Vietstock - Dầu sụt hơn 5% khi IMF hạ dự báo tăng trưởng
Giá dầu sụt 5% trong phiên biến động ngày thứ Ba (19/4) do lo ngại về nhu cầu, sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và cảnh báo lạm phát tăng cao.
Giá dầu lao dốc bất chấp sự sụt giảm sản lượng từ OPEC+, vốn sản xuất 1.45 triệu thùng/ngày thấp hơn mục tiêu vào tháng 3, khi sản lượng của Nga bắt đầu giảm sau các lệnh trừng phạt của phương Tây, Reuters đưa tin.
Báo cáo cho thấy Nga đã sản xuất khoảng 300,000 thùng/ngày, thấp hơn mức mục tiêu tháng 3 là 10.018 triệu thùng/ngày, dự trên các nguồn tin thứ cấp.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent lùi 5.22% xuống 107.25 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 5.2% còn 102.56 USD/thùng.
IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu gần 1 điểm phần trăm, với lý do cuộc chiến Nga – Ukraine, và cảnh báo rằng lạm phát hiện là “mối nguy rõ ràng và hiện diện” đối với nhiều quốc gia.
Triển vọng suy giảm đã gây áp lực lên giá dầu từ việc đồng USD dao động ở đỉnh 2 năm. Đồng USD mạnh hơn là các hàng hóa neo giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác, điều này có thể làm suy giảm nhu cầu.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực St. Louis, James Bullard, cho biết vào ngày 18/4 rằng lạm phát Mỹ “quá cao” khi ông nhắc lại quan điểm của mình là nâng lãi suất lên 3.5% vào cuối năm nay để kiềm chế lạm phát.
Lo ngại về tăng trưởng nhu cầu đã được chú ý sau khi một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters vào ngày 18/4 cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ có thể tăng vào tuần trước.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại trong tháng 3, làm xấu đi triển vọng vốn đã bị ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp kiểm soát Covid-19 và cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, có thể bắt đầu tăng khi các nhà máy sản xuất chuẩn bị mở cửa trở lại ở Thượng Hải.
Giá dầu giảm vào ngày thứ Ba sau khi tăng hơn 1% vào ngày thứ Hai (18/4), với giá dầu lên cao nhất kể từ ngày 28/3 do gián đoạn nguồn cung dầu ở Libya.
An Trần (Theo CNBC)