Vietstock - “Cà phê đóng gói” có đáng chịu thuế TTĐB?
Nếu như Bộ Tài chính cương quyết áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) lên gói cà phê hòa tan, thì ngành cà phê rồi sẽ rất “căng”!
Lộ trình bất ngờ và rất nhanh, suất thuế đang được tính toán hoặc 10% hoặc 20% kể từ năm 2019, làm bà con lo xoắn ruột..., vì cà phê là món thức uống ngày càng được sử dụng như một nhu yếu phẩm giúp người lao động tay chân và trí óc tỉnh táo làm việc và tạo điều kiện thanh lọc gan thận cũng như cho nhiều người đẹp chọn làm thức uống giảm béo.
Nghe nói một trong những lý do áp thuế TTĐB lên gói cà phê là vì sợ người tiêu dùng béo phì (!?). Ý kiến của ai đó ngộ nghĩnh nhưng giải thích của người phát biểu không phải không có lý riêng. Thuốc lá gây ung thư phổi và tạo nên bao biến chứng khác; uống rượu hại tim...; uống cà phê thì béo phì, đưa đến bệnh tiểu đường, nên “lấy tiền thuế từ nó để trả chi phí y tế” thì không hợp tình hợp lý sao được!?
Tờ báo điện tử VietNamNet mới đây ghi lại rằng vị quan chức lý giải việc phải bổ sung mặt hàng cà phê đóng gói vào danh mục chính là để “phù hợp với thông lệ quốc tế và hướng dẫn điều tiết tiêu dùng đối với đồ uống có đường nhằm bảo vệ sức khỏe người dân”. Nếu giải thích chính xác như vậy thì rõ oan cho chút cà phê nằm trong bao được mang tiếng là “cà phê đóng gói” ấy. Tĩnh tâm lại mới thấy cái mà cơ quan thuế muốn hạn chế chính là đường và sữa chứ làm gì đụng đến cà phê! Nhưng rồi lại thấy mâu thuẫn, vì còn cả chuyện nghi ngờ khi mặt hàng trà (chè) cũng phải chịu thuế như cà phê!
Nếu không rạch ròi, dù có thể là sơ suất do miêu tả không chuẩn xác mặt hàng hay vì câu chữ, chỉ vì chính cục đường nhúm sữa trong bao cà phê hay gói trà sữa “3 trong 1” hay “2 trong 1”..., người tiêu thụ cà phê và trà “1 trong 1” phải trả tiền oan như các sản phẩm kia! Còn nếu như cứ rắp tâm áp thuế các sản phẩm trà và cà phê thì xin chẳng dám nói gì thêm ở đây.
Không dám bàn tới các suất thuế TTĐB áp trên nhiều loại hàng hóa được đề nghị, chỉ quanh mặt hàng cà phê không thôi, còn rất nhiều chuyện cần soi xét.
Dân tình vẫn ngờ ngợ vì thấy một trong những cái lý để tăng thuế theo đề nghị đợt này là “cho phù hợp với thông lệ quốc tế”. Ủa! Vậy thấy thuế người ta cao là mình phải cao cho bằng? Nếu thế thì người dân thường có thể hiểu rằng “hệ quy chiếu” của đợt đề nghị áp thuế này là thu và tăng thu hơn là soi xét đến các điều kiện cụ thể một cách nghiêm túc. Thuế TTĐB trên “cà phê đóng gói” chỉ đánh trên người tiêu thụ, ai xài thì người ấy phải trả tiền cao. Một nước tiêu thụ có thể đánh thuế nhưng đến nay chưa nghe có nước nào đưa “cà phê đóng gói” vào diện thuế TTĐB cả.
Đừng quên rằng Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê nguyên liệu lớn của thế giới. Hàng năm Việt Nam sản xuất chừng 1,5 triệu tấn cà phê nguyên liệu dạng hạt thì 95% dành cho xuất khẩu với một thực tế muôn vàn nỗi lao đao về thị trường, về giá thế giới, về công cụ kinh doanh hàng hóa thương phẩm... Đánh thuế mà không tham chiếu vào vấn đề hệ trọng này thì không chừng có thể đưa ngành cà phê nước nhà vào chỗ tự triệt tiêu.
Hành nghề xuất nhập khẩu cà phê mới rõ nguồn cơn. Mua hàng cà phê nguyên liệu, bán hàng thô. Trong miêu tả quy cách chất lượng, các hợp đồng xuất khẩu đều ghi rõ cho phép 1% tạp chất nhưng có nhà xuất khẩu khi mua hàng phải chấp nhận 2% tạp chất. Điều đáng nói là giá tiền hàng cà phê hạt phải trả ngang bằng tạp chất, tức những thứ phế phẩm từ cà phê và không phải cà phê. Nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu là phải loại tạp chất khỏi lô hàng, nhưng khốn nỗi đó cũng là tiền, là giá đầu vào.
Hầu hết các nước sản xuất, đặc biệt là Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, họ phát triển và khuyến khích phát triển thêm các nhà máy chế biến cà phê hòa tan để bù vào sự hao hụt từ việc mua và sử dụng nguyên liệu. Cũng cần nói thẳng rằng trong bao “cà phê đóng gói”, nếu ám chỉ đó là cà phê hòa tan, thực chất đó chỉ là các thứ phế phẩm có được từ chế biến hàng cà phê nguyên liệu để xuất khẩu. Đối với người tiêu thụ trong nước, xin nói rõ “ở nhà vườn, phải ăn cau sâu” chứ đâu phải loại hàng xa xỉ, cao cấp gì để áp thuế TTĐB cho cam!
Một trong những nguyên nhân thua lỗ, cụt vốn của nhiều nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam từ hàng chục năm nay là không tính được chuyện mở nhà máy chế biến cà phê hòa tan để “dung hóa” giá thành xuất khẩu cà phê nguyên liệu. Không xây được nhà máy cà phê hòa tan thì muôn năm vẫn phải phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nguyên liệu vốn rất rủi ro khi các quỹ đầu cơ đang khống chế các sàn tài chính phái sinh trong đó có mặt hàng cà phê.
Đó là chưa nói đến các yếu tố khác như vấn đề khuyến khích tiêu thụ nội địa của hạt cà phê Việt Nam đang cực kỳ khó khăn vì hàng giả, hàng tẩm độc hại...
Nên có thể nói rằng, nếu “cà phê đóng gói” phải chịu thuế TTĐB như đang được đề xuất, đích thị đó cũng là lời ai điếu cho ngành cà phê nước nhà.