Vietstock - Ngành thuế tính chuyện thu thuế qua app
Thủ tướng đã chỉ đạo thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Hải quan tuyên bố không nhận thu thuế, phí bằng tiền mặt từ 1-4-2019. Nhưng nhiều nơi, muốn giảm thời gian, chi phí với thanh toán không tiền mặt vẫn khó.
Nhiều cơ quan đã thúc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, như Hải quan từ 1-4 đã không thu thuế phí bằng tiền mặt. Trong ảnh: giao dịch tại chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất. - ẢNh: Q. ĐỊNH
|
Tại buổi họp phụ huynh cuối năm cho con diễn ra cuối tháng 5 vừa qua tại Trường tiểu học Đoàn Kết, chị L.T.N. (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết rất nhiều cha mẹ học sinh đã ý kiến với cô giáo, kiến nghị lên nhà trường triển khai nộp tiền ăn bán trú hằng tháng, các khoản tiền học kỹ năng sống bằng chuyển khoản.
Trường có tới hơn 2.000 học sinh mà thời gian thu chỉ vào cuối buổi chiều của 1 tuần đầu tháng.
Nộp thuế, phí vẫn tiền mặt là chính
Rất nhiều phụ huynh như chị phải chạy từ nơi làm, cách cả chục cây số, để về trường nộp. Chen nhau mãi mới vào nộp xong, vì một cô thu tiền cho 4-5 lớp, một lớp có đến 55-60 học sinh.
"Một trường ở ngay giữa thủ đô mà phụ huynh vẫn phải đến tận nơi để nộp tiền mặt trong khi nhiều trường học ở khu vực, nhất là các trường dân lập, đã thu qua hình thức chuyển khoản từ lâu rồi", chị L.T.N. chia sẻ.
Anh L. (quận Thủ Đức, TP.HCM (HM:HCM)) biết Bộ Tài chính có thông tư hướng dẫn việc nộp lệ phí trước bạ online dành cho môtô, ôtô, có hiệu lực từ tháng 3-2018, thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM. Anh tìm đường dẫn trên mạng không thấy, đến chi cục thuế để hỏi, chính viên chức thuế cũng hết sức bất ngờ, phải dẫn anh lên gặp lãnh đạo chi cục. Lãnh đạo chi cục khẳng định vẫn chưa áp dụng, do vậy anh phải nộp bằng tiền mặt và làm thủ tục bằng giấy.
Sau khi làm xong thủ tục, anh L. muốn nộp theo hình thức cà thẻ nhưng kho bạc lại không chấp nhận. Muốn chuyển khoản, anh phải có tài khoản của một trong số vài ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước theo chỉ định. Cuối cùng anh phải nộp tiền mặt.
Giải thích về lý do chưa áp dụng cho cá nhân nộp lệ phí trước bạ online với Tuổi Trẻ, nhiều chi cục thuế tại TP.HCM cho biết chưa nhận được hướng dẫn, mẫu biểu, hệ thống mạng của cơ quan thuế cũng chưa cập nhật cho cá nhân nộp online mà mới chỉ áp dụng cho doanh nghiệp vì cá nhân không có chữ ký số...
Ông Phạm Tiến Dũng - vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước
|
Ngành thuế tính làm app
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Nam Bình - cục phó Cục Thuế TP.HCM - cho biết hiện 90% doanh nghiệp tại TP.HCM đã kê khai và nộp thuế điện tử. Ngoài kê khai và nộp thuế, hiện cơ quan thuế cũng quy định để được đưa vào chi phí được trừ, các khoản thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên doanh nghiệp phải thanh toán qua ngân hàng, do vậy cũng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên về phía người dân, tỉ lệ này chưa cao. Theo ông Bình, có nhiều nguyên nhân, trong đó điểm thu của kho bạc thường đặt ở vị trí gần chi cục thuế nên nhiều người có xu hướng đem các chứng từ sang kho bạc để nộp bằng tiền mặt nhằm được đóng dấu ngay trên chứng từ.
Để nâng tỉ lệ nộp thuế không bằng tiền mặt của cá nhân, ông Bình cho biết Cục Thuế TP.HCM đã đặt vấn đề với một số ngân hàng để làm ứng dụng (app) trên điện thoại. Đối tượng hướng đến là các hộ kinh doanh ở chợ để họ chỉ cần vào app là biết số thuế phải nộp bao nhiêu.
"Cơ quan thuế muốn đưa mục nộp thuế vào các ứng dụng của ngân hàng và ví điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân" - ông Bình nói và cho hay hiện đối tượng hộ kinh doanh đang được ủy nhiệm thu hoặc nhờ thu hộ qua bưu điện.
Ngoài thu bằng tiền mặt, bưu điện cũng đang thu bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như mang máy POS đến để người nộp thuế cà thẻ.
Quyết tâm sẽ làm được
Ông Đào Minh Tuấn - chủ tịch Hội thẻ Việt Nam - cho rằng việc không đồng nhất về công nghệ hiện đang là rào cản. Chính phủ có yêu cầu từ nay đến năm 2020, các dịch vụ công phải nâng lên cấp độ 4. Như vậy, 100% dịch vụ công sẽ thanh toán không dùng tiền mặt. Nhưng mỗi trung tâm hành chính công đang dùng một phần mềm khác nhau và chuẩn cũng khác nhau.
Thu phí dịch vụ đường bộ tự động khi qua các trạm BOT thì mỗi trạm sử dụng một công nghệ. Đây là rào cản, gây lãng phí không nhỏ cho xã hội và khó khăn cho ngân hàng.
Theo ông Phạm Tiến Dũng - vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), nghị quyết 02 của Chính phủ nhấn mạnh trong năm nay, các dịch vụ như điện, viện phí, học phí... phải vào cuộc để thanh toán 100% bằng phương thức không dùng tiền mặt. Tuy nhiên nhiều bộ, ngành vẫn chưa làm được nhiều.
Để thúc đẩy các dịch vụ công thanh toán điện tử, ông Phạm Tiến Dũng cho hay trong nghị quyết 02, Chính phủ giao rất rõ nhiệm vụ cho Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế tài chính cho phép các tổ chức hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp được chi trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử.
Một số ngân hàng hay trung gian thanh toán đang chủ động phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ công như viết cả phần mềm để thanh toán. Hi vọng khi có cơ chế, sẽ có nguồn tiền được các đơn vị chi trả để các đơn vị tham gia như các doanh nghiệp cung cấp ví, ngân hàng... có nguồn thu để đầu tư cho thanh toán điện tử.
* Ông Lưu Hoàng - Vụ trưởng Vụ tổng hợp - pháp chế, Kho bạc Nhà nước: Kho bạc Nhà nước sẽ đẩy mạnh không dùng tiền mặt Hiện có trên 100 kho bạc tỉnh, thành phố, quận đã lắp đặt thiết bị chấp nhận thanh toán qua thẻ (máy POS) tại trụ sở. Người dân đến trụ sở kho bạc có thể cà thẻ để thanh toán các khoản thuế, phí, lệ phí thay vì nộp bằng tiền mặt như lâu nay. Còn nhiều trụ sở kho bạc ở địa bàn vùng sâu vùng xa do người dân sử dụng thẻ còn hạn chế và số tiền nộp thuế, phí, lệ phí không lớn nên chưa lắp đặt các thiết bị POS. Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố đang đẩy mạnh phối hợp với các ngân hàng lắp đặt máy POS. |
ÁNH HỒNG - LÊ THANH