Vietstock - Xuất khẩu gỗ tìm được cơ hội lội ngược dòng để về đích vượt mục tiêu
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt hơn 14,6 tỷ USD, dần tiến gần mục tiêu được điều chỉnh từ hồi giữa năm 2024 là 15,2 tỷ USD.
Sản xuất nội thất tại Công ty TNHH nội thất Mạnh Hệ, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN)
|
Những biến động thị trường trong năm 2024 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động chế biến và xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam.
Tuy nhiên, dù vừa làm vừa dõi theo các quy định và biến đổi thị trường của các quốc gia nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ vẫn tìm được cơ hội lội ngược dòng để về đích vượt mục tiêu.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt hơn 14,6 tỷ USD, dần tiến gần mục tiêu được điều chỉnh từ hồi giữa năm 2024 là 15,2 tỷ USD. Các chuyên gia ngành gỗ đánh giá, từ những tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, ngay từ đầu năm 2024, các hiệp hội chế biến, xuất khẩu gỗ, các doanh nghiệp đã chủ động trong sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Hàng loạt chuỗi hội chợ tìm kiếm thị trường, thu hút khách hàng quan tâm đến sản phẩm gỗ Việt Nam được tổ chức ở các địa phương trọng điểm sản xuất sản phẩm này như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Bình Dương.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (Hawa), ngành gỗ hiện nay đã tương đối ổn định. Trong các thị trường nhập khẩu đồ gỗ, mỹ nghệ của Việt Nam, thị trường Mỹ chiếm hơn 54% kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, thị trường này vẫn luôn ẩn chứa những yếu tố khó lường, luôn gây hồi hộp cho các doanh nghiệp nhập khẩu vào thị trường này bởi những chính sách thuế dành cho hàng hóa nhập khẩu. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn luôn nỗ lực để có thông tin nhanh nhất mới có thể linh động đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ.
Các doanh nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định, nơi có nhiều nhà máy chế biến gỗ cũng tích cực tìm cơ hội bứt phá thị trường.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, cũng có đánh giá tương tự về nỗ lực của các doanh nghiệp ngành gỗ, một số doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương cũng đã có nhiều thiết kế sản phẩm độc đáo và giới thiệu đến khách hàng quốc tế. Để mở rộng đầu ra linh động hơn nữa, nhiều doanh nghiệp cũng đã thay đổi chiến lược bán hàng qua các kênh thương mại điện tử thay vì chỉ xuất sỉ. Thương mại có nhiều thay đổi, bên nào thích ứng được thì tăng trưởng.
Đối với sản phẩm gỗ Đồng Nai, các doanh nghiệp tỉnh này đã đưa sản phẩm đi 50 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng thị trường chính là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Theo thống kê của Cục thống kê Đồng Nai, tính đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu gỗ Đồng Nai ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2023. Kết quả tăng trưởng này đều nhờ vào sự bứt phá của doanh nghiệp nắm bắt thị trường tốt.
Mặc dù xuất khẩu mang lại nhiều kết quả cho ngành gỗ, nhưng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ cũng không bỏ quên các cơ hội tiêu thụ đồ gỗ, hay để trống thị trường cho hàng hoá nước ngoài chiếm lĩnh.
Cụ thể, các chuyên gia trong ngành gỗ cũng đã vận động doanh nghiệp trong nước quay về đáp ứng nhu cầu nội địa. Đến nay, thị trường này hầu như còn bỏ ngỏ, manh mún và chiếm lĩnh bởi hàng nhập khẩu hoặc chỉ được các đơn vị sản xuất nhỏ phục vụ.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)
|
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị AA Corporation, ước tính thị trường nội thất tại Việt Nam, bao gồm đồ gỗ, đồ nội thất khác và vật liệu xây dựng phục vụ không gian trong nhà, có quy mô không dưới 10 tỷ USD. Thị trường nội địa với số dân số 100 triệu người, trong đó tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển chính là nguồn tiêu thụ tốt nhất cho các doanh nghiệp chế biến sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hồng Cương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nội thất Việt Nam, nhận xét đến nay, các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước vẫn chưa khẳng định vị thế về thiết kế lẫn thương hiệu nội địa lớn, chưa có dòng sản phẩm để lại dấu ấn riêng, dù tiềm năng sản xuất và thiết kế của các doanh nghiệp rất cao. Phân khúc sản phẩm cao cấp chủ yếu nhập khẩu từ thị trường châu Âu. Nhóm đồ nội thất tầm trung và bình dân vẫn loay hoay về thiết kế và phong cách. Điều này khiến cho thị hiếu thích hàng nhập khẩu vẫn còn lớn trong người tiêu dùng. Chính vì vậy, dù xuất khẩu là mục tiêu chính của ngành chế biến gỗ Việt Nam, nhưng nếu khai thác thị trường tốt thì các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ vừa tạo được thương hiệu vững chắc cho người tiêu dùng trong nước và người tiêu dùng quốc tế.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đề cao doanh nghiệp cần tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên năm trụ cột chính là kỹ thuật và công nghệ sản xuất, sản xuất giảm phát thải, quản trị, xúc tiến thương mại và xây dựng tiêu chuẩn giám sát nội bộ. Khi doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam làm tốt các tiêu chí này mới có thể tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ trong nước với doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam./.
Hồng Nhung