Vietstock - Mù mờ tiêu chí hàng Việt: Cần siết lại giải thưởng, danh hiệu
Nhiều tổ chức vinh danh, trao giải hàng Việt, thương hiệu Việt nhưng không đủ năng lực thẩm định, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm
Trong khi khái niệm "Made in Vietnam" quá chung chung, các tiêu chí hàng Việt, hàng thương hiệu Việt còn mù mờ, có không ít doanh nghiệp (DN) tìm cách đạt các giải thưởng, danh hiệu hay các hệ thống quản lý chất lượng… nhằm đánh bóng thương hiệu và sản phẩm của mình.
Vinh danh, cấp chứng nhận tràn lan
Các chuyên gia kinh tế chỉ ra thực tế là thành công của một nhãn hiệu sản phẩm được đánh giá qua cảm nhận chất lượng của người tiêu dùng. Nhưng họ thường rất cảm tính khi mua sắm và chủ yếu dựa vào các tiêu chí như hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001), hệ thống quản lý môi trường (ISO 14001), trách nhiệm xã hội (SA 8000), các giải thưởng, danh hiệu… khi lựa chọn một món hàng nào đó.
Trong khi đó, nhiều tổ chức thuộc hiệp hội, ngành nghề lại đứng ra vinh danh hàng Việt hoặc cấp chứng nhận chất lượng hàng hóa, thương hiệu với những tiêu chuẩn thiếu căn cứ khoa học hoặc thiếu năng lực thẩm định nên dễ gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng. Điển hình như vụ việc Tập đoàn Asanzo dính nghi vấn về xuất xứ hàng hóa nhưng trước đó lại đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC).
Theo thống kê của cơ quan có thẩm quyền, cả nước hiện có 30 giải thưởng phạm vi toàn quốc và 33 giải thưởng phạm vi tỉnh, thành phố do các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và UBND các tỉnh, thành tổ chức vinh danh, trao các danh hiệu cho doanh nhân, DN theo Quyết định 51/2010/QĐ-Ttg ngày 28-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ. Luật sư Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Kinh Luân, cho hay các giải thưởng tôn vinh DN, doanh nhân chỉ mang tính chất biểu dương, khuyến khích DN có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường; khuyến khích, động viên cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân phát huy tính năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt khó, thực hiện sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Những danh hiệu, giải thưởng liên quan đến chất lượng sản phẩm thường ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
|
Ở góc độ hội ngành nghề, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HM:HCM), cho biết nhiệm vụ của các hội ngành nghề là động viên DN làm ăn tốt, hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu. Trong hơn 10 năm qua thương hiệu HVNCLC đã chắp cánh cho rất nhiều DN: logo HVNCLC trở thành nhãn bảo chứng cho DN, hàng hóa và giúp DN bán hàng dễ dàng hơn. Một số giải thưởng uy tín như Sao vàng thương hiệu Việt, Tôn vinh sản phẩm tiêu biểu… đã giúp DN rất nhiều trong việc tiếp cận thị trường lẫn xây dựng, quảng bá thương hiệu lẫn kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh đó không ít danh hiệu kém chất lượng của những tổ chức trục lợi từ việc bình chọn này.
"Thậm chí, một số trường hợp còn huy động tiền của DN để trao giải, gọi là "xã hội hóa" giải thưởng. Điều này không chỉ gây ra sự "bội thực" giải thưởng, chạy theo danh hiệu ảo mà còn trái quy định của Chính phủ. Cá biệt, có trường hợp lấy danh nghĩa của bộ, ngành, đoàn thể hoặc thư chúc mừng của lãnh đạo các cấp để mời các DN, doanh nhân tham dự không đúng quy định hoặc tổ chức trao giải thưởng dưới nhiều hình thức tổ chức bình chọn, thành lập bảng xếp hạng, tổ chức liên hoan…" - luật sư Nguyễn Văn Đức chỉ rõ.
Cần có quy định chặt chẽ hơn
Theo ông Đức, trước thực trạng đó, Bộ Nội vụ đã có tờ trình gửi Chính phủ và các bộ, ngành để lấy ý kiến ban hành Nghị định về quản lý, tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng cho DN, doanh nhân. Trong đó, quy định chặt chẽ hơn về quy trình, thủ tục xét giải thưởng, cũng như các cơ quan, tổ chức, nhất là hội nghề nghiệp nào được quyền đứng ra tổ chức tôn vinh DN và doanh nhân. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm dự thảo, đến nay nghị định này vẫn chưa được ban hành. Nếu Nghị định này sớm được ban hành, vừa thực hiện tốt việc quản lý các giải thưởng vừa tạo điều kiện giúp cho các DN, doanh nhân làm ăn chân chính được tôn vinh, xứng đáng với công sức mà họ đã đóng góp cho xã hội.
Ông Phạm Ngọc Hưng cho rằng luật pháp không cấm các hội, câu lạc bộ tổ chức bình chọn, xét chọn để trao giải thưởng động viên DN. Vì vậy, lời khuyên dành cho các DN khi tham gia các giải thưởng, các chứng nhận tôn vinh là phải tìm hiểu kỹ về đơn vị tổ chức và chỉ tham gia với những tổ chức uy tín. Các đơn vị đúng ra tổ chức cũng nên xem lại tiêu chí xây dựng giải thưởng còn phù hợp với thực tiễn hay không để điều chỉnh, bổ sung nhằm tôn vinh đúng địa chỉ, đúng sản phẩm.
Liên quan đến tiêu chí danh hiệu hàng HVNCLC, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, khẳng định không có chuyện "kinh doanh mua bán" danh hiệu này. Ban chấp hành hội sẽ tập trung tổng rà soát tất cả danh sách DN được bình chọn năm 2019.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, toàn bộ chi phí là do hội tự lo và khi trao danh hiệu cũng không thu phí. Đây là hoạt động phi lợi nhuận nhằm xác lập danh sách DN được người tiêu dùng tin cậy nhằm khuyến khích việc sản xuất, tiêu dùng hàng Việt. Việc bình chọn và trao danh hiệu dựa trên cơ sở pháp lý là quy trình xác lập được trình cho Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Sau khi xem xét, cục này sẽ thông qua và cấp cho hội quyền chủ sở hữu "nhãn hiệu chứng nhận" HVNCLC để hội trao lại cho DN. "Trong 23 năm qua, hội chúng tôi là một trong rất ít hội DN hoạt động mà không nhận tài trợ nào từ ngân sách nhà nước, cuộc bình chọn HVNCLC cũng vậy" - bà Vũ Kim Hạnh cho hay.
Thanh Nhân - Thái Phương