Vietstock - Đầu tư FPI: Dấu hiệu đảo chiều của dòng vốn
Trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ghi nhận xu hướng gia tăng tích cực, thì dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI) lại có dấu hiệu suy giảm. Điều này đặt ra yêu cầu cho các cơ quan có thẩm quyền về việc tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đảm bảo an toàn trong quản lý dòng vốn quốc tế.
Dấu hiệu đảo chiều ngày càng rõ nét
Theo Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tính đến ngày 20/6/2024 đạt 1,420 lượt với tổng giá trị góp vốn 1.7 tỷ USD. Con số này nếu so với cùng kỳ năm trước đã giảm 58% về tổng giá trị vốn góp,giảm 11% về số dự án góp vốn, mua cổ phần. Điều đáng lưu ý là xu hướng suy giảm này đã bắt đầu ngay từ đầu năm 2024 đến nay. Bởi lẽ, cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/4/2024, số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm 13.6% so với cùng kỳ, giá trị góp vốn cũng giảm 70% so với cùng kỳ.
Tình hình góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm 2024
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài
|
Tình hình góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2024
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài
|
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán gần đây cũng ghi nhận các đợt bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, với giá trị đạt 44.6 ngàn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, cao hơn 2 lần so với con số 19.5 ngàn tỷ đồng của cả năm 2023.
Đặc biệt, ngày 22/6 vừa qua, thông tin từ báo chí Hàn Quốc cho biết, Tập đoàn SK Group (chaebol lớn thứ ba nước này) đã và đang có kế hoạch rút bớt phần vốn đầu tư tại Việt Nam.
Trước đó, Blackrock (tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới) cũng đã tuyên bố đóng quỹ ETF iShares Frontier and Select EM, quỹ này có lượng cổ phiếu Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất (28%) trên tổng quy mô tài sản 425 triệu USD tương đương hơn 10.800 tỷ đồng. Động thái rút vốn của các quỹ đầu tư lớn này có thể kéo theo việc rút vốn đầu tư gián tiếp của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác khỏi thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Nhìn chung, sự sụt giảm của lượng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán cùng với sự gia tăng giá trị bán ròng trên thị trường này cho thấy rằng các nhà đầu tư nước ngoài chưa thực sự có niềm tin vững chắc về triển vọng nền kinh tế sắp tới. Thậm chí, dòng vốn đầu tư này còn có nguy cơ rút hẳn ra khỏi lãnh thổ để chuyển đến các thị trường có triển vọng sinh lời cao hơn. Theo đó, nguy cơ đảo chiều dòng vốn đầu tư gián tiếp FPI đang rõ ràng hơn bao giờ hết.
Tiếp tục theo dõi để can thiệp kịp thời
Hiện nay, hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán Việt Nam cần tiếp tục được cơ quan có thẩm quyền theo dõi kỹ lưỡng. Nếu dòng vốn nước ngoài rút ra một cách ồ ạt sẽ dẫn đến việc mất giá lớn của đồng nội tệ. Điều này sẽ buộc Ngân hàng Nhà nước phải bán dự trữ ngoại hối để can thiệp trong cơ chế vận hành của chế độ tỷ giá hối đoái trung tâm hiện nay.
Kinh nghiệm quốc tế ghi nhận, trong khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998, Thái Lan đã không đủ dự trữ ngoại hối để can thiệp, trong khi Hàn Quốc phải vay USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế với nhiều điều kiện khó khăn, chỉ có Hong Kong đủ dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá hối đoái. Từ đây, có thể rút ra bài học kinh nghiệm rằng, chỉ có dự trữ ngoại hối lớn vẫn chưa đủ, mà cần có cam kết mạnh mẽ của ngân hàng trung ương về khả năng bảo vệ đồng nội tệ trước cú sốc bị rút vốn đầu tư khỏi lãnh thổ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt, nới rộng biên độ tỷ giá và neo đồng nội tệ với các đồng ngoại tệ mạnh để giảm tác động của đầu tư FPI lên tỷ giá đồng nội tệ trong nước.
Ngoài ra, để ứng phó hiệu quả đối hiện tượng rút vốn khỏi thị trường chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước còn cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, trong đó có Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) trong thúc đẩy minh bạch thông tin, cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà đầu tư, ngăn ngừa các hành vi gian lận, đảm bảo an toàn tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư, hướng đến củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư FPI đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đặc biệt, yếu tố then chốt để xây dựng lại niềm tin, ngăn chặn triệt để đà thoái vốn của các nhà đầu tư FPI, Chính phủ cần nâng cao hiệu quả công tác điều hành vĩ mô nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, phấn đầu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6-6.5% trong năm 2024. Từ đó, cải thiện triển vọng kinh tế trong mắt nhà đầu tư nước ngoài để giữ chân dòng vốn hiện hữu và thu hút thêm các dòng vốn FPI mới vào thị trường Việt Nam.
Nguyễn Công Toàn - Đinh Tấn Phong