Vietstock - Từ tháng 8 ra quân dán tem cây xăng ở TP.HCM
Trong quá trình triển khai đề án, nếu phát hiện cây xăng vi phạm gian lận thì có thể thu hồi giấy phép.
Ngày 18-7, Cục Thuế TP.HCM đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu triển khai đề án Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP.HCM.
Dán tem cây xăng hạn chế xăng dầu không rõ nguồn gốc
Mục tiêu đề án nhằm chống gian lận thuế, quản lý chặt chẽ sản lượng bán ra của các cửa hàng bán xăng dầu, làm căn cứ kê khai nộp thuế, góp phần chống thất thu cho ngân sách nhà nước. Cạnh đó, chống tiêu cực trong việc mua bán hóa đơn của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, gắn trách nhiệm có tính bắt buộc của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong việc cung cấp hóa đơn hợp pháp khi bán cho người tiêu dùng (NTD).
Ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết khi thực hiện đề án, qua khảo sát cho thấy các DN dầu đầu mối tuân thủ chính sách pháp luật nhưng lượng xăng dầu đến NTD thông qua các đơn vị bán lẻ đôi lúc có hiện tượng tiêu cực. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng có chấn chỉnh đối với kinh doanh xăng dầu. Chủ yếu là xác định nguồn gốc xăng dầu, vì thực tế cũng có một số lượng xăng dầu trôi nổi trên thị trường được tiêu thụ ở các cửa hàng bán lẻ.
Theo ông Minh, qua việc dán tem, cơ quan chức năng muốn hạn chế bớt lượng hàng hóa không rõ nguồn gốc. Vì NTD sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên khi sử dụng xăng kém chất lượng, xăng không đảm bảo quy cách có thể dẫn đến cháy nổ…
“Chúng tôi tính sơ bộ về cơ cấu giá hiện nay của xăng dầu thì gần như thuế bảo vệ môi trường chiếm tương đối (với 3.000 đồng/lít), cạnh đó là thuế VAT, thuế thu nhập DN… Bình quân thuế, phí chiếm 7.000-8.000/lít xăng dầu. Do đó, nếu lượng xăng dầu bán lẻ không rõ nguồn gốc, trôi nổi được tiêu thụ thì kéo theo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN đầu mối chân chính, thất thu ngân sách nhà nước” - ông Minh chia sẻ.
Ngoài ra chế độ sử dụng hóa đơn, chứng từ hiện nay cũng chưa được quản lý chặt chẽ. Thông qua dán tem, cơ quan thuế sẽ định hình được sản lượng bán ra, kiểm tra ngược lại với hóa đơn xuất ra có tương ứng, phù hợp hay không… Bên cạnh đó, việc dán tem sẽ ngăn chặn hiện tượng gian lận trong cân đong đo đếm, bảo vệ quyền lợi NTD.
Thời gian dán tem chỉ mất 30 giây, nhiều nhất là một phút nên không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của cây xăng.
|
Đài thọ tất cả chi phí dán tem
Đại diện Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Sở KH&CN TP.HCM cho biết vừa qua đã phối hợp với Cục Thuế TP tổ chức buổi hướng dẫn cho cán bộ thuế 24 quận, huyện về cách thức cũng như vị trí dán tem.
Tuy nhiên, đợt dán tem này, TP chỉ thực hiện dán tem cho đồng hồ công tơ tổng kiểu cơ khí và cơ điện, còn đồng hồ điện tử sẽ không dán tem.
Nguyên nhân là do đồng hồ công tơ tổng kiểu điện tử cơ cấu điều chỉnh của nó là xóa được số tổng nên không thể dán tem, nếu có dán thì không thể quản lý được số liệu.
Ông Minh cho biết trong quá trình khảo sát cho thấy các cây xăng của một số DN lớn như Petrolimex, Saigon Petro, PV Oil, các bộ phận của trụ bơm đều được giữ nguyên vẹn (có đồng hồ tổng, đồng hồ cơ điện). Nhưng khảo sát ở một số cây xăng nhỏ thuộc DN tư nhân thì đồng hồ tổng bị tháo rời ra. Do đó, trước mắt đề nghị các đơn vị kinh doanh phải gắn lại đồng hồ tổng mới có cơ sở để dán tem.
“Chi phí liên quan đến dán tem thì UBND TP đã đài thọ hết. Các đơn vị chỉ cần hỗ trợ để đoàn liên ngành vào dán chứ không chịu chi phí nào cả” - ông Minh nhấn mạnh.