Vietstock - Giám đốc Xuyên Việt Oil rút quỹ Bình ổn giá xăng dầu để đầu tư bất động sản
Khai tại tòa, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil thừa nhận rút 219 tỷ đồng của quỹ Bình ổn giá xăng dầu để đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Sáng nay (21/11), phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) tiếp tục phần xét hỏi của đại diện VKS và luật sư đối với các bị cáo.
Trước đó, trong phần xét hỏi của HĐXX, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) bày tỏ mong muốn khắc phục hậu quả bằng các tài sản thuộc sở của Công ty Xuyên Việt Oil và tài sản nhờ người khác đứng tên.
Với đề nghị này, đại diện VKS đặt câu hỏi các tài sản bị cáo Hạnh nhờ đứng tên hộ gồm những gì.
“Đó là căn biệt thự rộng 667m2 ở Mũi Né, 3 xe bồn có giá từ 1-7 tỷ đồng do công ty đứng tên không thế chấp ở đâu, con của bị cáo đã xin nộp cho cơ quan điều tra” - bị cáo Hạnh trả lời.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh. Ảnh: Đào Phương |
Về việc đưa hối lộ cho 8 bị cáo - gồm: Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương); Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Bến Tre); Nguyễn Lộc An (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương); Hoàng Anh Tuấn (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước); Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước); Lê Duy Minh (cựu Cục trưởng Cục Thuế TPHCM); Phan Kiến Anh (cựu Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn); Đặng Công Khôi (cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài Chính) - thì bà Hạnh khẳng định hoàn toàn tự nguyện khai báo, không bị bức cung hay nhục hình.
Bị cáo Hạnh cũng khai là nhà đầu tư có mục tiêu chính là mang lại lợi ích cho công ty, đặc biệt trong bối cảnh hàng hóa khan hiếm hoặc khi cần mở rộng quan hệ làm ăn, nên mới đưa hối lộ.
“Việc hối lộ không chỉ là đưa tiền mà còn phải khéo léo, lựa chọn những dịp thích hợp để tạo cơ hội gặp gỡ. Dù đi tặng tiền nhưng bị cáo phải chọn dịp lễ, tết để có lý do gặp các anh" - bị cáo Hạnh trần tình.
Khai về mối quan hệ với bị cáo Lê Đức Thọ, bị cáo Hạnh nói cả hai coi nhau như anh em trong gia đình.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Đào Phương |
Theo hồ sơ vụ án, cơ quan điều tra đang tạm giữ số tiền 470 nghìn USD kê biên từ ông Lê Đức Thọ. Bị cáo Hạnh khai đây là khoản tiền cá nhân tích lũy được, không liên quan đến hành vi phạm tội. Vì vậy, bị cáo mong muốn được sử dụng số tiền này để khắc phục hậu quả vụ án.
Đối với việc rút 219 tỷ đồng của quỹ Bình ổn giá xăng dầu, bị cáo Hạnh nhận sai khi đã không mở tài khoản định danh theo quy định của pháp luật để nhận tiền quỹ mà mở tài khoản thông thường. Việc làm này khiến ngân hàng không quản lý được, không biết việc bị cáo rút tiền quỹ ra sử dụng riêng.
Bị cáo Hạnh thừa nhận sử dụng 219 tỷ đồng nói trên vào việc đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Về việc không nộp 1.244 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường được giao thu hộ, bị cáo Hạnh khẳng định không cố ý chậm thanh toán khoản này, đây là số tiền nợ thuế trong khoảng 3 tháng. Tuy nhiên năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, giá xăng dầu biến động và bị giãn cách xã hội dẫn đến việc kinh doanh xăng dầu thua lỗ. Công ty Xuyên Việt Oil không còn khả năng tài chính nên phải dùng đến tiền quỹ và thuế môi trường.
Thanh Phương