Vietstock - Triển vọng nào để Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường?
Các chuyên gia bày tỏ sự lo ngại khi nói về xu hướng chính sách mới của Hoa Kỳ, qua đó đưa ra khuyến nghị, giải pháp cho các doanh nghiệp tại Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ, sáng ngày 06/12.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ 2024 vào sáng 06/12. Ảnh: Thế Mạnh
|
Dưới thời "Trump 2.0" nhiều dự báo về chính sách kinh tế của Hoa Kỳ sẽ thay đổi, liên quan đến nhập khẩu, mức thuế và các biện pháp bảo hộ…Việc thâm hụt thương mại song phương lên tới 90.6 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, khiến Việt Nam có nguy cơ đối mặt với hàng loạt cuộc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) từ Hoa Kỳ.
Đánh giá thực trạng, bà Trương Thùy Linh - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Hoa Kỳ là quốc gia áp dụng các biện pháp PVTM nhiều nhất trên thế giới. Chỉ trong năm 2024, Hoa Kỳ chiếm 11/27 vụ điều tra PVTM của Việt Nam, quốc gia này còn tăng cường các vụ điều tra "kép" bao gồm cả chống bán phá giá lẫn chống trợ cấp…
Không chỉ gia tăng các biện pháp điều tra PVTM, Hoa Kỳ thường xuyên điều tra "chùm", tức trong cùng một mặt hàng, một vụ việc sẽ điều tra nhiều nước chứ không chỉ riêng một nước nào cả.
Đặc biệt khi Việt Nam tích cực tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng cũng như là nơi Trung Quốc đầu tư, điều này sẽ khiến Việt Nam bị ảnh hưởng khi Hoa Kỳ điều tra các nước khác.
Theo bà Linh, các biện pháp PVTM của Hoa Kỳ càng ngày càng khắt khe, cứng rắn hơn, thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đơn cử từ đầu năm 2023 đến nay, Hoa Kỳ có 2 lần thay đổi biện pháp PVTM, trong đó xuất hiện khái niệm chưa từng có tiền lệ như "trợ cấp xuyên quốc gia", một quy định hoàn toàn không có trong WTO. Kể từ thời điểm điều luật này có hiệu lực ngày 24/04/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã nhận hồ sơ đề nghị điều tra các doanh nghiệp sản xuất pin năng lượng mặt trời từ 4 nước: Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Việt Nam được hưởng lợi từ trợ cấp xuyên quốc gia của Chính phủ Trung Quốc.
Hoa Kỳ cũng bổ sung quy định khi lựa chọn nước thay thế để tính toán biến bộ chống bán phá giá cho các nền kinh tế phi thị trường (trong đó có Việt Nam). Các quốc gia thường được Hoa Kỳ chọn làm nước thay thế cho Việt Nam là Indonesia, Ấn Độ trong điều tra PVTM đều có những hạn chế nhất định liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, nhân quyền, lao động, môi trường, do đều là các nước đang phát triển, có trình độ phát triển tương đồng. Đây cũng là các nước bị áp dụng biện pháp chống trợ cấp nhiều nhất trên thế giới.
Vì vậy, trong trường hợp Hoa Kỳ chọn quốc gia thay thế là nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, sẽ làm gia tăng giá trị thay thế, dẫn đến đẩy biên độ phá giá ngày càng cao hơn, sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Bà Linh cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi Hoa Kỳ chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường ở Việt Nam. Dù vậy, bà tin tưởng Việt Nam sẽ sớm được công nhận bởi thể chế Việt Nam đang vận hành theo nền kinh tế thị trường, bên cạnh có sự hỗ trợ của cộng đồng các doanh nghiệp các nước EU, Hàn Quốc, các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam...
Đứng trước thách thức lớn, theo kinh nghiệm quan sát của ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy, Túi xách Việt Nam (LEFASO), cái hay của Việt Nam là luôn có những động thái mạnh mẽ, thích nghi để trưởng thành. Vào thời điểm Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2016, Chính phủ Việt Nam kiên trì theo con đường ngoại giao linh hoạt, ký kết loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Hay đại dịch COVID khiến chuỗi cung ứng đứt gãy nhưng cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt xây dựng chuỗi cung ứng trong nước, riêng ngành da giầy có khá nhiều thương hiệu lớn đặt hàng, có những doanh nghiệp đã chủ động 70-80% nguyên liệu trong nước.
Theo ông Diệp, không phải chỉ có Hoa Kỳ, ngay cả các nước có Hiệp định FTA với Việt Nam đều đang có xu hướng bảo vệ sản xuất trong nước bằng cách nâng cao hàng rào kỹ thuật. Do đó, thách thức của các doanh nghiệp Việt cần vượt qua sắp tới không chỉ ở vấn đề chính sách thương mại mà cần vượt qua hàng rào kỹ thuật như sản xuất xanh, sạch, tuần hoàn…
Đối với ngành gỗ, ông Nguyễn Hoài Bảo - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết, ngành gỗ Việt Nam đã hưởng lợi rất nhiều từ các Hiệp định FTA , gần như 100% các thị trường chính của ngành gỗ đều áp dụng mức thuế 0%. Đối với Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam, chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ, ngược lại Việt Nam cũng là đối tác lớn cung cấp đồ nội thất vào Hoa Kỳ, đứng thứ 2 sau Trung Quốc.
Về thách thức sắp tới, ngành gỗ có rủi ro bị đánh thuế khi ông Trump đắc cử, nhưng đối thủ lớn nhất của chúng ta là Trung Quốc còn bị đánh thuế nhiều hơn, do đó, Hiệp hội không quá lo ngại về vấn đề này, thay vào đó lo ngại hơn cả về vấn đề lạm phát tại Hoa Kỳ.
Dù vậy, theo ông Bảo cơ hội lớn nhất cho doanh nghiệp Việt là thương mại điện tử, với lợi thế có thể chủ động về nguyên vật liệu, thiết kế, kế hoạch bán hàng, nhưng khó khăn cần kết nối mạng lưới logistics…
Thế Mạnh