Ông Trump sẽ đến thăm Fed vào thứ Năm giữa lúc căng thẳng với ông Powell và cuộc điều tra về cải tạo trụ sở
Investing.com -- Ryanair cảnh báo hủy đơn hàng 330 máy bay Boeing (LON:SBA) nếu thuế quan leo thang, có thể chuyển sang mua máy bay Trung Quốc.
Ryanair – hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu – mới đây tuyên bố có thể sẽ hủy đơn hàng lên tới 330 chiếc Boeing 737 Max, với tổng giá trị hơn 30 tỷ USD, nếu căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và châu Âu tiếp tục làm tăng giá máy bay. Ryanair thậm chí không loại trừ khả năng sẽ xem xét mua máy bay do Trung Quốc sản xuất.
Theo hãng tin Reuters, lời cảnh báo từ Ryanair – một trong những khách hàng lớn nhất của Boeing – cho thấy ngành hàng không vũ trụ toàn cầu có thể đang đứng trước sự thay đổi lớn trong bối cảnh địa chính trị và thương mại đầy biến động.
Trong bức thư gửi một nghị sĩ cấp cao của Mỹ vào ngày 1/5, Giám đốc điều hành Ryanair, ông Michael O’Leary, viết: “Nếu chính phủ Mỹ áp thuế khiến giá xuất khẩu máy bay Boeing sang châu Âu tăng mạnh, chúng tôi buộc phải xem xét lại toàn bộ đơn đặt hàng hiện tại.”
Trước đó, theo trang Simple Flying, ông O’Leary từng đề xuất trì hoãn nhận máy bay từ Boeing và liên tục cảnh báo về tác động tiêu cực của thuế quan. Ryanair hiện có 29 chiếc Boeing 737 Max dự kiến được bàn giao vào tháng 3/2026, bên cạnh 150 đơn đặt hàng chắc chắn và 150 đơn hàng tùy chọn với dòng 737 Max 10, dự kiến được chuyển giao vào năm 2027.
Vào tháng 3, Boeing từng cam kết rằng các máy bay dành cho Ryanair sẽ không bị áp thuế nhập khẩu, do các hợp đồng máy bay thông thường không bao gồm điều khoản thuế và mức thuế chỉ được tính sau khi quyền sở hữu được chuyển giao. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hãng hàng không đang cân nhắc điều chỉnh các điều khoản hợp đồng tương lai để phòng tránh các rủi ro thương mại kéo dài.
Trong bối cảnh Boeing đang tìm cách tiêu thụ những chiếc máy bay bị Trung Quốc từ chối nhận do căng thẳng thương mại, Ryanair đã đưa ra cảnh báo trên. Trung Quốc trước đó đã từ chối tiếp nhận 50 chiếc Boeing 737 Max, dẫn đến việc Air India – một hãng hàng không giá rẻ của Ấn Độ – đặt mua lại 10 chiếc.
Dù Ryanair chưa từng đàm phán với nhà sản xuất COMAC của Trung Quốc kể từ năm 2011, ông O’Leary cho biết hãng có thể cân nhắc mua máy bay Trung Quốc nếu giá rẻ hơn từ 10–20% so với Airbus – đối thủ chính của Boeing. Tuy vậy, hiện vẫn chưa có hãng hàng không phương Tây nào mua máy bay từ COMAC, do dòng máy bay C919 của họ mới chỉ xin chứng nhận ở châu Âu, chưa được cấp phép tại Mỹ.
Trong khi đó, Airbus đã công bố rằng họ đã kín đơn hàng cho ít nhất 10 năm tới, khiến việc tìm kiếm nguồn cung máy bay thay thế trở nên khó khăn. Giới phân tích cũng nhận định, việc các hãng hủy hợp đồng máy bay là rất hiếm vì ngành hàng không đang trong tình trạng thiếu máy bay nghiêm trọng. Các nhà sản xuất cũng thường đưa ra nhiều lý do chính đáng để trì hoãn giao hàng, như gián đoạn chuỗi cung ứng hay ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị.
Tính đến thời điểm hiện tại, Boeing chưa có phản hồi chính thức nào trước tuyên bố của Ryanair.