Vietstock - Đại sứ Thụy Sĩ: Việt Nam sẽ đóng góp các giải pháp giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu
Trong bối cảnh thế giới đối mặt với hàng loạt thách thức từ căng thẳng địa chính trị đến sự phân cực kinh tế - xã hội, Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy các giải pháp mang tính toàn cầu.
Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass - Ảnh: VGP/Đỗ Cường
|
Trên đây là nhận định của Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam, ông Thomas Gass, khi chia sẻ về chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Hội nghị WEF tại Davos, Thụy Sĩ, diễn ra trong tuần tới, là dịp để các nhà lãnh đạo chính trị, doanh nghiệp và tổ chức xã hội trên toàn cầu thảo luận về những vấn đề quan trọng như trí tuệ nhân tạo, phát triển nguồn nhân lực, phục hồi niềm tin quốc tế và thúc đẩy các ngành công nghiệp mới.
Đại sứ Thomas Gass đánh giá cao sự hiện diện của Việt Nam tại diễn đàn này, coi đây là bước tiến quan trọng trong việc khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Ông nhấn mạnh, sự tham gia tích cực của Việt Nam phù hợp với tầm nhìn của Bộ Chính trị và Chính phủ: đưa Việt Nam vươn lên trở thành một quốc gia có vai trò nổi bật trong khu vực và trên thế giới.
"Chúng tôi cũng mong muốn lắng nghe những phân tích của Thủ tướng Phạm Minh Chính về tình hình toàn cầu và các giải pháp mà Việt Nam có thể đề xuất đối với những thách thức nêu trên", Đại sứ Thomas Gass bày tỏ.
Bên lề hội nghị, đoàn Việt Nam dự kiến tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, bao gồm kêu gọi tài chính cho lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngành dược phẩm, năng lượng tái tạo và dịch vụ công nghiệp. Đại sứ Gass cho rằng những sự kiện này sẽ không chỉ tạo cơ hội thu hút đầu tư mà còn thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác và đổi mới sáng tạo.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter để thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ song phương. Đại sứ Thomas Gass bày tỏ sự lạc quan về mối quan hệ giữa hai nước, khẳng định đây là mối quan hệ bền chặt và đầy tình hữu nghị.
Ông cho biết, mặc dù các công ty Thụy Sĩ không xuất hiện nhiều trên các tuyến phố lớn của Việt Nam, nhưng công nghệ và sản phẩm của Thụy Sĩ lại hiện diện sâu rộng trong các ngành công nghiệp trọng điểm. Robot sản xuất xe VinFast, máy xát gạo của Bülher, nhà máy chế biến cà phê của Nestlé hay các doanh nghiệp Fintech Thụy Sĩ đều góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Đại sứ cũng kỳ vọng hai bên sẽ đạt được tiến triển trong các vấn đề như ký kết Hiệp định thương mại tự do và miễn thị thực cho công dân Thụy Sĩ đến Việt Nam, qua đó mở rộng hợp tác kinh tế và giao lưu văn hóa. Ông tin rằng, với sự tham gia tích cực tại WEF và các sáng kiến đang triển khai, Việt Nam sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Tử Kính