Tài sản số sẽ được coi là tài sản hợp pháp và bị đánh thuế từ năm 2026
Investing.com - Liên minh châu Âu (EU) đang theo đuổi một chiến lược vừa mềm dẻo trong đàm phán, vừa cứng rắn trong chuẩn bị đối phó trước nguy cơ Mỹ gia tăng các biện pháp thuế quan. Dù vẫn duy trì đối thoại tích cực, EU đồng thời không loại trừ các bước đi đáp trả nếu không đạt được thỏa thuận thương mại với Washington trước thời hạn chót ngày 1/8.
Sau cuộc điện đàm với đại diện EU ngày 20/7, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick bày tỏ lạc quan rằng hai bên vẫn còn cơ hội đạt được đồng thuận. Tuy nhiên, bối cảnh đàm phán không kém phần căng thẳng khi trước đó, Tổng thống Donald Trump đã gửi thư cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, tuyên bố áp thuế 30% đối với hàng hóa xuất khẩu từ EU bắt đầu từ tháng 8. Đây là mức thuế vượt xa các biểu thuế phổ biến hiện hành như thuế nhập khẩu 10%, thuế ôtô 25% hay thuế với kim loại 50%.
Không dừng lại ở những lĩnh vực truyền thống, Mỹ còn vừa công bố mức thuế mới lên tới 50% với đồng và cảnh báo sẽ mở rộng trừng phạt thuế lên cả lĩnh vực dược phẩm và bán dẫn. Theo thống kê từ phía châu Âu, các mức thuế mà Mỹ đã hoặc dự kiến áp dụng có thể ảnh hưởng đến khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Mỹ, tương đương 380 tỷ euro.
Dù Mỹ và EU là hai đối tác thương mại – đầu tư lớn nhất toàn cầu, chính quyền Trump vẫn nhiều lần bày tỏ bất bình về sự mất cân đối cán cân thương mại hàng hóa với châu Âu, bất chấp việc Mỹ hiện đang thặng dư trong lĩnh vực dịch vụ. Nếu mức thuế 30% được triển khai như kế hoạch, EU lo ngại tác động tiêu cực đến nền kinh tế khu vực có thể vượt qua cả những kịch bản đã được Ngân hàng Trung ương châu Âu dự tính trước đó.
Trước rủi ro hiện hữu, các quan chức cấp cao EU khẳng định họ vẫn duy trì thiện chí trong đàm phán. Một phần hy vọng tập trung vào khả năng Mỹ sẽ chấp thuận điều chỉnh thuế với mặt hàng ôtô, vốn đang ở mức 25%, xuống dưới 20%, đổi lại EU có thể cân nhắc hạ thuế ôtô nhập từ Mỹ về ngưỡng 10%. Dù vậy, các phương án phản ứng cũng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Một gói biện pháp trị giá 72 tỷ euro đã được thông qua, nhắm đến các mặt hàng công nghiệp then chốt như máy bay, xe hơi và rượu. Ngoài ra, EU cũng dự trù thêm các biện pháp bổ sung trị giá 21 tỷ euro, tập trung vào hàng hóa xuất xứ từ các bang chiến lược của Mỹ như đậu nành, gia cầm và xe máy.
Song song với đối thoại và chuẩn bị trả đũa, EU cũng tăng tốc củng cố năng lực nội tại. Trong tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất một khung ngân sách mới trị giá 2.000 tỷ euro – một gói tài chính chưa từng có tiền lệ – với mục tiêu nâng cao khả năng tự chủ và ứng phó với các cú sốc toàn cầu, từ đại dịch, chiến tranh cho tới cạnh tranh công nghệ và căng thẳng thương mại.
Tuy nhiên, đề xuất này sẽ phải vượt qua nhiều thách thức chính trị khi cần sự phê chuẩn của toàn bộ 27 quốc gia thành viên. Bộ trưởng Kinh tế Đan Mạch Marie Bjerre thừa nhận rằng hiện chưa có quốc gia nào thực sự hài lòng với ngân sách hiện hành, nhưng cũng nhấn mạnh rằng châu Âu cần một nguồn lực mới để đối mặt với các biến động đang ngày càng phức tạp.