Theo Dong Hai
Investing.com - Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong quý III, tổng sản lượng xuất khẩu cao su đạt 590.208 tấn, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước; giá trị 970 triệu USD, tăng 23,7%. Giá xuất khẩu bình quân trong quý đạt 1.643 USD/tấn, tăng 32,2%.
Dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nặng nề, sản lượng bán hàng suy giảm nhưng giá bán ra ở mức cao đã giúp các doanh nghiệp cao su ghi nhận biên lợi nhuận cải thiện, lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Lý giải về việc giá cao su leo thang, bên cạnh nguyên nhân hưởng lợi từ giá dầu tăng, thì kinh tế thế giới đang phục hồi trong khi các thị trường cung ứng nguyên liệu cao su như Thái Lan, Indonesia... vẫn đang chịu tác động của dịch COVID-19 dẫn đến nguồn cung cao su thiếu hụt, từ đó đẩy giá cao su lên cao. Ngoài ra, thông tin Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế mới của Nhật Bản tuyên bố sẽ có những hành động, chính sách táo bạo để hồi sinh nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cũng được xem là yếu tố hỗ trợ giá cao su phục hồi.
Trong quý III, sản lượng tiêu thụ cao su bị giới hạn do thiếu công nhân hoặc nhà máy phải tạm ngừng sản xuất vì nằm trong khu vực phong tỏa COVID-19. Song nhờ giá cao su lên cao đã giúp các doanh nghiệp có doanh thu cao hơn cùng kỳ, có thể kể đến những cái tên được hưởng lợi từ xu hướng tích cực này như:
- CTCP Cao su Tân Biên (HN:RTB), doanh thu quý III đạt 265 tỷ đồng, tăng 16%. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 14,3% lên 49,8%. Công ty cho biết nhờ tình hình kinh tế đang phục hồi, giá bán mủ cao su tăng hơn 28%, cao hơn so với cùng kỳ. Trong khi giá vốn giảm nhờ sản lượng khai thác tăng làm giá thành giảm. Cùng với đó, lợi nhuận hoạt động khác đạt 70 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước nhờ lợi nhuận từ thanh lý cây cao su tăng. Các yếu tố trên đã giúp lợi nhuận sau thuế Cao su Tân Biên tăng gần 2,5 lần lên 159 tỷ đồng. Nhờ vậy, công ty đã vượt 148% kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng.
- CTCP Cao su Phước Hòa (HM:PHR), dù doanh thu thuần tăng 33,5%, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 14,8% lên 38,4%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ nhỉnh hơn cùng kỳ 0,4%. Công ty cho biết lợi nhuận khác trong quý III/2021 giảm 115 tỷ đồng, tương ứng giảm 97,1% so với cùng kỳ, trong khi quý III/2020 công ty thu được tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất thực hiện dự án Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 là 100 tỷ đồng. Tình trạng này không phải diễn ra lần đầu với Cao su Phước Hòa khi hai quý đầu năm lợi nhuận cũng giảm do hụt thu tiền đền bù.
- CTCP Cao su Đồng Phú (HM:DPR) ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ gần 4%, giá vốn chỉ bằng 68% cùng kỳ nên công ty này có lãi gấp 12 lần thời điểm cùng kỳ.
- CTCP Cao su Thống Nhất (HM:TNC) ghi nhận lợi nhuận trong quý tăng trưởng 3,7 lần so với cùng kỳ. Điểm nhấn trong báo cáo tài chính quý III của doanh nghiệp này là khoản doanh thu tài chính đột biến gấp 3,6 lần cùng kỳ, đạt hơn 12 tỷ, phần lớn trong đó là 9,2 tỷ đồng tiền cổ tức được chia từ CTCP Dịch vụ Xuất nhập khẩu Nông lâm sản và Phân bón Bà Rịa.
Chiều ngược lại, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HM:GVR) có doanh thu thuần gần như đi ngang cùng kỳ năm trước với 6.151 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp mức tăng chính vẫn là doanh thu từ mủ cao su đạt 4.376 tỷ đồng cùng kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng 294 tỷ. Doanh thu tài chính ghi nhận trong kỳ của GVR giảm 81% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 175 tỷ đồng. Mặc dù vậy, với biên lãi gộp đạt 34%, tăng 13,7 điểm % so với cùng kỳ đã giúp GVR ghi nhận mức lãi sau thuế 1.533 tỷ đồng, tăng 29%. Mức tăng lợi nhuận của doanh nghiệp đầu ngành cao su thiên nhiên đã phản ánh qua giá cổ phiếu. Có lúc thị giá GVR đạt 43.000 đồng/cp, gần với mục tiêu 50.000 đồng/cp mà công ty đã kỳ vọng vào đầu năm.