Vietstock - Bộ Tài chính "thúc" các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn
Cá biệt, còn 6 bộ, ngành trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Một số đơn vị Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá, Liên minh các hợp tác xã Việt Nam chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục nghiệm thu, thanh toán gửi ngay ra Kho bạc Nhà nước để thanh toán theo quy định.
|
Bộ Tài chính vừa có báo cáo trình Thủ tướng về tình hình thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước ước 9 tháng đầu năm 2018.
Theo đó, Bộ Tài chính cho biết trong 9 tháng đầu năm năm 2018, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước ước thanh toán là 203.583 tỷ đồng, đạt 50,93% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 52,46% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, vốn trong nước là 187.213 tỷ đồng, đạt 55,11% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 56,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn ngoài nước là 16.369,931 tỷ đồng, đạt 27,28% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 29,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Kết quả giải ngân kế hoạch vốn của các Bộ, ngành trung ương và địa phương 9 tháng năm 2018 đạt cao hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2017. Trong đó, vốn trong nước có tỷ lệ giải ngân cao hơn khoảng 4%, tuy nhiên, vốn ngoài nước tỷ lệ giải ngân thấp hơn khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2017.
Có 1 bộ, ngành trung ương và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 80% kế hoạch, tuy nhiên cũng còn nhiều bộ, ngành trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp.
Cụ thể, có 30/56 bộ, ngành trung ương và 26/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch 9 tháng đầu năm 2018 thấp hơn 50% kế hoạch năm, trong đó, còn 6 bộ, ngành trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%.
Một số bộ, ngành trung ương như Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá, Liên minh các hợp tác xã Việt Nam chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Bộ Tài chính cho rằng việc giải ngân kế hoạch vốn của các dự án chậm là có nhiều lý do. Đối với tình hình giải ngân vốn trong nước (bao gồm cả vốn Trái phiếu Chính phủ và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia), việc giao kế hoạch vốn còn chưa sát với nhu cầu giải ngân vốn của dự án.
Cụ thể, các dự án khởi công mới cần thời gian để tổ chức lựa chọn tư vấn thiết kế, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và triển khai thi công xây lắp; bố trí kế hoạch vốn nhưng dự án không có nhu cầu sử dụng do đã quyết toàn hoặc kế hoạch quá lớn...
Đối với một số dự án chuyển tiếp, nhà thầu còn chưa chú trọng công tác làm hồ sơ thanh quyết toán hợp đồng để giải ngân vốn.
Một số dự án chuyển tiếp vẫn đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh hạng mục, điều chỉnh tổng mức đầu tư làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Một số dự án đang trong giai đoạn kết thúc, đang tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công và một số dự án đang kiểm toán quyết toán các gói thầu vẫn chưa có số liệu chính xác từ đơn vị kiểm toán độc lập, chưa hoàn thành thủ tục phê duyệt quyết toán nên chưa có khối lượng thanh toán…
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khách quan khác như ảnh hưởng của địa hình phức tạp, yếu tố thời tiết, mưa lũ, công trình nằm ở vùng sâu, biên giới...
Đối với tình hình giải ngân vốn nước ngoài, theo Bộ Tài chính nguyên nhân chậm trễ là do một số dự án đã giải ngân xong từ năm 2017 nhưng vẫn được bố trí kế hoạch vốn năm 2018 như dự án hiện đại hóa tín hiệu thông tin đường sắt các tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Lào Cai...
Một số dự án đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2018 nhưng hết thời hạn giải ngân vốn theo Thỏa thuận/Hiệp định hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền đang làm thủ tục gia hạn giải ngân theo quy định.
Một số dự án hỗn hợp bao gồm cả cấp phát và cho vay lại chưa giải ngân được do đang gặp vướng mắc trong thực hiện việc ký kết hợp đồng cho vay lại như dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh…
Một số dự án đang trong quá trình thanh quyết toán ở giai đoạn cuối của dự án nên tiến độ giải ngân không đều như dự án cầu Nhật Tân, dự án đường nối Nội Bài - Nhật Tân, dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh vay JICA...
Một số dự án hỗn hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo có cả vốn xây dựng cơ bản và vốn hành chính sự nghiệp hiện nay, chỉ giải ngân vốn hành chính sự nghiệp…
Trên cơ sở đó, để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân kế hoạch năm 2018, Bộ Tài chính kiến nghị, đối với số vốn kế hoạch năm 2018 còn lại chưa giao đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ rà soát các thủ tục liên quan đến đầu tư công, tập trung hoàn thiện các thủ tục, giao hết số vốn còn lại chưa giao của kế hoạch năm 2018.
Đối với số vốn 447,141 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép giữ lại để bố trí kế hoạch vốn cho các dự án của Bộ Giao thông vận tải, đề nghị Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện thủ tục đầu tư và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn năm 2018 cho các dự án đã đủ điều kiện.
Các bộ, ngành, địa phương rà soát kế hoạch vốn năm 2018 và có văn bản về việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa dự án giải ngân chậm và dự án có nhu cầu vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để có hướng xử lý kịp thời đối với các vướng mắc có liên quan đến các dự án ODA.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát kế hoạch vốn năm 2018 và có văn bản về việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa dự án giải ngân chậm và dự án có nhu cầu vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Song song với đó, chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương rà soát các khối lượng đã thực hiện để hoàn thiện thủ tục nghiệm thu, thanh toán gửi ngay ra Kho bạc Nhà nước để thanh toán theo quy định.
Duyên Duyên