễ. Bởi vậy hầu như mọi cá nhân, doanh nghiệp đều có thể mở được tiệm cầm đồ. Trong khi đó, để xin phép lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng mà không phải là ngân hàng, thì doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu 500 tỉ đồng. Điều kiện đối với chủ sở hữu công ty tài chính là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập do Ngân hàng Nhà nước quy định; Người quản lý, người điều hành, thành viên ban kiểm soát có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của luật Các tổ chức tín dụng năm 2010…
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định hoạt động cầm đồ thực chất là cho vay tiêu dùng. Hoạt động này tương tự mô hình tài chính vi mô của các công ty tài chính. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nơi ngang nhiên cho vay với LS rất cao không thua gì “tín dụng đen”.
Thậm chí hiện nay nhiều tiệm cầm đồ còn cho vay không cần tài sản cầm cố như chỉ cần chứng minh nhân dân là khách hàng cũng vay được tiền. Nhưng với mức LS cắt cổ đó thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như người vay mất khả năng chi trả. Từ đó các tiệm cầm đồ có thể huy động đến đội ngũ đòi nợ thuê, đòi nợ với các chiêu thức đe dọa, trấn áp hay hành hung khách hàng...
Quản lý lỏng lẻo TS Lê Đạt Chí phân tích: “Các tiệm cầm đồ tồn tại rất nhiều năm qua và có nhiều biến tướng nhưng hầu như hoạt động quản lý khá lỏng lẻo. Đó là chưa kể nhiều cửa hàng núp bóng hộ kinh doanh cá thể, tự khai doanh thu nên đóng thuế ở mức rất thấp. Trong khi đó, các hệ lụy cho nền kinh tế, làm mất trật tự xã hội lại dễ dàng xảy ra. Tôi nghĩ cần phải đưa ra những quy định cụ thể để đưa hoạt động cho vay này quản lý chặt hơn”. |
Mai Phương