Vietstock - Hoạt động sản xuất của Mỹ bất ngờ thu hẹp lần đầu tiên trong 3 năm
Chỉ số sản xuất chính của Mỹ bất ngờ thu hẹp lần đầu tiên kể từ năm 2016, đẩy cổ phiếu và lợi suất trái phiếu xuống thấp hơn, đồng thời thúc đẩy kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất khi hoạt động sản xuất trên toàn cầu ngày càng tệ đi.
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) giảm xuống 49.1 trong tháng 8/2019, yếu hơn tất cả dự báo của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg, dữ liệu công bố trong ngày thứ Ba (03/09) cho thấy. Chỉ số PMI dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất nhìn chung đang thu hẹp. Chỉ số đo lường số đơn đặt hàng mới giảm xuống mức đáy hơn 7 năm, trong khi chỉ số về sản lượng chạm mức thấp nhất kể từ cuối năm 2015.
Dữ liệu có vẻ bi quan trên càng làm nỗi lo ngại về suy thoái thêm phần trầm trọng và có thể ảnh hưởng đến khả năng tái đắc cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump vì ông từng cam kết hồi sinh hoạt động sản xuất tại nước Mỹ. Cùng lúc đó, động thái leo thang thuế quan của ông Trump cũng là lý do đằng sau đà suy yếu của hoạt động sản xuất và có nguy cơ lan sang chi tiêu của người tiêu dùng – một yếu tố đóng góp đến 2/3 GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, những con số từ ISM đã dập tắt đà hồi phục trong phiên sáng và đẩy chỉ số S&P 500 giảm mạnh nhất trong 7 phiên vừa qua. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và đồng USD đều suy yếu.
Các trader giờ kỳ vọng Fed sẽ nới lỏng chính sách mạnh hơn trong năm nay, sau đợt hạ lãi suất 25 điểm cơ bản vào ngày 31/07/2019 – cũng là lần giảm lãi suất đầu tiên kể từ năm 2008. Tại lần họp kế tiếp của Fed vào ngày 18/09, nhà đầu tư đã nâng xác suất Fed hạ lãi suất 50 điểm cơ bản nhưng vẫn tiếp tục nghiêng nhiều về hướng hạ lãi suất 25 điểm cơ bản hơn.
“Phần dữ liệu này đang là một phần của tình hình rối rắm hiện tại vốn đã đẩy chúng ta vào suy thoái”, Quincy Krosby, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Prudential Financial (NYSE:PRU), cho biết. “Tác động từ chiến tranh thương mại đang dần hiện hữu ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), châu Á và hiện tại ở Mỹ. Nếu kinh tế Mỹ tiếp tục xấu đi thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động nói chung”.
Carl Riccadonna, Trưởng bộ phận kinh tế Mỹ tại Bloomberg, cho hay: “Dĩ nhiên, những nỗi lo về tác động kinh tế từ thuế quan và căng thẳng thương mại đang tác động quá mạnh đến niềm tin của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện có quá ít bằng chứng cho thấy hàng rào thuế quan đang gây áp lực tăng giá hoặc gây thiếu hụt về nguyên vật liệu trong phần nội dung chi tiết của báo cáo. Như vậy, tác động bậc hai từ hàng rào thuế quan (như tác động đến niềm tin và sự tăng giá của đồng tiền) dường như là tác động mạnh hơn”.
Mặc dù hoạt động sản xuất chỉ chiếm 11% nền kinh tế Mỹ, nhưng nhiều chuyên gia cũng lo ngại đà suy yếu kéo dài – và khả năng sa thải nhân viên kéo theo – có thể ảnh hưởng đến phần còn lại của nền kinh tế và gây nguy cơ đến chuỗi tăng trưởng dài kỷ lục hiện tại.
