Vietstock - Góc nhìn: Tẩy chay Big C hay “gáo nước lạnh” cho doanh nghiệp Việt tỉnh ngộ?
Sự việc Big C ngừng nhập các mặt hàng may mặc của các doanh nghiệp Việt là một diễn biến đã từng được nhiều chuyên gia phân tích, cảnh báo trước đây khi Tập đoàn Central chi hơn 1 tỷ USD mua lại Big C năm 2016. Điều này cũng là một hồi chuông cảnh báo với doanh nghiệp Việt khi làm ra sản phẩm nhưng không nắm được kênh phân phối.
* Từ vụ Big C dừng nhập hàng Việt: Doanh nghiệp phải thay đổi hoặc là "chết"!
* Bộ Công Thương: 'Big C hứa nhập lại hàng may mặc Việt Nam ngay hôm nay'
* Big C ngừng nhập hàng, doanh nghiệp Việt kéo tới văn phòng phản đối
Hiện Việt Nam chưa có quy định nào về việc tỷ lệ hàng hoá nội trong các siêu thị ngoại
|
Hiện dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều về vụ việc này, một bên phản ứng tiêu cực kêu gọi tẩy chay Big C và nhiều hàng hoá Thái trên đất Việt, một quan điểm khác lại nhìn đây giống như một "gáo nước lạnh" giúp doanh nghiệp Việt tỉnh ngộ và tìm cách tự thay đổi trong tương lai.
Tẩy chay Big C là quyền người dùng
Phản ứng tiêu cực với động thái này của Central Group, hàng trăm người lao động và chủ doanh nghiệp dệt may tập trung tại văn phòng đại diện Central Group ở Thành phố Hồ Chí Minh, căng băng rôn biểu ngữ, phản đối động thái từ chối nhập hàng may mặc Việt Nam của Central Group…
Tinh thần hàng Việt dâng cao, trên truyền thông - mạng xã hội có nhiều quan điểm kêu gọi tẩy chay Big C và nhiều hàng hoá của người Thái khác đang kinh doanh tại Việt Nam.
Điều đáng nói, sự việc hàng Việt Nam bị làm khó tại Big C không phải chưa từng xảy ra. Sau khi Central nắm quyền sở hữu hệ thống siêu thị Big C đã thực hiện nhiều chính sách như tăng chiết khấu, ra nhiều yêu sách "làm khó" doanh nghiệp Việt. Chẳng hạn Central tăng mức chiết khấu với hàng thuỷ sản từ 20-15%.
Với mức chiết khấu này nhiều doanh nghiệp thuỷ sản cho rằng họ sẽ bị lỗ nên không thể bày bán hàng ở siêu thị này được. Hay vụ Thế giới Di động (HM:MWG) buộc phải rút 22 cửa hàng tại Nguyễn Kim cũng vậy bởi Central sở hữu 49% cổ phần của Nguyễn Kim.
Trao đổi với VnEconomy, TS. Nguyễn Đức Thành - hiện là Giám đốc kiêm Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhận định: "Central quyết định thế nào là việc của họ, cần tôn trọng. Họ có thể biến Big C thành một chuỗi siêu thị Thái ở Việt Nam giống như các chuỗi siêu thị của Nhật, Hàn ở Việt Nam. Và khách hàng của họ cũng sẽ thay đổi theo. Tất nhiên, về kết quả kinh doanh thế nào họ sẽ phải tự chịu trách nhiệm thôi. Nếu muốn Big C bán hàng Việt tại sao không bỏ 1 tỷ USD mua Big C 3 năm trước".
TS Nguyễn Đức Thành nói rằng làn sóng tẩy chay Big C là phản ứng nhân văn không phải phản ứng kinh tế.
|
Ông Thành cho rằng "gáo nước lạnh" này của Central cũng là cơ hội cho các chuỗi siêu thị thuần Việt.
Nói về lời kêu gọi của cộng đồng mạng đòi tẩy chay Big C vì ngừng nhập bán hàng may mặc Việt, ông Thành nói đó là quyền của người tiêu dùng vì đó là một phản ứng nhân văn, không phải kinh tế và là quan hệ dân sự.
"Tẩy chay không sao, Big C sẽ phải đối đầu với phản ứng đó thôi. Đó là một phản ứng nhân văn của doanh nghiệp, người dùng Việt, không phải kinh tế", vị chuyên gia nêu quan điểm.
Về góc độ doanh nghiệp Việt sau "gáo nước lạnh" của Central, ông Thành nhấn mạnh phải tự cố gắng cả về chất lượng lẫn giá thành cũng như làm chủ kênh phân phối.
"Central Group đã bỏ ra gần 1 tỷ USD để làm điều này khi AEC sắp có hiệu lực. Và giờ đây họ có toàn quyền hái quả của họ. Nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn như vậy ngày hôm nay, sao không làm như thế những năm trước? Thị trường luôn khắc nghiệt như vậy nhưng nó luôn công bằng", ông Thành nói.
Big C cam kết giữ tỷ lệ 90% hàng Việt
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hiện không có quy định nào quy định về tỷ lệ hàng hoá nội trong các siêu thị ngoại tại Việt Nam.
Riêng với trường hợp Big C Việt Nam dừng nhập hàng may mặc của nhà cung cấp Việt Nam, câu hỏi đặt ra là nhà phân phối này có "đẩy" hàng Việt ra khỏi hệ thống siêu thị của mình thay thế bằng hàng Thái Lan hoặc các nước khác, bà Nga cho biết, Big C cam kết giữ nguyên trên 90% hàng Việt, hàng Thái Lan 1,26% trong đó hàng thương hiệu Thái Lan 0,3% và cam kết giữ vững tỷ lệ này.
"Năm 2018 tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống siêu thị này là 96% bao gồm nhiều mặt hàng, phần lớn kinh doanh hàng nông sản chiếm tới hơn 70%", bà Nga nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Big C cam kết mở đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp hàng may mặc Việt Nam, trong 10 ngày tới làm việc với các nhà cung cấp Việt Nam, 2 tuần hoặc ít hơn 100 nhà cung cấp nữa sẽ tiếp tục được mở đơn hơn. Còn lại 50 nhà cung cấp của Việt Nam sẽ được làm kỹ hơn về việc doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được quy định, cam kết theo hợp đồng đã ký và Central khẳng định tuân thủ đúng nội dung tinh thần hợp đồng đã ký giữa Central và các nhà cung cấp.
Bổ sung thêm về nội dung vừa nêu, bà Nga cho biết, 50 nhà cung cấp được mở là những nhà cung cấp lớn nhất, 100 nhà cung cấp tiếp theo phải xem lại cơ cấu hàng hoá, kiểm tra lại xưởng sản xuất, còn 50 nhà cung cấp còn lại Big C bàn thảo thay đổi cơ cấu vì muốn kinh doanh hàng chất lượng cao hơn.
Bà Lê Việt Nga
|
Bà Nga cũng cho biết, trong đợt này, Big C Việt Nam có thể điều chỉnh chiết khấu.
"Big C không phàn nàn về chất lượng hàng dệt may Việt mà họ thay đổi chiến lược kinh doanh mới là siêu thị GO! Market với mặt bằng khác, mặt hàng kinh doanh chất lượng cao nhiều hơn. Đây là chiến lược kinh doanh mới của họ và mình tôn trọng quyết định đó và theo dõi có tuân thủ pháp luật Việt Nam như Luật Cạnh tranh, Luật Dân sự, bảo vệ người tiêu dùng".
Bạch Huệ