Vietstock - Cần Thơ: Nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư FDI ngành công nghiệp
Công nghiệp có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ. Trong hơn 15 năm từ khi thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tỷ trọng của khu vực II của thành phố luôn duy trì ở mức trên 30% trong tổng cơ cấu GRDP, là một trong những động lực chính cho tăng trưởng.
Thực trạng thu hút FDI trong lĩnh vực công nghiệp tại thành phố Cần Thơ
Năm 2022, tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng (khu vực II) của thành phố là 31.03% trong tổng cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, riêng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đến 25.07% tổng cơ cấu GRDP, cao nhất trong nền kinh tế và giữ khoảng cách khá xa so với nhóm ngành ở vị trí thứ hai là ngành bán buôn, bán lẻ và sửa chữa. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến nông – thủy sản đóng góp tới 70% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố, là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các mặt hàng nông – thủy sản chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hiện nay, chất lượng tăng trưởng của khu vực II đạt cao hơn chất lượng tăng trưởng của cả nền kinh tế, với đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) lên đến 40.88% giai đoạn 2013 – 2018, trong khi TFP của cả nền kinh tế là 20.06%.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy Cần Thơ vẫn chưa thực sự trở thành trung tâm công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao ở vùng ĐBSCL; tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp của Cần Thơ cho vùng chưa cao, công nghiệp hỗ trợ còn chiếm tỷ lệ thấp; tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao còn thấp; việc thu hút nguyên liệu từ các tỉnh lân cận để chế biến thành sản phẩm tinh, tạo sức lan tỏa của công nghiệp thành phố đối với các tỉnh trong vùng chưa nhiều.
Việc phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) còn gặp nhiều khó khăn về đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút doanh nghiệp quy mô lớn. Các KCN chủ yếu hoạt động theo hướng đa ngành nghề và thành phố hiện chưa có khu công nghiệp chuyên ngành và khu công nghiệp công nghệ cao. Quy mô doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp của Cần Thơ có đến 96% là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ là 57%. Ngoài ra, Cần Thơ có số dự án FDI thấp nhất so với các thành phố trực thuộc Trung ương. Điều này đặt ra yêu cầu thành phố Cần Thơ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong thời gian tới hướng đến mục tiêu xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố là trung tâm của vùng về công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến của vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố cần thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tính đến ngày 31/12/2022, Cần Thơ có tổng 85 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép với tổng số vốn đăng ký hơn 2.052 triệu USD, vốn thực hiện là 533.3 triệu USD. Ngành công nghiệp chiếm đa số với 42 dự án (chiếm 49.4%) với tổng vốn đăng ký là 1.682,36 triệu USD, vốn thực hiện đạt gần 304 triệu USD. Trong đó ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí với ba dự án được cấp phép với số vốn đăng ký rất lớn, 1,319.4 triệu USD, tuy nhiên vốn thực hiện chỉ đạt gần 4.8 triệu USD. Tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 37 dự án được cấp phép, tổng vốn đăng ký hơn 315.3 triệu USD, vốn thực hiện đạt 257.6 triệu USD.
Trong khi đó, tính đến ngày 31/12/2022, vùng ĐBSCL có 1,820 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép với tổng số vốn đăng ký là 33,969 triệu USD. Cần Thơ xếp thứ 3 trong khu vực ĐBSCL về số dự án sau các tỉnh Long An, Tiền Giang. Tuy nhiên, khi xét về chỉ tiêu tổng số vốn đăng ký, Cần Thơ chỉ xếp thứ sáu sau các tỉnh Long An, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, và Tiền Giang. Long An là tỉnh dẫn đầu vùng ĐBSCL với 1,253 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép với tổng số vốn đăng ký là 12,271 triệu USD.
Như vậy, có thể đánh giá các chính sách thu hút đầu tư hiện hành của thành phố Cần Thơ vẫn còn chưa hiệu quả, đặc biệt là trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nguyên nhân được chỉ ra là do Cần Thơ không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, không được ưu đãi đầu tư, qua đó cơ chế, kinh phí thực thi chính sách thu hút đầu tư của thành phố (như hỗ trợ thuê đất, hỗ trợ đổi mới công nghệ,…) còn hạn chế dẫn đến không đủ sức hấp dẫn với nhà đầu tư.