Trong báo cáo của ISM, thiết bị vận tải là một trong bảy ngành ghi nhận sự suy yếu trong tháng 8/2019. Các nhà sản xuất xe hơi – dự kiến công bố doanh số tháng 8 vào ngày thứ Tư (04/09) – cũng góp phần vào đà giảm tốc trên. General Motors (NYSE:GM) đã ngừng sản xuất tại nhà máy sản xuất xe hơi ở Ohio và nhà máy ở Michigan trong năm nay. Đây là hai trong số 4 nhà máy ở Mỹ đã thông báo sẽ không phân bổ sản phẩm tương lai của General Motors.
Sự đi xuống của thị trường xe hơi và thiết bị điện tử cũng đang tác động đến lợi nhuận của công ty 3M (NYSE:MMM). Doanh số và lợi nhuận tại nhà sản xuất đa dạng hàng hóa này đã giảm trong quý 2/2019 ngay cả khi lợi nhuận vượt kỳ vọng. Tại Caterpillar (NYSE:CAT), đà giảm tốc về việc lấy dầu thô từ khu vực Permian Basin đang làm giảm nhu cầu về máy móc. Hơn nữa, doanh số máy móc trên toàn cầu của Caterpillar chỉ tăng trưởng 4% trong tháng 6 và 7/2019, chậm nhất trong 2 năm.
Về mặt kỹ thuật, hoạt động sản xuất tại Mỹ đã trong tình trạng suy thoái, trong đó thước đo về sản lượng của Fed đã giảm 2 quý liên tiếp. Đâu chỉ riêng Mỹ, lĩnh vực sản xuất trên toàn thế giới cũng rơi vào tình cảnh tương tự, thậm chí còn nặng nề hơn. Xét ở một thước đo, hoạt động sản xuất toàn cầu đã thu hẹp trong 4 tháng liên tiếp.
Chỉ số đo lường số đơn đặt hàng mới của ISM – vốn được một số chuyên gia xem là chỉ báo sớm về suy thoái – giảm xuống 47.2. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 12/2015, chỉ số này rớt xuống dưới ngưỡng 50. Chỉ số sản lượng của ISM cũng rơi xuống dưới mức 50, chỉ 49.5 trong tháng 8/2019.
Đà giảm về nhu cầu và sản lượng đang gây tác động lan truyền sang thị trường lao động khi chỉ số việc làm trong ngành sản xuất của ISM giảm xuống 47.4, thấp nhất kể từ tháng 3/2016. Điều này báo hiệu báo cáo việc làm – dự kiến được công bố vào ngày thứ Sáu (06/09) – sẽ cho thấy sự suy giảm về số lượng việc làm mới trong tháng 8/2019.
“Điều này xác nhận rằng đà suy yếu mà chúng ta chứng kiến ở các nền kinh tế khác trên toàn cầu giờ đã lan sang đến Mỹ”, Gregory Daco, Trưởng bộ phận kinh tế Mỹ tại Oxford Economics, cho hay. “Điều quan trọng ở đây là không chỉ tình hình hiện tại đã xấu đi đáng kể mà các thành phần trong tương lai cũng thế”.
Chỉ số đo lường số đơn đặt hàng xuất khẩu – một đại diện về nhu cầu nước ngoài – giảm xuống 43.3, thấp nhất kể từ tháng 4/2009, thời điểm suy thoái lên đến đỉnh điểm.
Chỉ số PMI sản xuất từ IHS Markit ở mức 50.3 trong ngày thứ Ba (03/09), cho thấy hoạt động sản xuất vẫn còn tăng trưởng. Các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư thường theo dõi báo cáo PMI của ISM hơn.
“Hiệu ứng sốc” từ báo cáo mới nhất của ISM càng làm gia tăng thêm nỗi lo sợ về suy thoái và các lĩnh vực thuộc sản xuất cũng khá yếu ớt, Jim Paulsen, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Leuthold Group, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Điều này xác nhận rằng hoạt động sản xuất ở Mỹ vẫn chưa chạm tới đáy”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)