Vietstock - ĐBQH hoài nghi về sức khỏe các tập đoàn lớn sau vụ FLC (HM:FLC), Tân Hoàng Minh
Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về sức khỏe thực sự của các tập đoàn kinh tế lớn hiện nay và đề nghị Chính phủ đánh giá một cách cụ thể.
"Các con đại bàng lớn mà chúng ta mong sẽ dẫn dắt nền kinh tế như FLC hay Tân Hoàng Minh lại đang rụng lông, gãy cánh. Vậy sức khỏe thực sự của các tập đoàn kinh tế lớn hiện nay là gì?", đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đặt câu hỏi tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 25/5.
Ông Thắng đề xuất Chính phủ cần có một cuộc tổng rà soát lại sức khỏe của các tập đoàn lớn để thấy "bức tranh thật", "sức khỏe thật hay ảo", qua đó có những chính sách phù hợp.
Không chỉ thảo luận về vấn đề sức khỏe các tập đoàn lớn, nhiều đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về vấn đề giá cả leo thang, xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng đến Việt Nam...
Bị động dự trữ xăng dầu
Đại biểu Tô Ái Vang cho biết khi bà và các đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đi tiếp xúc cử tri ở 22 xã, phường trước kỳ họp, hầu hết đều nhận được những ý kiến băn khoăn và lo lắng về tình trạng giá cả leo thang. Giá vật tư nông nghiệp, thực phẩm, xăng dầu... liên tục lập đỉnh mới khiến người dân lo lắng.
"Cử tri mong muốn có các giải pháp tầm vĩ mô giúp cử tri yên tâm trong việc tăng gia sản xuất, tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh", bà nói.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Long An) cũng băn khoăn lo lắng về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. Giá cả nguyên liệu đầu vào nhiều biến động trong khi xăng dầu liên tục lập kỷ lục.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng chỉ số CPI tiềm ẩn nhiều rủi ro khi tháng 4 đã tăng 2,09% so với cuối năm 2021. Ông cho rằng lạm phát từ cuối 2021 đến nay đã tăng gấp 2 lần cùng kỳ giai đoạn 2018-2021 là "con số rất báo động".
Ông đánh giá Việt Nam chưa có giải pháp căn cơ chiến lược về xăng dầu, chưa có sự chuẩn bị nguồn cung ứng và giá cả. Lượng dự trữ xăng dầu của Việt Nam rất bị động, không đảm bảo chiến lược lâu dài.
"Tôi cho rằng có 2 mặt hàng rất quan trọng là lương thực và xăng dầu. Lương thực thì có thể đáp ứng được, nhưng xăng dầu thế nào lúc này vẫn là dấu hỏi", ông nói.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị). Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Trong khi đó, đại biểu Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) lo lắng về tình trạng tội phạm kinh tế - xã hội, đặc biệt là liên quan chứng khoán. Ông cho rằng vấn đề phòng tránh không được nhiều cơ quan quan tâm. Hành vi thao túng chứng khoán đã diễn ra nhiều lần mà không bị các cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
"Như vụ Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu từ rất lâu rồi. Các cơ quan chức năng giám sát ban đầu có phát hiện ra không, để lại hậu quả rất lớn", ông nói và cho rằng Chính phủ cần có biện pháp chỉ đạo để tránh ảnh hưởng kinh tế - xã hội đất nước.
Đánh giá xung đột Nga - Ukraine tới Việt Nam
Ông Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) lo lắng về tình hình kinh tế - xã hội đang đối mặt với những vấn đề ngoài dự báo, do tình hình kinh tế chính trị trên thế giới căng thẳng. Ông nhấn mạnh xung đột Nga - Ukraine gây nhiều tác động đến Việt Nam.
"Cần làm rõ hơn khó khăn Nga - Ukraine để thích ứng, đảm bảo nhịp độ phát triển kinh tế", ông nói.
Đồng tình, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) đánh giá xung đột Nga - Ukraine gây tác động rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam còn nhiều dự án lớn mà Việt Nam làm ăn với Nga. Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại đề nghị cần có một đánh giá lâu dài về cuộc xung đột này tới Việt Nam, báo cáo Quốc hội.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết kinh tế thế giới phục hồi chậm so với dự báo. Các nước đang tiếp tục đẩy mạnh thích ứng và bình thường hóa nền kinh tế, dần coi dịch Covid-19 là bệnh đặc hữu. Hiện có 30 nước không áp dụng các biện pháp hạn chế nào.
Tuy vậy, có rất nhiều thách thức rủi ro cần ứng phó, nhất là khi nền kinh tế mở cửa rất nhanh. Đặc biệt là vấn đề lạm phát đang gia tăng kỷ lục. Các nền kinh tế lớn, như Mỹ chứng kiến mức lạm phát tăng kỷ lục hơn 40 năm qua.
Ngoài ra, vẫn còn những rủi ro về nợ công và rủi ro nợ công, nhiều nước kiệt quệ nguồn lực sau dịch bệnh. Tình hình Nga - Ukraine đang tạo ra chấn động cả về chính trị và kinh tế. Nhiều nước châu Âu đối mặt khó khăn về xăng dầu, có nước phải sử dụng lại điện than.
Trong bối cảnh đó, ông Sơn nhấn mạnh điều quan trọng nhất với Việt Nam bây giờ là phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, xử lý đói ngoại một cách tốt nhất. Khi ổn định kinh tế vĩ mô, sẽ đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển.
Thuận Hiếu