Vietstock - Siết chuyển giá, công ty Việt bị vạ lây: Nhiều doanh nghiệp đối mặt với thua lỗ
Việc gộp cả chi phí lãi vay ngân hàng vào tổng mức chi phí lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết được trừ khi không vượt quá 20% tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cộng là hết sức vô lý.
* Siết chuyển giá, công ty Việt bị vạ lây
Cần xác định rõ đối tượng doanh nghiệp bị siết tỷ lệ chi phí lãi vay để chống chuyển giá. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Sau hàng loạt kiến nghị của doanh nghiệp về sự bất hợp lý xung quanh quy định khống chế tỷ lệ lãi vay ở mức 20% trước khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 20/2017, Bộ Tài chính đã bổ sung nội dung liên quan vào luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế. Nhưng theo các chuyên gia, những quy định chưa hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp (DN) cần được sửa ngay.
Sửa ngay, không cần chờ luật mới Cụ thể, nội dung nêu rõ chỉ áp dụng mức trần 20% về chi phí lãi vay phát sinh đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN có giao dịch về vay vốn với các bên có quan hệ liên kết nhưng có mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) khác nhau. Riêng đối với tổng công ty, công ty mẹ - công ty con ở cùng lãnh thổ VN, cùng mức thuế TNDN, cùng mức ưu đãi về thuế thu TNDN thì áp dụng trên Báo cáo tài chính hợp nhất của đơn vị nộp thuế (trừ phần chi phí lãi vay phát sinh của các DN hoạt động thuộc lĩnh vực xã hội hóa, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản và ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn)...
Thế nhưng luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế chưa biết đến khi nào Quốc hội mới thông qua trong khi cơ quan thuế vẫn đang áp dụng quy định trên từ năm 2017.
Luật sư Trần Xoa, Công ty luật Đăng Minh Quang, phân tích: “Bộ Tài chính hoàn toàn có thể trình Chính phủ chỉnh sửa ngay các điểm bất hợp lý theo nội dung như trong dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế bằng một nghị định mới tương tự Nghị định 20 mà không phải chờ luật thuế mới”.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, cho rằng quy định trên được ban hành tại nghị định của Chính phủ nên khi phát hiện những điểm không hợp lý hoặc có kiến nghị của cộng đồng DN thì cần sửa sai ngay. Bởi càng kéo dài thời gian thì cộng đồng DN Việt càng gặp khó, nguy cơ bị thua lỗ.
Gộp doanh nghiệp, gộp cả chi phí
Một bất cập rất lớn là quy định trên được áp dụng đại trà cho tất cả DN có giao dịch liên kết và "gom" chung cả chi phí lãi vay ngân hàng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, mục tiêu chống chuyển giá của cơ quan quản lý nhà nước là điều cần thiết, nhưng chỉ có các tập đoàn đa quốc gia, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mới có khả năng thực hiện chuyển giá để trốn nộp thuế tại VN.
Ví dụ một công ty mẹ ở nước ngoài có thể cho vay lại công ty con ở VN với mức lãi suất rất cao. Sau khi được khấu trừ vào chi phí hoạt động thì công ty con ở VN sẽ giảm lợi nhuận hoặc thậm chí thua lỗ nên chỉ đóng thuế rất ít hoặc không phải đóng thuế TNDN. Khi đó phần lợi nhuận đã được chuyển về công ty mẹ ở nước ngoài thông qua chi phí trả lãi vay...
Thế nhưng với các DN trong nước, có cùng mức thuế TNDN như nhau, nếu phần lợi nhuận từ công ty con chuyển qua cho công ty mẹ theo hình thức trên thì công ty mẹ cũng phải đóng thuế TNDN với phần lợi nhuận đó. Vì vậy, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần quy định lại đối tượng áp dụng của Nghị định 20.
Đặc biệt, việc gộp cả chi phí lãi vay ngân hàng vào tổng mức chi phí lãi vay của các DN có giao dịch liên kết được trừ khi không vượt quá 20% tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cộng là hết sức vô lý. Bởi luật Thuế TNDN hiện hành vẫn cho phép các công ty được vay vốn ngân hàng và tính lãi vay vào chi phí hoạt động.
Theo ước tính, chỉ cần áp dụng một năm, có DN số tiền thuế phải nộp tăng thêm vài trăm tỉ đồng. Trong trường hợp kéo dài qua năm 2019 hoặc đến 2020 mới sửa thì không ít DN có thể rơi vào tình trạng khốn khó, thua lỗ, phải thu hẹp sản xuất. |
Mai Phương