Vietstock - Vải thiều đi Úc gặp “nạn”
Các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều đang như “ngồi trên lửa” vì những thiệt hại về mặt uy tín và kinh tế khi hàng loạt các lô hàng xuất khẩu bị trả về.
Theo báo cáo của Trung tâm chiếu xạ Hà Nội, mùa vải thiều năm 2016, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu được khoảng 30 tấn vải thiều vào thị trường Úc và năm nay, dự kiến sẽ đạt khoảng 100 tấn. Thế nhưng, với các lô hàng liên tục bị hư hỏng và đối tác dừng nhập khẩu như hiện nay thì dự kiến khó đạt.
Các lô vải thiều XK của Cty TNHH Agricare Việt Nam sang Úc đã bị hỏng la liệt.
|
Doanh nghiệp “thiệt đơn, thiệt kép”
Năm 2016, dự án nghiên cứu về dây chuyền sơ chế, bao gói và bảo quản quả vải thiều do Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ NN - PTNT chủ trì đã được triển khai thực hiện tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Dự án được đánh giá là có thể bảo quản được vải trong vòng một tháng. Ngay khi đi vào vận hành, công nghệ này đã được không ít doanh nghiệp xuất khẩu đón nhận. Tuy nhiên, mới đây hàng loạt lô vải thiều sau khi được bảo quản chiếu xạ xuất khẩu sang Úc bị hư hỏng phải trả về.
Cụ thể, Cty TNHH Phong Sơn Tiệm phối hợp với HTX Hồng Giang đưa quả vải vào sơ chế, bảo quản và đóng gói tại đây, sau đó chuyển lên Hà Nội chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Tuy nhiên, khi sang tới Úc, các lô hàng này hầu hết bị thối, hư hỏng. Điều đáng nói, theo lãnh đạo của Cty này, trong năm nay Cty áp dụng bằng công nghệ bảo quản thông thường trước đây thì quả vải khi được chuyển sang nước bạn vẫn đảm bảo tươi ngon - vị này chia sẻ.
Tương tự, hai lô hàng của Cty TNHH Agricare VN, mỗi lô hàng khoảng hơn 200 tấn vừa sang tới cảng hàng không phía Úc cũng phát hiện các lô vải đã bị thối, hỏng, bị hủy đơn hàng, thiệt hại uy tín và tiền bạc lớn.
Ai chịu trách nhiệm?
Được biết, dây chuyền công nghệ sơ chế, bảo quản quả vải tại HTX Hồng Giang do Viện Cơ điện chịu trách nhiệm cung cấp thiết bị và thi công dây chuyện thiết bị sơ chế quả vải; thiết bị máy lạnh ở khu nhà lạnh làm khô và kho lạnh. Phía HTX Hồng Giang chịu trách nhiệm đối ứng phần vốn để thi công đối với các hạng mục như kho lạnh đóng gói, kho lạnh bảo quản. Khoảng giữa năm 2016, dây chuyền thiết bị sơ chế quả vải đã được Viện Cơ điện phối hợp với HTX Hồng Giang hoàn tất và vận hành.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thừa nhận, việc phản ánh của doanh nghiệp là có cơ sở và sau khi làm việc với các doanh nghiệp, HTX về phía Viện đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên như khâu làm khô và làm lạnh đột ngột, có thể có tình trạng việc xử lí chưa triệt để và kỹ càng, khiến cho một số lượng nhất định quả vải vẫn chưa được làm khô ráo vỏ và làm lạnh sâu đạt yêu cầu, nên sau đó đã kích thích cho vi sinh vật phát triển trở lại khiến vải bị hỏng… Mặt khác trong quá trình vận chuyển các lô vải, nền nhiệt độ bảo quản ở mức cao hơn so với mức nhiệt độ bảo quản theo quy trình của Viện, khiến mẫu mã, chất lượng quả vải bị biến đổi.
Một quy trình bảo quản chưa được nghiệm thu hoàn chỉnh, lại áp dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu một cách đầy rủi ro. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia trong ngành, trách nhiệm trước hết thuộc về Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, viện này phải có nhiệm vụ đề xuất với cơ quan quản lý trực thuộc Bộ NN – PTNT về cơ chế cùng chịu trách nhiệm về những rủi ro với doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai nghiên cứu để tránh lặp lại những sự việc như vừa qua. Cùng với đó, Bộ NN – PTNT phải siết chặt việc áp dụng quy trình công nghệ bảo quản, chiếu xạ, đóng gói… xây dựng quy chế chịu trách nhiệm rõ ràng đến từng cá nhân, bộ phận trong Trung tâm. Đối với việc ứng dụng các thiết bị khoa học công nghệ trong chiếu xạ cần phải gắn với nhu cầu và điều kiện thực tiễn không thể làm theo kiểu cho xong- vị chuyên gia chia sẻ.