Vietstock - Cơ hội thu hút đầu tư từ các đối tác EU theo hướng xanh và bền vững
Các chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá quá trình chuyển đổi xanh vẫn đang ở những bước đầu, do đó, các đối tác EU có thể hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.
Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - EU 2024: "Nỗ lực thích ứng vì tương lai thịnh vượng bền vững" do Bộ Công Thương tổ chức chiều 07/11. Ảnh: Thế Mạnh
|
Phát biểu tham luận tại Diễn đàn hợp tác Việt Nam - EU 2024 chiều 07/11, ông Trịnh Đức Cường, Giám đốc Trung Tâm kinh doanh Chuyển phát Viettel Post cho biết, những năm gần đây giao thương giữa Việt Nam và EU đang ngày càng phát triển nhưng vẫn chưa đạt được tiềm năng như kỳ vọng.
Theo ông Cường, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này. Thứ nhất, EU là một thị trường khó tính có yêu cầu rất cao và ngày càng cao hơn nữa về logistics xanh, nguồn gốc xuất xứ và tính minh bạch.
Thứ hai, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đi ra thị trường theo mô hình xuất nhập khẩu truyền thống, hàng hóa thường phải qua nhiều khâu trung gian trước khi đến tay người tiêu dùng cuối.
Thứ ba, chi phí logistics trong xuất khẩu hiện vẫn rất cao. Số liệu thống kê của Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan, chi phí logistics chiếm gần 18% GDP, cao hơn mặt bằng chung thế giới chỉ 10%. Đây là một rào cản liên quan đến việc cạnh tranh hàng hóa Việt Nam.
Không chỉ chi phí đắt đỏ, thời gian và các phương thức vận chuyển chưa đa dạng, dẫn đến các mặt hàng cần lưu thông nhanh hiện chưa có phương án triển khai hiệu quả.
Cuối cùng, doanh nghiệp Việt thiếu các đầu mối, nền tảng công nghệ hỗ trợ xúc tiến thương mại hai chiều, xây dựng thương hiệu khi thâm nhập thị trường quốc tế...
ông Trịnh Đức Cường, Giám đốc Trung Tâm kinh doanh Chuyển phát Viettel Post
|
Theo ông Cường, Viettel Post đang tập trung vào giải quyết các vấn đề trên. Trong đó, để tạo ra giải pháp chuỗi logistics tối ưu về cả chi phí, thời gian, Công ty đang đầu tư các trung tâm logistics tại Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Lạng Sơn và Hà Nội. Đây là những điểm tập kết hàng hóa, có đầy đủ công năng về thông quan, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, kho lưu trữ để phục vụ đa dạng hàng hóa, kể cả mặt hàng nông sản.
Để đáp ứng yêu cầu của EU về phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu, Viettel Post tập trung đầu tư công nghệ mới như: Sử dụng năng lượng tái tạo, robot, xe điện… Năm 2024, Công ty có dự án đầu tư 5,000 tủ smart locker và tiếp tục nhân lên con số 20,000 trên toàn quốc trong những năm tới nhằm góp phần đưa ngành logistics phát triển bền vững.
Thảo luận tại phiên tọa đàm, các diễn giả trong nước và quốc tế cũng phân tích không ít thách thức đặt ra, trước tình hình kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, cùng xu hướng tăng cường những quy chuẩn thương mại xanh, bền vững.
Ông Nguyễn Thanh Vĩnh Nhật, Giám đốc kế hoạch CTCP Tôn Đông Á chia sẻ, doanh nghiệp gặp nhiều thách thức khi tham gia thị trường quốc tế, từ biến động giá nguyên liệu đến yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là EU.
Để vượt qua các thách thức hiện hữu, Tôn Đông Á đang đầu tư máy móc thiết bị đạt tiêu chuẩn EU, Nhật Bản. Đồng thời không ngừng thích ứng với các yêu cầu của CBAM, đảm bảo dữ liệu đạt chất lượng cho từng lô hàng xuất khẩu.
Dưới góc độ là một đối tác lớn trong ngành hàng bán lẻ thời trang tại EU, bà Anastacia Howe, Giám đốc về bền vững của H&M, lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam về nhu cầu thị trường trước sự phát triển của xu hướng xanh, phát triển bền vững tại EU và tiêu chí tìm kiếm nguồn cung ứng của doanh nghiệp châu Âu.
Theo bà Anastacia Howe, trong những năm tới H&M sẽ quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm may mặc có tính chất tái chế, tái tạo theo xu hướng kinh tế tuần hoàn. Để đáp ứng xu hướng này đòi hỏi các nhà cung cấp phải nỗ lực hợp tác nhằm cải thiện công nghệ tái chế, sử dụng năng lượng tái tạo...
Bà Anastacia Howe, Giám đốc về bền vững của H&M
|
"Với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam hướng đến nền kinh tế xanh và bền vững, chúng tôi cam kết sẽ là một đối tác quan trọng. Đặc biệt khi Việt Nam đang là trung tâm về sản xuất, bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu với vai trò quan trọng của Chính phủ trong việc đưa ra các chính sách, cơ chế phù hợp, đầu tư vào những hạ tầng cần thiết, tin rằng việc hợp tác thương mại đầu tư Việt Nam - EU sẽ ngày càng thịnh vượng", bà Howe cho biết.
Dưới góc nhìn của phía doanh nghiệp châu Âu, ông Nguyễn Xuân Thắng - Phó Chủ tịch EuroCham đánh giá cao triển vọng và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi xanh với tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào và bày tỏ nhiều kỳ vọng từ thị trường. Đồng thời, nhấn mạnh tài chính bền vững đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Phó Chủ tịch EuroCham
|
"EU có thể hỗ trợ Việt Nam về tài chính và đầu tư thông qua các sáng kiến. Đơn cử như quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với mục tiêu huy động tài trợ 15.5 tỷ USD từ các tổ chức và đối tác tư nhân để chuyển đổi năng lượng trong giai đoạn 2026-2028. Khoản tài trợ này sẽ giúp Việt Nam nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là lưới điện để tăng cường chuyển tải và phân phối các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời", ông Thắng nói.
Cũng theo Phó chủ tịch EuroCham, việc cam kết một môi trường hợp tác đầu tư thuận lợi thông qua quan hệ đối tác với EU sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam sang một tương lai năng lượng bền vững.
Bên cạnh vấn đề đầu tư năng lượng xanh, cũng nên nhắc thêm đến vai trò hợp tác của đối tác EU cho việc thúc đẩy tương lai cho sản xuất thông minh trong chuỗi cung ứng ở Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết EU hiện là nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ 6 tại Việt Nam với 2,625 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 30 tỷ USD và đang chiếm hơn 6% tổng vốn FDI tại Việt Nam. Sau 4 năm thực thi Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU liên tục tăng, từ 48.9 tỷ USD năm trước khi Hiệp định có hiệu lực lên 63.7 tỷ USD vào năm thứ 4 Hiệp định có hiệu lực, với mức tăng trưởng bình quân 7%/năm; trong đó, xuất khẩu sang thị trường EU tăng bình quân 8.7%/năm, nhập khẩu từ thị trường EU tăng bình quân 2.8%/năm. EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba và thị trường nhập khẩu lớn thứ năm của Việt Nam. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), EU nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 đạt 34.9 tỷ EUR, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm thị phần 2.2%. Việt Nam hiện đứng vị trí tốp 10 nhà cung ứng hàng hóa ngoại khối lớn nhất cho EU và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN.. |
Thế Mạnh