Vietstock - Bộ Công Thương nói gì về việc dự trữ xăng dầu quốc gia được giao cho doanh nghiệp?
“Khi kiểm tra các đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương có làm rõ được việc có dự trữ quốc gia, dự trữ lưu thông xăng dầu không? Có lẫn lộn trong việc dự trữ này không? Chủ trương đấu giá 100 triệu lít xăng dầu dự trữ quốc gia như thế nào?”. Đây là câu hỏi được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và nhiều đại biểu Quốc hội nêu trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sáng 16/3.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn tại nghị trường sáng 16/3 về xăng dầu.
|
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Trịnh Lam Sinh (An Giang) quan tâm với việc, doanh nghiệp thương nhân xăng dầu đã thực hiện đúng việc dự trữ xăng dầu theo quy định 20 ngày chưa.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc doanh nghiệp đầu mối có thực hiện dự trữ đúng hay không, ông Diên nói "đây là ẩn số".
"Nếu sớm có cơ chế tách bạch dự trữ quốc gia và dự trữ xăng dầu thì việc việc vận hành sẽ tốt hơn. Trong bối cảnh thế giới thế này phải dự trữ nhiều hơn bằng sản phẩm, thì lúc khó mới có cái dùng", ông nêu.
Về dự trữ xăng dầu quốc gia, ông nói thêm, sản lượng tiêu thụ xăng dầu cả nước 1,8-2 triệu m3, tấn một tháng. Quy định dự trữ quốc gia hiện có đủ lượng dự trữ dùng 5-7 ngày. Cơ chế hiện nay xăng dầu phải dự trữ quốc gia, nhưng quốc gia chưa có hệ thống kho riêng, vì thế giao việc dự trữ này cho các doanh nghiệp đầu mối. "Đây là cơ chế bất hợp lý", ông nói.
Bộ Công Thương đang nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thiết kế lại mô hình quản lý quỹ dự trữ quốc gia, và nâng cao mức dự trữ quốc gia để tình huống bất trắc có nguồn dùng được 1-2 tháng.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận, chưa tách được dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại. Vì thế, cơ quan quản lý cũng không biết được 33 doanh nghiệp đầu mối trong kho có lượng hàng dự trữ quốc gia được giao quản lý hay không. "Đây là lỗ hổng cần có giải pháp khắc phục", ông Phớc nêu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn.
|
Giải pháp theo ông, có thể tới đây lập hệ thống dự trữ quốc gia riêng, dự trữ thương mại riêng. Một trong số đó, có thể nghiên cứu thay đổi phương thức trích lập Quỹ bình ổn giá, chuyển từ tính bằng tiền sang dự trữ hàng để khi có tình huống xảy ra, có hàng cung ứng được ngay.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành: Sẽ cố gắng làm chủ xăng dầu trong nước
Phó thủ tướng Lê Văn Thành tham gia giải trình trước Thường vụ Quốc hội cùng Bộ trưởng Công Thương. Ông cho biết, xăng dầu vẫn phụ thuộc nhập khẩu, khi nguồn sản xuất trong nước mới cung ứng được khoảng 70% nhu cầu. Sản xuất trong nước được khoảng 13 triệu m3, tấn, trong khi tổng nhu cầu cả nước khoảng 21 triệu m3, tấn một nên phần thiếu phải nhập khẩu. Ngoài ra, nguồn dầu thô cho 2 nhà máy lọc dầu hiện vẫn phải nhập khẩu, khai thác dầu thô trong nước chưa đáp ứng được.
Giải pháp trước mắt, Chính phủ đã chỉ đạo tăng sản xuất trong nước, tăng nhập khẩu để đảm bảo đủ lượng cung hàng trong 2-3 tháng.
"Đây là mặt hàng phải kiểm soát, bình ổn. Để tránh việc giá xăng dầu ảnh hưởng tới lạm phát, sản xuất, thì cần giảm thuế, phí, sử dụng quỹ bình ổn giá... Nếu giá còn tiếp tục tăng thì có cơ chế hỗ trợ các đối tượng, đảm bảo sản xuất, giá thành ổn định", ông nói.
Tuy nhiên, về dài hạn, Phó thủ tướng nhấn mạnh, dứt khoát phải làm chủ xăng dầu sản xuất trong nước. Hiện sản xuất trong nước đã cung ứng được 70%.
Ông cho biết, Chính phủ đã làm việc, yêu cầu PVN khẩn trương xây dựng thêm một nhà máy lọc dầu tại Vũng Tàu. Các thủ tục đầu tư đang được triển khai. Nếu có thêm 10 triệu m3 xăng dầu từ nhà máy này, cộng với 13 triệu m3 từ hai nhà máy lọc dầu hiện nay, tổng cộng là 23 triệu m3, hoàn toàn đảm bảo đủ nguồn cung ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, giảm phụ thuộc nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam sẽ tăng khai thác dầu thô, hiện mới đáp ứng được 50% dầu thô phục vụ sản xuất xăng dầu. Một số bất cập trong điều hành khoan thăm dò cũng sẽ được cơ quan quản lý nghiên cứu, điều chỉnh để khi khoan được dầu sẽ phục vụ cho sản xuất, không xuất khẩu.
Nhật Quang