Vietstock - Lập sàn kinh doanh, xăng dầu sẽ không còn đi ngầm, tay trái bán cho tay phải?
Chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đề xuất xuất lập sàn kinh doanh xăng dầu, mời gọi cả doanh nghiệp nước ngoài tham gia để tăng tính cạnh tranh, minh bạch…
Một số chuyên gia và doanh nghiệp (DN) xăng dầu vừa có đề xuất lập sàn kinh doanh xăng dầu để thị trường xăng dầu hoạt động một cách công khai, minh bạch.
Đề xuất lập sàn kinh doanh xăng dầu
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty xăng dầu Hải Âu Phát, cho biết nguyên lý của sàn giao dịch xăng dầu này sẽ hoạt động như chợ thương mại kinh doanh xăng dầu.
Trong đó, bên bán sẽ đăng ký và đưa đầy đủ thông tin hàng hóa, gồm số lượng, chất lượng, chứng nhận nguồn gốc hàng hóa, kho lưu trữ, giá giao dịch… lên sàn giao dịch. Bên mua sẽ căn cứ vào giá cả, chủng loại sản phẩm để lựa chọn số lượng, chủng loại sản phẩm muốn mua.
Nhà nước sẽ quản lý hoạt động của sàn giao dịch, bảo hộ các giao dịch trên sàn và thu thuế hoặc phí tương ứng cho lượng hàng hóa giao dịch. Nguồn cung xăng dầu chính của sàn bao gồm một phần hoặc toàn phần lượng nhập khẩu của thương nhân đầu mối; lượng xăng dầu sản xuất trong nước của nhà máy lọc dầu;
Lượng xăng dầu hợp quy đang luân chuyển trên thị trường; nguồn xăng dầu từ kho dự trữ quốc gia; nguồn xăng dầu quy đổi từ quỹ bình ổn.
"Các hình thức thương nhân xăng dầu đều bình đẳng trong việc tham gia mua – bán trên sàn giao dịch; có trách nhiệm nộp thuế, phí cho nhà nước đối với lượng hàng hóa giao dịch.
Thương nhân đầu mối có quyền lựa chọn một phần cung ứng cho hệ thống kinh doanh xăng dầu truyền thống như mô hình kinh doanh xăng dầu hiện hữu; một phần rao bán trên sàn giao dịch để kinh doanh bán cho các bên đủ điều kiện mua lượng xăng dầu này.
Thương nhân phân phối, bán lẻ cũng có quyền rao bán lượng xăng dầu mà mình sở hữu trên sàn giao dịch để kinh doanh bán cho các bên đủ điều kiện mua lượng xăng dầu này", Giám đốc Công ty xăng dầu Hải Âu Phát gợi ý.
Không riêng gì với các DN, một số chuyên gia kinh tế cũng ủng hộ về việc nên lập sàn giao dịch kinh doanh xăng dầu. Ông Phạm Ngọc Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cũng đề xuất cần thiết thành lập sàn kinh doanh xăng dầu.
Lý giải cụ thể, ông Hùng cho hay, thị trường xăng dầu của ta hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập. Có thể kể đến như việc nhập khẩu mua xăng dầu từ nguồn nước ngoài hiện nay đang được giao cho các thương nhân đầu mối. Các thương nhân đầu mối có thể mua xăng dầu từ nhiều nguồn, như Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan…
Mặc dù mua ở các quốc gia khác nhau nhưng lại lấy giá của thị trường Singapore để tính giá cơ sở, như thế không phản ánh đúng bản chất của giá thị trường thế giới. Chưa kể, với cách thức tính giá như vậy, giữa giá xăng dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước sẽ luôn có sự chênh lệch nhất định, không phản ánh đúng bản chất giá thị trường.
Trước tình hình đó, theo ông Hùng, giải pháp là thành lập sàn kinh doanh xăng dầu với sự tham gia của cả các DN trong nước và mời cả các nhà cung cấp nước ngoài tham gia thị trường. Lượng tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam hiện khoảng 27 triệu tấn/năm, hoàn toàn đủ khả năng để lập sàn và lấy giá sàn này làm cơ sở tính giá thay vì phải lấy giá thị trường Singapore như hiện nay.
“Nếu lập được sàn kinh doanh xăng dầu có mấy cái lợi. Một là giá cả minh bạch, giá hàng ngày sẽ lấy giá ở thị trường Việt Nam làm giá cơ sở. Giá xăng dầu trong nước không có độ trễ, không có sự bắt tay, đi ngầm, tay trái bán cho tay phải, tăng tính cạnh tranh, giúp các DN có nhiều lựa chọn với giá hợp lý hơn cũng như ngăn chặn được nguy cơ đứt gãy nguồn cung xăng dầu” - ông Hùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, các DN trong nước và nước ngoài khi tham gia sàn cũng sẽ chủ động xây dựng hệ thống kho chứa, vận tải để đảm bảo năng lực cạnh tranh. Như vậy cũng góp phần đỡ áp lực cho dự trữ quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng.
Vẫn còn băn khoăn
Nêu quan điểm về đề xuất này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, “sàn kinh doanh xăng dầu” nghe có vẻ mới nhưng thực ra mặt hàng này cũng nằm trong các sàn giao dịch hàng hoá đã có từ lâu trên thế giới. Hiện ở ta cũng có Sàn giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), trong đó có giao dịch mặt hàng xăng dầu.
“Nếu lập riêng một sàn giao dịch cho xăng dầu cũng tốt, đó là ý tưởng đúng và cần thiết trong xu thế hội nhập, phát triển thể chế. Trong bối cảnh thị trường xăng dầu hiện nay, dù vẫn còn độc quyền nhà nước nhưng về cơ bản có cả tư nhân tham gia bán lẻ nên vẫn có thể lập sàn được. Hơn nữa trong nghị định mới đã cho phép một DN bán lẻ có thể mua được hàng từ nhiều đầu mối thì quy định đó đã tạo tiền đề cho việc lập sàn” - ông Phong nói.
Ở một góc nhìn khác, một số DN phân phối xăng dầu bày tỏ sự e ngại về tính khả thi việc lập sàn kinh doanh vào thời điểm này.
Ông Nguyễn Văn Tiu, Giám đốc Công ty Xăng dầu Tự lực I bày tỏ: “Tôi cho rằng tại thời điểm này chúng ta chưa thể lập được sàn kinh doanh xăng dầu. Vì đây là mặt hàng nhạy cảm, vẫn có sự kiểm soát, điều tiết của Nhà nước. Việc lập sàn chỉ thực hiện được khi thị trường xăng dầu được tự do kinh doanh hoàn toàn”.
Ngoài nguyên nhân trên, thì sự khó đoán định của thị trường xăng dầu thế giới sẽ khiến các DN không dám tham gia kinh doanh trên sàn.
“Hiện nay giá xăng dầu trong nước hoàn toàn phụ thuộc theo giá thế giới. Giá tụt xuống không bán nhanh thì lỗ, lỗ thì mất vốn, nên không ai dám mạo hiểm mà nhập nhiều. Có DN đầu mối, phân phối, bán lẻ nào dám mua hàng nhiều không mà lên sàn?” - ông Tiu nói.
AN HIỀN