Vietstock - Tiền mặt sẽ chỉ là dĩ vãng?
Tại Việt Nam, việc từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng tiền giấy sẽ còn là cả một câu chuyện dài, nhất là khi điều kiện cơ sở vật chất giữa các thành phố, tỉnh thành không đồng nhất.
Tiền đề cho sự ra đời và phát triển của tiền tệ là nền kinh tế hàng hóa. Thoạt đầu người ta trao đổi trực tiếp hàng lấy hàng sau đó là vật làm trung gian cho các cuộc trao đổi, đó là vật ngang giá trước khi ra đời tiền đúc và tiền giấy.
Tiền làm phương tiện lưu thông chỉ đóng vai trò trong chốc lát và người ta đổi hàng lấy tiền rồi lại dùng nó để mua hàng mà mình cần. Thế nhưng, việc sử dụng tiền mặt hiện nay bắt đầu bọc lộ những yếu điểm từ sự bất tiện như kiểm đếm số tiền lớn, trộm cắp…
Ngoài ra, việc người dân giữ tiền mặt bên mình làm cho một phần vốn của nền kinh tế không vận động, từ đó không thể sinh lời. Thói quen này còn khiến Nhà nước gặp khó khăn trong việc kiểm soát tiền tệ dẫn đến việc khó kiểm soát các hoạt động buôn lậu, rửa tiền, tham ô, tham nhũng...
Cũng vì lẽ đó, mà các hình thức lưu trữ tiền tệ và thanh toán thay thế khác ra đời. Ngân hàng đóng một vai trò rất lớn trong sự chuyển hóa này. Người ta tạo tài khoản trong ngân hàng và thanh toán qua hệ thống, tất cả các lịch sử giao dịch đều được ghi nhận lại. Thế nhưng ban đầu, ngân hàng vẫn chỉ đóng vai trò trung gian, là nơi cất giữ tiền mặt hộ khách hàng.
Dần dà, kỹ thuật phát triển và các công nghệ kết nối, việc thanh toán mua bán đã không còn phụ thuộc vào tiền mặt nữa.
Tiền mặt đang trở thành xa lạ với các nước trên thế giới…
Người dân tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới từ lâu đã hạn chế được việc sử dụng tiền mặt và thậm chí tại nhiều quôc gia, sử dụng tiền mặt là một việc rất… xa lạ.
Với người Thụy Điển, việc sử dụng tiền mặt là không cần thiết bởi thói quen thanh toán điện tử đã phổ dụng đến mức, cả những người bán hàng rong trên phố cũng chấp nhận thẻ. Tại đây, cứ 5 giao dịch thì có đến 4 giao dịch được thực hiện qua thẻ. Tuy nhiên, dự báo của các chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng ít nhất phải tới năm 2030 thì tiền mặt mới có thể hoàn toàn biến mất khỏi các hệ thống thanh toán tại Thụy Điển.
Hàn Quốc là quốc gia châu Á đi đầu trong trào lưu ít sử dụng tiền mặt để thanh toán. Trong đó, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt trong tiêu dùng là 70% và tỷ lệ người dân có thẻ ghi nợ là 58%. Chính phủ Hàn Quốc rất lạc quan về khả năng thành hiện thực của “xã hội không tiền mặt” thông qua việc công bố một loạt đề xuất, trong đó hủy bỏ luật yêu cầu các cửa hàng chấp thuận thanh toán bằng tiền mặt và đề nghị chỉ thanh toán điện tử.
Còn nếu bạn đến Úc vào tháng 11 bạn sẽ 'khốn đốn' trong việc thanh toán bằng tiền mặt tại đây. Bởi lẽ, người dân nơi đây đang chạy theo xu hướng “Tháng 11 không tiền mặt” (No Cash November) để kích thích các phương thức thanh toán đơn giản hơn như ví điện tử hay thẻ ghi nợ. Có đến 86% người dùng không sử dụng tiền mặt và 79% người dân sử dụng thẻ ghi nợ.
Pháp và Bỉ là hai quốc gia đi đầu trong quy định hạn chế tiền mặt trên 3,000 EUR với số lượng người dân không sử dụng tiền mặt lần lượt là 92% và 93%. Nếu tại Pháp phải xin phép chính quyền khi thanh toán trên 1,500 EUR thì tại Bỉ quy định phạt tới 225,000 EUR nếu vi phạm.
Từ ngày 06/07/2017, các xe bus tại đất nước Anh trong thành phố đã ngừng nhận thanh toán bằng tiền mặt.
...Việt Nam có đuổi kịp?
Đó là tại các nước trên thế giới, còn tại Việt Nam thì sao? Công nghệ kỹ thuật cùng với hệ thống liên kết liên ngân hàng cũng đã giúp Việt Nam theo kịp bạn bè các nước. Ngày nay, bạn không cần phải cầm theo một xấp tiền mặt mà có thể thanh toán qua máy POS, quét mã QR code liên kết thanh toán với tài khoản ngân hàng, hoặc thông qua các ví điện tử như MoMo, ZaloPay… Nếu trong tài khoản ngân hàng chưa có tiền, chúng ta đã có thẻ tín dụng, một hình thức chi trả trước nhận tiền sau.
Và một phương thức mới gần đây vừa mới xuất hiện là dịch vụ thanh toán money mobile, có thể thanh toán mà không cần có tài khoản ngân hàng. Với money mobile, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ giải quyết được bài toán không dùng tiền mặt.
Dù vậy, phải thừa nhận rằng, ở Việt Nam hiện nay, chỉ có tại các trung tâm thương mại lớn, các cửa hàng mới có liên kết với các dịch vụ thanh toán điện tử. Đa phần các cửa hàng bán các vật dụng thiết yếu lại chưa trang bị thanh toán điện tử. Hoặc có thể nói rằng thói quen sử dụng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người, nhất là những người đã lớn tuổi, không thể cứ áp đặt họ phải sử dụng thanh toán điện tử ngay được.
Đó là chưa kể đến điều kiện hiện nay, nhất là tại các vùng nông thôn, điều kiện còn bị hạn chế, bạn không thể ra chợ mua con gà, rồi đem thẻ ra thanh toán hay mua tô phở ở một quán ăn vỉa hè rồi quét mã QR để thanh toán.
Nói ra đây để thấy rằng, tiền giấy đã có cả một lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Thế nhưng các nước khác vẫn có thể loại bỏ một cách từ từ. Còn tại Việt Nam, việc từ bỏ sử dụng tiền giấy sẽ còn là cả một câu chuyện dài, nhất là khi điều kiện cơ sở vật chất giữa các thành phố, tỉnh thành không đồng nhất. Câu hỏi liệu có thể từ bỏ hoàn toàn tiền mặt hay không? Có thể và cũng là chưa thể.
Cát Lam