Vietstock - Ví điện tử Việt bắt đầu “căng sức” khi “ông lớn” nhập cuộc
GrabPay by Moca vừa công bố cung cấp dịch vụ thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, điện thoại và mua nạp thẻ điện thoại. Đây là lĩnh vực lâu nay nằm trong tay nhiều ví điện tử khác như MoMo, ZaloPay, Payoo,… nhưng bây giờ đã có một “kì lân công nghệ” nước ngoài tham gia vào thông qua hợp tác với ví điện tử Moca.
Thị trường 20 ví điện tử
Theo số liệu thống kê, tại thị trường Việt Nam hiện có khoảng 20 ví điện tử đã được cấp phép, gồm: MoMo, ZaloPay, Payoo, Mobiví, Bankplus, 1Pay, Ví Việt, VTC Pay, Moca, WePay, Ngân Lượng, VnMart, Pay365, TopPay,… Trong đó, dịch vụ thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, điện thoại, thanh toán tại quầy, thanh toán tiêu dùng online được thực hiện chủ yếu qua MoMo, ZaloPay, Payoo,…
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, thị trường Việt Nam vào năm 2013 có 1,84 triệu người sử dụng ví điện tử, và dự báo đến năm 2020 sẽ đạt 10 triệu người dùng. Tuy nhiên, vào thời điểm đầu năm 2019, phía MoMo cho biết đã đạt lượng 10 triệu người đăng kí sử dụng dịch vụ.
Trong một quãng thời gian khá dài từ năm 2010-2016 là khoảng lặng của các ví điện tử. Nhìn chung, các ví chưa phát huy được hết tiện ích, tính liên kết chưa đủ rộng và người dùng vẫn chưa quen. Từ năm 2017 trở lại đây, các ví tập trung làm thị trường thu hút người dùng, đưa ra các chương trình tặng tiền, quà và việc giao dịch cũng tiện lợi hơn nhờ sự kết nối rộng với các nhà cung cấp dịch vụ, ngân hàng, cửa hàng,… nhờ đó thu hút được người dùng đông lên.
Với 10 triệu người đăng kí sử dụng, MoMo hiện là ví điện tử phổ biến nhất. vào giữa năm 2018, ví này cũng công bố huy động thành công khoản đầu tư mới, mà theo một số nguồn tin cho rằng lên tới khoảng 50 triệu USD.
Moca được Grab mua lại thông qua một hợp đồng hợp tác trên danh nghĩa vì start-up công nghệ của Malaysia này khó có thể xin được giấy phép ví điện tử tại Việt Nam. Ban đầu, Grab by Moca được chỉ dùng để thanh toán nội bộ cho các dịch vụ như GrabCar, GrabBike, GrabFood, GrabExpress.
Cuộc đấu sẽ quyết liệt hơn
Thị trường ví điện tử tại Việt Nam lâu nay khá bình yên với dư địa còn khá nhiều vì tỉ lệ người dân chưa dùng ví còn khá lớn. MoMo đang có thế mạnh tài chính vì mới được đầu tư một khoản được cho là lên đến khoảng 50 triệu USD vào nửa cuối năm 2018.
Trong khi đó, ZaloPay dù có sự hậu thuẫn của “ông lớn” Internet VNG nhưng vì mới ra đời cho nên lượng người dùng chưa nhiều lắm.
Còn Payoo, một phần chuyển hướng vào cung cấp giải pháp thanh toán tại quầy cho các doanh nghiệp bán lẻ chứ không còn mặn mòi thu hút người dùng đầu cuối.
Thanh toán các chi phí, hóa đơn tiền điện, nước, điện thoại, Internet,... qua ví điện tử ngày càng phổ biến. |
Nếu Moca không có Grab đứng sau thì Moca sẽ khó có thể bứt phá được. Tuy nhiên, sau khi hợp tác với Grab và chính thức nhảy vào lĩnh vực thanh toán hóa đơn các dịch vụ đời sống hàng ngày, Grab by Moca nghiễm nhiên mở ra thêm một “mặt trận” đấu trực diện với MoMo, ZaloPay,… Từ sự tham gia này, cục diện cạnh tranh trên thị trường trung gian thanh toán cho người dùng đầu cuối thông qua ví điện tử sẽ trở nên quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Trong một diễn đàn về thương mại điện tử được tổ chức tại Việt Nam mới đây, bà Tenzin Dolma Norbhu, Giám đốc chính sách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Facebook (NASDAQ:FB), cho biết, nền kinh tế ứng dụng (các ứng dụng trên điện thoại) đã góp phần lớn tạo ra tổng thặng dư tiêu dùng khoảng 6,4 tỉ USD tại thị trường Việt Nam trong năm 2018. Trong đó, giá trị thanh toán qua các ví điện tử cũng đóng góp một phần, đặc biệt là những giao dịch và thanh toán cho các dịch vụ, tiện ích đời sống hàng ngày.
Thế Lâm