Vietstock - Giữ gìn dư địa tài khóa để ứng phó với các "cú sốc" trong tương lai
Theo CIEM, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã vượt so với mức tiềm năng trong các quý I và II/2024. Nếu chỉ tập trung nới lỏng tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng thì áp lực lạm phát sẽ gia tăng. Do đó, chuyên gia của CIEM khuyến nghị giữ gìn dư địa tài khóa để ứng phó với các "cú sốc" trong tương lai.
Kinh tế 6 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả quan trọng
Sáng 9/7, trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Chính phủ Đức tài trợ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng”.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, kể từ đầu năm 2024, Việt Nam đã nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Cách tiếp cận toàn diện này đã thấy những kết quả kinh tế - xã hội khá ấn tượng trong 6 tháng đầu năm.
TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM phát biểu tại hội thảo.
|
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, những kết quả này là rất quan trọng, song cũng chỉ là bước đầu. Là cơ quan nghiên cứu và tham mưu chính sách cho Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CIEM luôn nhấn mạnh thông điệp phải làm sâu sắc hơn cải cách thể chế kinh tế. Do đó, việc nhìn lại, đánh giá tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 cũng là dịp để nhận diện những động lực, khó khăn đối với cải cách thể chế kinh tế hướng tới tăng trưởng kinh tế có chất lượng.
Theo CIEM, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã vượt so với mức tiềm năng trong các quý I và II của năm 2024. Lạm phát có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm, dù vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Lúc này, một vấn đề cần xem xét là kiến nghị chính sách tài khóa nghịch chu kỳ có còn phù hợp? |
Trình bày báo cáo nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM đã điểm lại những kết quả nổi bật đạt được trong 6 tháng đầu năm. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,42%. Các cấu phần của tổng cầu (xuất khẩu, tiêu dùng, tích lũy tài sản) đều có tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm 2024, dù sự phục hồi chưa thực sự vững chắc.
Năng suất lao động cũng đạt được một số kết quả tích cực. Tính theo giá hiện hành, GDP bình quân lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng khoảng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện hiệu quả và năng suất lao động, chẳng hạn như trong lĩnh vực thương mại điện tử, đồ họa chuyên nghiệp...
Kết quả thu hút FDI, tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng là những điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, lạm phát có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm, dù vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Dư nợ tín dụng đã tăng trở lại từ tháng 3/2024, song còn lo ngại về mức độ và hiệu quả hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt 6,95%
Toàn cảnh hội thảo tổ chức vào sáng 9/7/2024. Ảnh: Hoàng Yến.
|
Từ phân tích, đánh giá tình hình trong nước cũng như thế giới, các chuyên gia của CIEM đưa ra hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2024.
Trong kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 9,54% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,31% so với năm 2023. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD. Kịch bản này giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế, và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như đề ra trong nửa đầu năm 2024.
Kịch bản 2 đạt được với giả thiết Việt Nam thực hiện hiệu quả các giải pháp cải cách và điều hành kinh tế ở Việt Nam, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng (kể cả chất lượng tín dụng), tăng năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. |
Ở kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 11,64% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,12% so với năm 2023. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.
Kịch bản 2 giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi nhanh; nhà đầu tư gia tăng đầu tư vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; chuỗi cung ứng phục hồi; đầu tư cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh có chuyển biến tích cực).
Để đạt được các mục tiêu trong những tháng cuối năm, CIEM đưa ra một số kiến nghị chính sách. Theo đó, tập trung cải thiện chất lượng tăng trưởng; hướng dẫn thực thi kịp thời các Luật mới có hiệu lực; cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo, thích ứng với các xu hướng lớn (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh); tăng năng suất lao động… Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo).
Về điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, cần có chính sách phù hợp, nếu chỉ tập trung nới lỏng tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng thì áp lực lạm phát sẽ gia tăng. Do đó, "cần theo dõi chặt chẽ diễn biến lạm phát (tác động của tăng lương và tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá). Cùng với, giữ gìn dư địa tài khóa để ứng phó với các cú sốc trong tương lai" - Chuyên gia của CIEM nhấn mạnh./.
Hoàng Yến