Vietstock - Nhiều kịch bản hóa giải thiếu điện
Theo các chuyên gia, chỉ cần sử dụng tiết kiệm, chúng ta cũng có đủ điện dùng mà không cần lao theo đầu tư điện than.
Pin mặt trời thí điểm trong dự án điện gió Thuận Bình, xã Phú Lạc, H.Tuy Phong, Bình Thuận
- Ảnh: Quế Hà
|
Có thể đóng bớt nhà máy điện nhờ tiết kiệm
Thực tế, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, nhu cầu điện trên thế giới ngày một tăng. Để đáp ứng, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất mà các nước thực hiện không phải là tăng nguồn cung mà là sử dụng điện một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất. Hiện ở VN, lãng phí trong sử dụng điện thể hiện rất rõ. Theo tính toán, ở VN, kinh tế tăng trưởng 1% thì ngành điện phải tăng trưởng ít nhất 1,5% mới đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi tỷ lệ này ở thế giới là 1:1.
Năm 2017, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ, xây dựng Mạng lưới hiệu quả năng lượng ở TP.HCM, đối tượng tham gia là các doanh nghiệp (DN) ở những ngành nghề sử dụng nhiều điện (hóa đơn tiền điện trên 200.000 USD/năm). Hoạt động của mạng lưới xoay quanh việc giúp các DN học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm và kiểm toán năng lượng.
Cuối năm 2017, đại diện xí nghiệp Casumina Bình Dương, trực thuộc Tổng công ty cao su Miền Nam, cho biết: Mỗi lần làm kiểm toán, phía tư vấn đều chỉ cho mình một số biện pháp giúp đơn vị tiết kiệm năng lượng và mỗi một năm thì hiệu quả năng lượng mang lại rất lớn. Suất tiêu hao trên một đơn vị sản phẩm đã giảm xuống rất nhiều, gần 40%.
Kết quả kiểm toán của nhóm 8 DN tham gia mạng lưới này cho thấy có khả năng tiết kiệm tiền điện lên đến 260.000 USD/năm. “Ví dụ như tiềm năng tiết kiệm năng lượng của 8 công ty trong mạng lưới là 3 triệu kWh. Nếu nhân con số này với số DN hiện có tại VN, chúng ta thậm chí có thể đóng cửa một hoặc hai nhà máy điện”, ông Frank Schillig, chuyên gia tư vấn về năng lượng của GIZ nói.
Mạng lưới sử dụng năng lượng hiệu quả như vậy được hình thành cách đây hơn 30 năm ở Thụy Sĩ. Còn tại Đức dự kiến có đến 500 mạng lưới như vậy đến năm 2020. Theo ông Frank Schillig, cái khó là làm thế nào tiếp cận được các công ty hiểu về vấn đề này, và có thái độ tích cực cũng như sẵn sàng đầu tư.
Một sự lãng phí khác quan trọng hơn đó chính là VN thu hút và phát triển quá nhiều ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng, điển hình nhất là xi măng. Ngành này công suất dư thừa, đang phải xuất khẩu với giá “bèo”. Số lượng các nhà máy xi măng đang hoạt động hiện nay sử dụng lượng điện tương đương 3 nhà máy nhiệt điện than (mỗi nhà máy công suất 1.200 MW).
Tận dụng nắng, gió phát triển năng lượng tái tạo
Với tiềm năng nắng, gió, đặc biệt là các tỉnh phía nam, Liên minh Năng lượng bền vững VN (VSEA) có bản thiết kế rất công phu, khoa học trong đó nổi bật là sáng kiến giảm điện than. Theo kiến nghị, so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, bản thiết kế này đề xuất đến năm 2030 tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ khoảng 21% lên khoảng 30%; tăng tỷ trọng nhiệt điện khí từ khoảng 14,7% lên khoảng 22,8% và giảm tỷ trọng của nhiệt điện than từ khoảng 42,6% xuống còn khoảng 24,4%.
Bản thiết kế được rút ra từ nghiên cứu “Các kịch bản phát triển nguồn điện tại VN”. Nghiên cứu đưa ra 5 kịch bản để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao của VN. Các kịch bản được xây dựng theo hướng tiếp cận tối ưu hóa chi phí, đồng thời xem xét chi phí ngoại biên từ tác động của ô nhiễm không khí và phát thải carbon. Nghiên cứu nêu trên chỉ ra rằng sau năm 2020, VN có khả năng không cần xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới mà vẫn duy trì hệ thống năng lượng an toàn với giá cả hợp lý.
Theo tính toán của Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID), nếu chúng ta tổ chức thực hiện nghiên cứu trên, sẽ giảm áp lực huy động 60 tỉ USD vốn đầu tư cho những dự án nhiệt điện than này.
Tránh được việc đốt khoảng 70 triệu tấn than/năm, tương ứng với 7 tỉ USD/năm cho việc nhập khẩu than. Giảm phát thải khoảng 116 triệu tấn CO2/năm so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đưa VN theo đúng với mục tiêu của Thỏa thuận Paris...
Để thay thế nguồn điện than, nhiều chuyên gia và các tổ chức đều cho rằng không có cách nào khác ngoài phát triển năng lượng tái tạo. Đây chính là xu hướng hiện đại, sạch và bền vững hơn so với việc khai thác triệt để các nguồn năng lượng truyền thống. VN đã có chính sách về giá mua điện gió, điện mặt trời.
Các chuyên gia của GIZ cho rằng đây sẽ là đòn bẩy cho các loại hình năng lượng này phát triển tại VN, song nếu so với các nước trong khu vực thì chính sách của VN chưa thật sự tốt bằng. Nếu cải thiện chính sách, năng lượng tái tạo sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Mô hình sản xuất điện trên mái nhà Tháo nút thắt liên quan đến quy định các hộ gia đình phải có hóa đơn bán điện lên lưới khiến nhiều người đã đầu tư điện mặt trời nối lưới chỉ có thể bán điện mà không thu được tiền, mô hình sản xuất điện trên mái nhà sẽ là lời giải tốt về áp lực nguồn cung cũng như nhu cầu sử dụng điện của người dân. |
Chí Nhân