Những khó khăn, hạn chế
Đầu tiên, mặc dù Cần Thơ có Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ “Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án ngoài ngân sách nhà nước, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”, nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào đang hoạt động tại thành phố được thụ hưởng chính sách này. Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích đầu tư khác của thành phố cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, có trình độ công nghệ cao vào các ngành sản xuất công nghiệp.
Mặt khác, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là từ khi địa phương trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương (năm 2004) thì chính sách về đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tăng cao nên các chủ đầu tư không đủ năng lực để đầu tư toàn bộ dự án. Đồng thời, công tác triển khai quy hoạch chi tiết, công bố ra dân, tiến hành giải phóng mặt bằng, giải tỏa đền bù chậm; việc giải tỏa đền bù theo phương thức doanh nghiệp thuê đến đâu giải tỏa đến đó làm cho mức bồi hoàn sau luôn cao hơn mức bồi hoàn trước. Điều này tạo nhiều sức ép đối với chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án.
Cạnh đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào một số KCN trên địa bàn thành phố còn nhiều hạn chế điển hình như KCN Hưng Phú, KCN Ô Môn,… đều chưa được đầu tư hạ tầng đồng bộ. Điều này đã góp phần làm môi trường đầu tư của Cần Thơ trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư FDI.
Cuối cùng, hiện nay đa số KCN đều nằm ở các quận nội thành và gần trung tâm thành phố nên giá đất tại vị trí các KCN này rất cao. Cụ thể, nếu chỉ tính đơn giá bồi thường đất khoảng 2 triệu đồng/m2 thì giá thành thuê đất công nghiệp cũng đã trên 100 USD/m2/50 năm. Trong khi đó, các khu vực lân cận như Bình Minh (Vĩnh Long), Tân Phú Thạnh, sông Hậu (Hậu Giang) thì giá thuê đất công nghiệp chỉ giao động từ 60 - 80 USD/m2/50 năm. Vấn đề này được xem là một trong những rào cản lớn nhất làm cho nhà đầu không “mặn mà” khi đầu tư vào các KCN trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Những giải pháp được đề ra
Nhận thức được những hạn chế khiến cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, chính quyền thành phố Cần Thơ đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường thu hút nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp của thành phố như:
Rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch các KCN, CCN theo hướng đưa ra khỏi quy hoạch những KCN, CCN kém hiệu quả, không thu hút được nhà đầu tư và bổ sung các KCN, CCN có tính khả thi trong điều kiện mới, tình hình mới đối với sự phát triển của thành phố Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư phát triển KCN, CCN đã được quy hoạch, bao gồm: chính sách ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội, ưu đãi lãi suất cho vay, khuyến khích các nhà đầu tư chuyển các cơ sở sản xuất vào KCN, CCN để hạn chế việc thu hồi đất nông nghiệp, đất tại các khu dân cư, khu nhà ở của người dân. Đồng thời, thành phố cũng đang thực hiện điều chỉnh quá trình phát triển đô thị phù hợp với tốc độ phát triển công nghiệp, với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu và phân công lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Hoàn thiện cơ chế và quan tâm công tác tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố đang xúc tiến xây dựng chính sách đầu tư hạ tầng đối với quỹ đất sản xuất nông nghiệp không còn hiệu quả để làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và phát triển khu dân cư mới nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đất sản xuất nông nghiệp có hiệu quả sang sử dụng vào các mục đích phi nông nghiệp.
Bên cạnh đó, trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được áp dụng linh hoạt đối với các trường hợp thu hồi đất; theo đó, ưu tiên dành quỹ đất tái định cư để bố trí cho các hộ bị giải tỏa, thu hồi đất; đầu tư kết cấu hạ tầng tại các khu tái định cư nhằm ổn định đời sống của nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thu hút đầu tư và triển khai các dự án.
Đinh Tấn Phong - Nghiên cứu viên; Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