Vietstock - OPEC đối mặt với nhiệm vụ bất khả thi
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đối mặt với hàng loạt thách thức khi họ muốn duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng tồn tại thêm 8 tháng nữa, các nhà phân tích cho biết vào ngày thứ Hai khi các bộ trưởng năng lượng gặp mặt ở St. Petersburg để bàn luận về thỏa thuận trên.
Theo CNBC, mặc dù mức độ tuân thủ thỏa thuận của các nhà sản xuất đã cao hơn so với quá khứ, nhưng thỏa thuận cắt giảm sản lượng có thể chịu nhiều áp lực trong nhiều tháng tới.
“Một số nhà sản xuất sẽ cố gắng tuân thủ theo thỏa thuận, nhưng tôi nghĩ mức độ tuân thủ sẽ giảm sút so với 6 tháng đầu năm nay”, Victor Shum, Trưởng bộ phận thị trường dầu tại IHS Markit, cho hay.
Ông nói thêm: “Dường như, OPEC thực sự đối mặt với một nhiệm vụ bất khả thi tại thời điểm này: Đó là cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu trên thị trường dầu và còn để duy trì giá dầu”.
Mặc dù tỏ ra lạc quan về thỏa thuận nhưng OPEC cũng thừa nhận rằng một số thành viên đã không thực hiện đầy đủ phần của họ. Tổ chức này cho biết đã thảo luận nghiêm túc với những quốc gia đó.
OPEC và các nhà sản xuất dầu bên ngoài, như Nga, đã cố gắng loại bỏ tình trạng dư cung toàn cầu bằng cách cam kết cắt giảm 1.8 triệu thùng dầu/ngày cho đến cuối quý 1/2018. Vào ngày thứ Hai, các bộ trưởng năng lượng không bàn luận về việc cắt giảm mạnh hơn – dù rằng điều này là cần thiết theo quan điểm của một số nhà phân tích – nhưng các thành viên OPEC đã thực hiện các biện pháp khác để cứu vớt thỏa thuận.
Hôm thứ Hai, giá dầu đã quay đầu leo dốc sau khi nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, Ả-rập Xê-út cam kết giới hạn kim ngạch xuất khẩu dầu ở mức 6.6 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2017, thấp hơn 1 triệu thùng so với mức xuất khẩu trong năm 2016. Bên cạnh đó, Nigeria, một trong hai thành viên OPEC được miễn tham gia vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng, đã đồng ý giới hạn sản lượng một khi sản lượng của nước này ổn định ở mức 1.8 triệu thùng/ngày, OPEC cho hay.
Tuy rằng ban đầu thỏa thuận này đã đẩy giá dầu vượt mốc 50 USD/thùng, nhưng sau đó quay đầu sụt giảm và rớt mốc tâm lý quan trọng này. Sản lượng ngày càng tăng từ các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ, từ 2 thành viên OPEC là Libya và Nigeria và kim ngạch xuất khẩu dầu thô ở mức cao đã gây rất nhiều rào cản tới nỗ lực thu hẹp dự trữ dầu toàn cầu.
Tuần trước, một thành viên của OPEC là Ecuador đã tạo thêm một rào cản mới đến thỏa thuận này bằng việc nói rằng họ sẽ bắt đầu gia tăng sản lượng để bù đắp cho thâm hụt ngân sách.
Dĩ nhiên, sản lượng từ Ecuador chỉ chiếm một phần rất nhỏ, Greg Priddy, Giám đốc bộ phận năng lượng toàn cầu và nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Eurasia Group, cho hay. Ông cũng dự đoán là sẽ có thêm nhiều thành viên bắt đầu gian lận, nhưng cũng kỳ vọng là thỏa thuận trên sẽ được nới rộng thêm.
Ông cho biết OPEC không có khả năng cắt giảm sản lượng mạnh hơn nữa. Mặc dù điều này có thể thúc đẩy giá dầu nhưng nó cũng khuyến khích Mỹ gia tăng sản lượng.
“Họ nhận ra rằng nếu cố gắng thúc đẩy giá thì họ sẽ được lợi ích ngắn hạn từ đà tăng của giá dầu trong khoảng 6 tháng tới, nhưng sản lượng của họ sẽ tăng không bằng sản lượng của Mỹ trong năm kế tiếp, do đó sẽ mất thị phần và cuối cùng giá cũng rơi xuống mức cân bằng hiện tại”, ông nhận định.
Ông Priddy cho biết điều này còn khiến việc tháo gỡ thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào năm 2018 trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, dường như khó để mang Libya và Nigeria – 2 thành viên không phải bị áp đặt hạn mức – vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng, Helima Croft, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, cho hay. Mặc dù sản lượng của 2 quốc gai này đã tăng trong thời gian gần đây, nhưng trươc đó, sản lượng của họ đã giảm mạnh do trải qua thời gian dài nội chiến.
“Nếu đặt mình trong trường hợp của Libya và Nigeria, trải qua hàng loạt vấn đề về an ninh và chính trị, thì có lẽ bạn sẽ không muốn cắt giảm sản lượng. Bạn sẽ muốn sản xuất hết mức có thể”, ông Croft cho hay.
Theo ông Croft, câu hỏi ở đây là liệu Ả-rập Xê-út có thể gánh luôn phần của Libya và Nigeria nếu OPEC không thể đem 2 quốc gia này vào thỏa thuận.