Theo Dong Hai
Investing.com - Ấn Độ phải cạnh tranh với các đối thủ khác như Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới, vốn cũng đang chạy đua để có thể đẩy mạnh nhập khẩu than nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại quốc gia này.
Vấn đề thiếu than tại Ấn Độ ngày càng nghiêm trọng
Các nhà máy sản xuất điện tại Ấn Độ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung than đá khi lượng dự trữ rơi xuống mức “cực kỳ thấp” sau giai đoạn nhu cầu sử dụng điện tăng “nóng” từ các ngành công nghiệp sản xuất. Hơn nữa, quá trình nhập khẩu than diễn ra không mấy thuận lợi do giá loại nguyên liệu này tăng vọt, đã và đang đẩy các công ty điện than rơi vào thế bí. Hơn một nửa trong tổng số 135 nhà máy nhiệt điện tại Ấn Độ đang có mức than dự trữ chỉ đủ đáp ứng cho chưa đầy 3 ngày hoạt động, theo dữ liệu chính thức từ chính phủ. Mức này là thấp hơn rất nhiều so với quy định của nhà chức trách, khuyến khích tích trữ lượng than đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất trong ít nhất 2 tuần.
Các công ty sản xuất điện tại Ấn Độ bị “khóa chặt” trong các hợp đồng dài hạn ký kết với các đơn vị phân phối điện, do đó, không thể tự ý nâng giá bán điện trừ khi một điều khoản quy định về vấn đề này đã được thống nhất trong hợp đồng.
Các công ty thương mại và lãnh đạo tác các công ty sản xuất điện cho biết quá trình thu mua than của các đơn vị có sự phụ thuộc lớn vào nguồn than nhập khẩu đang bị đình trệ do mức giá tăng cao. Website của nhiều công ty nhập khẩu than cũng không đăng tải bất cứ thông tin nào liên quan tới việc tìm kiếm các nguồn hàng mới trong tháng 10 này.
Giá than từ các nước xuất khẩu lớn tăng cao kỷ lục trong thời gian gần đây. Coal (API 5) fob Newcastle Futures của Australia tăng gần 50%, Coal (ICI 4) Indonesian Coal Index Futures của Indonesia cũng tăng 30% trong 3 tháng trở lại đây.
Chỉ số giá than trong tháng 9 của Indonesia ghi nhận cao hơn gấp 7 lần so với giá than Coal India bán cho các nhà máy sản xuất, theo Reuters.
Các nhà máy sản xuất điện tại Ấn Độ đang vật lộn với nhu cầu sử dụng điện tăng cao từ các ngành công nghiệp khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục sau làn sóng dịch bệnh Covid-19 mới nhất.
Nhu cầu sử dụng điện tại các bang sản xuất công nghiệp lớn như Maharashtra, Gujarat và Tamil Nadu tăng từ 13,9% đến 21% trong 3 tháng vừa qua, theo Reuter. Ba bang trên chiếm tới gần 1/3 tổng công suất sử dụng điện hàng năm của Ấn Độ. Các ngành công nghiệp và văn phòng làm việc chiếm tới tới 1/2 tổng công suất tiêu thụ điện hàng năm của quốc dân đông dân thứ 2 thế giới. Trong giai đoạn 6 tháng từ tháng 10/2020 tới tháng 3/2021, tiêu thụ điện sinh hoạt và nông nghiệp chiếm đa số trong tổng số công suất sử dụng điện tại Ấn Độ sau khi quốc gia này trải qua làn sóng dịch bệnh Covid-19 đầu tiên.
Vẫn chưa xảy ra tình trạng mất điện diện rộng tại Ấn Độ, những thiệt hại do tình trạng thiếu điện gây ra đã tăng gần gấp 4 lần so với mức độ không đáng kể ghi nhận hồi năm ngoái, theo dữ liệu của POSOCO.
Trung Quốc nới quy định an toàn tại các mỏ vì thiếu than
Tương tự như Ấn Độ, Trung Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu than nghiêm trọng. Để giải quyết bài toán, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu và thúc đẩy sản lượng trong nước trong những tháng tới. Nhiều mỏ than sẽ hoạt động trở lại sau khi được kiểm tra về mức độ an toàn. Tuy nhiên, Trung Quốc đang gặp "vấn đề" cả từ nguồn cung trong nước và quốc tế.
- Đối với nguồn cung trong nước: tháng 12/2020, Trung Quốc sản xuất 351,9 triệu tấn và sau đó giảm dần. Đến tháng 7 năm nay, sản lượng chỉ còn 314,2 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2019. Đến tháng 8, sản lượng chỉ cao hơn một chút so với tháng 7, ở mức 335,2 triệu tấn nhưng vẫn thấp hơn so với tiềm năng của nước này.
- Đối với nguồn nhập khẩu: 8 tháng đầu năm, sản lượng than giảm 10,3% so với cùng kỳ 2020, chỉ đạt 197,7 triệu tấn. Riêng tháng 8, mức nhập khẩu đạt 28,1 triệu tấn, giảm từ mức 30,2 triệu tấn trong tháng 7. Sản lượng nhập khẩu thấp nhưng giá than lại tăng do Trung Quốc có chính sách cấm mua than từ Úc - quốc gia cung cấp than lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Tháng 6 năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu 9,8 triệu tấn từ Úc nhưng kể từ tháng 1 năm nay, con số gần như bằng 0.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ nới quy định an toàn tại các mỏ vì thiếu than. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc trong một cuộc họp mới đây ra thông báo nếu có tai nạn xảy ra tại khu khai thác thì các mỏ liền kề nơi xảy ra sự cố sẽ không buộc phải ngừng hoạt động. Thông báo trên được đưa ra khi Trung Quốc kêu gọi các doanh nghiệp than hoạt động hết công suất trong những tháng cuối năm, kể cả khi đã vượt quá hạn ngạch. Tuần trước, nhà chức trách Trung Quốc có cuộc họp yêu cầu các công ty năng lượng quốc doanh hàng đầu nước này, từ than cho đến dầu, điện, phải đảm bảo nguồn cung cho mùa đông tới bằng mọi giá, theo các nguồn thạo tin.