Vietstock - Nga đối mặt với thử thách lớn khi lệnh cấm dầu của EU có hiệu lực
Moskva sẽ phải tăng gấp đôi nỗ lực để tìm khách hàng mới nếu muốn đảm bảo sản lượng dầu không bị thu hẹp trong những tháng tới. Ngược lại, Mỹ xuất khẩu lượng dầu thô kỷ lục khi châu Âu chuẩn bị cho lệnh cấm từ Nga.
Nga đã tăng cường tìm kiếm người mua dầu trên thị trường toàn cầu trước khi lệnh cấm của EU có hiệu lực. Ảnh: Reuters
|
Sau khi lao dốc do xung đột với Ukraine hồi tháng 2/2022, sản xuất của Nga đã phục hồi trong ba tháng qua khi quá trình lọc dầu trong nước bùng nổ và các khách hàng châu Á nhập khẩu các lô hàng bị người mua phương Tây xa lánh. Tuy nhiên, lệnh cấm của EU đối với hầu hết dầu thô của Nga, cũng như sự suy giảm kinh tế, sẽ giáng một đòn mạnh vào các nhà sản xuất dầu mỏ của nước này.
Viktor Katona, người đứng đầu bộ phận phân tích dầu thô tại công ty dữ liệu Kpler, cho biết: “Các công ty dầu mỏ của Nga đang hưởng lợi rất lớn trong mùa Hè - nhu cầu trong nước tăng vọt và việc lệnh trừng phạt của EU chưa có hiệu lực đã cho phép họ tăng cường sản xuất. Nhưng trong thời gian tới, điều đó chắc chắn sẽ thay đổi".
Sản lượng dầu thô và dầu ngưng tụ của Nga - một loại dầu nhẹ hơn - đã đạt mức cao nhất với khoảng 10,8 triệu thùng/ngày vào tháng 7 năm nay. Chuyên gia Katona lưu ý, khối lượng có thể giảm xuống còn khoảng 10,5 triệu thùng/ngày khi lệnh cấm của EU có hiệu lực vào tháng 12, trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến sẽ sụt giảm khoảng 2 triệu mỗi ngày vào đầu năm 2023.
Theo ước tính của IEA, lệnh cấm vận sẽ áp dụng đối với nhập khẩu dầu thô đường biển và hầu hết các nguồn cung cấp từ đường ống dẫn dầu từ ngày 5/12, nhằm loại bỏ khoảng 1,3 triệu thùng/ngày khỏi thị trường châu Âu. Trong khi đó, lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu sẽ được áp dụng vào ngày 5/2/2022, có khả năng cắt giảm thêm 1 triệu thùng ngày.
Nhiều người mua truyền thống đã từ chối mua dầu của Nga, khiến Moskva phải bán cho các khách hàng ở châu Á, thường với mức chiết khấu đáng kể. Theo dữ liệu theo dõi tàu thuyền do Bloomberg tổng hợp trong năm nay, Nga đã tăng dòng dầu thô từ đường biển đến khu vực này lên gần 800.000 thùng/ngày.
Theo các nhà phân tích tại Kpler, Rystad và BCS Global Markets có trụ sở tại Moskva, Nga không thể dựa hoàn toàn vào việc châu Á sẽ thu gom hết các thùng dầu dự trữ khi lệnh cấm của EU có hiệu lực vì khu vực này đã bão hòa với dầu thô của Nga. Ron Smith, một nhà phân tích tại BCS, nói: “Trong ngắn hạn, châu Á đã và đang tận dụng gần như tất cả những gì có thể".
Trong vài tuần đầu tiên của tháng 8, sản lượng dầu thô và dầu ngưng tụ hàng ngày của Nga đạt trung bình khoảng 10,47 triệu thùng/ngày. Mức giảm 3% so với tháng 7 có thể do tính thời vụ chứ không phải do các yếu tố dài hạn như lệnh trừng phạt, với phần lớn nguồn cung giảm từ một nhóm các nhà sản xuất, trong đó có cả tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom PJSC.
Xuất khẩu đường biển của Nga gần đây cũng đã giảm so với mức đỉnh vào mùa Xuân, nhưng các nhà sản xuất dầu đã được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng trong lĩnh vực lọc dầu trong nước trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu theo mùa cao hơn trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, vào cuối năm nay, bất kỳ nỗ lực nào để chế biến nhiều dầu thô hơn trong nước và tăng sản lượng các sản phẩm nhẹ hơn - nhằm xuất khẩu vào thị trường ở châu Âu trước khi lệnh cấm được thực thi vào tháng 2 tới - sẽ gặp khó khăn.
Nhu cầu ở khu vực này có thể giảm khi thời tiết lạnh hơn, hạn chế khả năng xuất khẩu sản phẩm dầu nặng của Nga, Mikhail Turukalov, Giám đốc điều hành của Commodities Markets Analytics LLC có trụ sở tại Moskva nhận định. Theo ông Turukalov, trong những tháng lạnh hơn, Nga cũng thiếu khả năng hậu cần cần thiết để tăng xuất khẩu dầu nhiên liệu.
Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng kỷ lục khi các nhà máy lọc dầu châu Âu đổ xô tích trữ nguồn cung trước lệnh cấm nhập khẩu của Nga.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, các chuyến hàng xuất khẩu của nước này đạt 5 triệu thùng/ngày, vượt qua mức cao kỷ lục mới được thiết lập cách đây một tháng.
Sự gia tăng xuất khẩu nhấn mạnh mức độ thế giới đang chuyển sang dầu và khí đốt tự nhiên của Mỹ cho nhu cầu năng lượng của họ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine thu hẹp nguồn cung của cả hai loại năng lượng trên thị trường toàn cầu. Ngoài sự phụ thuộc ngày càng tăng của châu Âu, các thị trường toàn cầu cũng đang chuyển sang sử dụng dầu mỏ để cung cấp nhiên liệu cho nhu cầu điện do giá khí đốt tự nhiên tăng cao kể từ khi Nga cắt giảm nguồn cung và trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt trên toàn thế giới.
Cộng thêm áp lực lên thị trường dầu thô thắt chặt cùng với xuất khẩu của Libya đã giảm mạnh trong tháng trước, các nhà lọc dầu châu Âu đã phải phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung của Mỹ. Khoảng 45 triệu thùng dầu thô dự kiến sẽ đến châu Âu trong tháng 8, đây sẽ là mức cao nhất kể từ năm 2019 khi Bloomberg bắt đầu tổng hợp dữ liệu.
Công Thuận