Vietstock - Cách nào để tự kiểm tra nợ xấu miễn phí?
Câu chuyện từng gây sốc về một khách hàng “quẹt” thẻ tín dụng với dư nợ ban đầu chỉ 8.5 triệu đồng nhưng “quên trả” đã đẩy núi nợ lên gần 9 tỷ đồng sau 11 năm khiến nhiều người không khỏi lo sợ bỗng dưng một ngày mình cũng trở thành “con nợ”. Phải chăng hủy thẻ tín dụng mới là cách duy nhất loại trừ hoàn toàn rủi ro cho người dùng hay sẽ có biện pháp phòng ngừa khác tối ưu hơn?
Để không bị rơi vào tình cảnh “khóc dở chết dở” tương tự, người dùng không chỉ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc trả hết nợ đúng hạn mà còn phải thường xuyên kiểm tra và theo dõi báo cáo tín dụng để phát hiện sớm các vấn đề, sai sót và kịp thời xử lý.
Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) là nơi lưu trữ thông tin tín dụng của cá nhân và tổ chức trên toàn quốc. Thông qua hệ thống này, người dùng có thể dễ dàng kiểm tra lịch sử tín dụng, bao gồm các khoản nợ hiện tại, tình trạng thanh toán và các ghi chú về nợ xấu.
CIC cho phép mỗi cá nhân và tổ chức tự tra cứu báo cáo tín dụng cơ bản miễn phí 1 lần/năm. Từ lần khai thác thông tin thứ 2 trở đi trong cùng 1 năm hoặc cần báo cáo chi tiết hơn mới trả phí.
Người dùng có thể tự tra cứu thông tin tín dụng cá nhân miễn phí thông qua CIC bằng cách thực hiện theo các bước sau:
- Truy cập website chính thức của CIC (https://cic.gov.vn) hoặc tải ứng dụng CIC Credit Connect từ App Stote (iOS) hoặc Google (NASDAQ:GOOGL) Play (Android).
- Đăng ký tài khoản:
- Nếu chưa có tài khoản, bạn cần đăng ký. Nhấn vào “Đăng ký” và điền thông tin cá nhân như họ tên, số CMND/CCCD, số điện thoại, email, vá các thông tin khác theo yêu cầu.
- Sau khi đăng ký, bạn sẽ nhận được mã OTP qua SMS để xác minh.
- Hoàn thành đăng ký và chờ tài khoản được phê duyệt.
- Sau khi đăng nhập, bạn có thể chọn mục tra cứu thông tin tín dụng cá nhân.
- Điền đầy đủ, chính xác thông tin và thực hiện xác minh để lấy báo cáo tín dụng.
Làm gì khi bị nợ xấu?
Theo Khoản 1 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, phân loại nợ theo phương pháp định lượng thành 5 nhóm như sau:
- Nợ nhóm 1 hay còn gọi là nợ đủ tiêu chuẩn: Là khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày và được đánh giá là có khả năng thu hồi nợ;
- Nợ nhóm 2 hay còn gọi là nợ đáng chú ý: Là khoản nợ quá hạn từ 10 đến 90 ngày được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ nợ và lãi bị quá hạn;
- Nợ nhóm 3 hay còn gọi là nợ dưới tiêu chuẩn: Là khoản nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày;
- Nợ nhóm 4 hay còn gọi là nợ nghi ngờ: Là khoản nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày;
- Nợ nhóm 5 hay còn gọi là nợ có khả năng mất vốn: Là khoản nợ quá hạn trên 360 ngày.
Nợ xấu là các khoản nợ khó đòi khi người vay không thể trả nợ đến hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng cho vay. Theo Khoản 8 điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nợ xấu ngân hàng sẽ thuộc nhóm 3, 4 và 5.
Không có cách nào để “xóa nợ xấu” ngay lập tức ngoài việc trả hết nợ. Thời gian để xóa nợ xấu khỏi hệ thống CIC phụ thuộc vào nhóm nợ và tình trạng thanh toán của người đi vay.
Đối với nợ xấu (nhóm 3,4,5), thông tin nợ xấu sẽ được lưu lại trong hệ thống CIC trong 5 năm kể từ ngày thanh toán hết khoản nợ. Điều này có nghĩa là ngay cả khi đã trả hết nợ, lịch sử nợ xấu vẫn tồn tại trong báo cáo tín dụng trong vòng 5 năm và sẽ ảnh hưởng đến khả năng vay mới trong khoảng thời gian này.
Đối với nợ cần chú ý (nợ nhóm 2), thông tin sẽ được lưu lại trong 12 tháng kể từ ngày thanh toán hết nợ.
Có thể thấy báo cáo tín dụng cơ bản cũng đã cung cấp đầy đủ các thông tin về các khoản vay của mỗi cá nhân nên việc thường xuyên kiểm tra và theo dõi báo cáo tín dụng định kỳ mỗi năm (nếu không muốn mất phí) sẽ vẫn giúp mỗi cá nhân phát hiện sớm các lỗi sai và tranh chấp nếu có thông tin không chính xác. Từ đó có thể khắc phục các sai sót kịp thời cũng như chủ động hơn trong việc lập kế hoạch tài chính cho tương lai.
Khang Di