Vietstock - TP.HCM kêu gọi đầu tư vào 253 dự án
TP.HCM đang kêu gọi đầu tư vào 253 dự án với tổng vốn 870.000 tỉ đồng.
Lĩnh vực đô thị được TP.HCM quan tâm kêu gọi đầu tư - ĐỘC LẬP
|
Ngày 30.10, tại hội thảo Quy hoạch đô thị TP.HCM - thực tiễn và đầu tư, do đài truyền hình VTV24 và Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM tổ chức, bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết hiện nay tổng vốn đầu tư để phát triển kinh tế xã hội của TP trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020 là hơn 2,1 triệu tỉ đồng, trong khi đó ngân sách TP chỉ đáp ứng được 9%. Nguồn lực từ ngân sách chỉ cân đối được 171.000 tỉ đồng, còn lại là huy động nguồn lực trong và ngoài nước, người dân và doanh nghiệp.
Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, TP có 7 chương trình đột phá, trong đó quan trọng nhất là giảm ngập nước kẹt xe. Đến nay TP đã thực hiện được 12 dự án ODA với 104.000 tỉ đồng trong lĩnh vực đô thị, PPP có 22 dự án với 170.000 tỉ đồng. Hiện TP đang chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán ký kết hợp đồng 85 dự án với 400.000 tỉ đồng và đang kêu gọi đầu tư 253 dự án với vốn 870.000 tỉ đồng.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng TP.HCM là đô thị đặc biệt, đóng góp 30% cho ngân sách. Dự kiến năm 2019 sẽ đóng góp cho ngân sách 500.000 tỉ đồng nên TP đòi hỏi phải phát triển mạnh hơn mới đóng góp được cho ngân sách và đóng góp cho cả nước. Nếu TP chậm phát triển sẽ kéo cả nước chậm theo. Do đó thách thức của TP là phải phát triển theo yêu cầu của xã hội, của doanh nghiệp và người dân. Nhưng do phát triển liên tục nên TP phải trả giá về kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm. Dù vậy, ông Tuyến nhìn nhận, trong các hạn chế của TP, hạn chế lớn nhất là quy hoạch, từ khâu xây dựng quy hoạch đến quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch.
“TP phát triển nhưng không chủ động về quy hoạch, có những lúc phải cắn răng để vượt qua và đóng góp cho ngân sách. Đóng góp lớn nhưng mật độ giao thông theo chuẩn của cả nước 1 km2 đất có ít nhất 10 km đường, trong khi tỷ lệ này mới đạt được 20%, tức 1 km2 đất mới có 2 km đường, thấp nhất cả nước. Một vấn đề nữa là ngập do phát triển quá nhanh do lún và phát triển đô thị ồ ạt. Điều này khiến TP đang phải trả giá”, ông Tuyến cho hay.
Do đó, TP sẽ điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp công nghệ cao… Mong muốn của TP quy hoạch lần này sẽ trở thành cơ hội cho tất cả những nhà đầu tư trong và ngoài nước và không để người dân thiệt thòi.
“TP sẽ tiếp tục hoàn thiện, phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm sau khi giải quyết các vấn đề với dân để đưa Thủ Thiêm thành trung tâm tài chính quốc tế, thu hút nguồn lực tài chính quốc tế. Phát triển đô thị thông minh, sáng tạo trong đó Q.Thủ Đức là nơi cung cấp nguồn nhân lực, Q.9 có khu công nghệ cao, Q.2 là môi trường để phát triển thương mại. Phát triển đô thị sinh thái ở Cần Giờ, đô thị cảng ở Q.9, 2, Nhà Bè. Phát triển đô thị giáo dục ở Tây Bắc, không chỉ là 1 trường mà là đô thị hoàn chỉnh để khi ra trường, sinh viên có thể làm việc, học tập và sinh sống tại đây. TP luôn cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, chia sẻ, sẵn sàng tiếp xúc doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt biệt là thủ tục hành chính. TP sẽ chấn chỉnh để giảm phiền hà, chi phí đen cho nhà đầu tư”, ông Tuyến cam kết.
Đình Sơn