Vietstock - Bất thường thị trường vàng
Thị trường vàng trong nước chỉ tăng trong suốt thời gian qua lên đỉnh của năm, dù sức mua và nhu cầu giao dịch không quá cao
Cuối ngày 21-9, giá vàng SJC tăng thêm 100.000 đồng, lên 68,4 triệu đồng/lượng mua vào, 69,3 triệu đồng/lượng bán ra - mức cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay. Tương tự, giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại được giao dịch quanh 56,95 triệu đồng/lượng mua vào, 57,9 triệu đồng/lượng bán ra - mức cao nhất từ trước tới nay.
Chỉ tăng một chiều
Trên thị trường quốc tế, giá vàng cuối ngày 21-9 (theo giờ Việt Nam) được giao dịch ở mức 1.922 USD/ounce, giảm gần chục USD mỗi ounce so với phiên trước. Với giá quy đổi theo tỉ giá niêm yết khoảng 56,7 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới thấp hơn vàng nhẫn, vàng trang sức 24K trong nước khoảng 1,2 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng SJC tới 11,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn, vàng trang sức các loại đang ở mức cao nhất từ trước đến nay .Ảnh: TẤN THẠNH |
Một thông tin đáng chú ý là trong khoảng 5 tháng qua, giá vàng thế giới rớt từ vùng 2.000 USD/ounce xuống quanh vùng 1.900 USD/ounce (tương đương giảm 3 triệu đồng/lượng). Dù vậy, giá vàng trong nước chỉ tăng, chứ không biến động cùng chiều với thế giới.
Ông Trần Văn Đang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc - Đá quý ASEAN (AJC), cho biết trong vòng 2 tháng qua, tuy giá thế giới biến động không nhiều nhưng giá vàng SJC vẫn tăng từ 67 triệu lên 69 triệu đồng/lượng. Riêng giá vàng nhẫn, vàng trang sức 99,99 trước đây thấp hơn vàng thế giới nhưng các tháng gần đây sức mua khởi sắc giúp loại vàng này tăng giá mạnh. Một yếu tố khác tác động là việc cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát việc nhập lậu vàng, dẫn đến khan hiếm nguyên liệu sản xuất. Từ đó, giá các loại vàng này tăng từ 55 triệu lên 57 triệu đồng/lượng.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, đánh giá diễn biến giá vàng trong nước 2 tháng qua là bất thường trong bối cảnh sức mua trên thị trường không đột biến. Phân tích kỹ hơn về nguyên nhân, ông Khánh cho hay từ khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng (năm 2012) có hiệu lực, các doanh nghiệp (DN) chưa được nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nên nguồn cung trong nước rất hạn chế.
"Thời gian qua, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và các DN đã nhiều lần kiến nghị được nhập khẩu vàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng chưa được chấp thuận. Đặc biệt, gần đây, cơ quan chức năng triệt phá các vụ buôn lậu vàng và yêu cầu chứng từ đầy đủ về vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường nên hàng hóa càng căng thẳng" - ông Khánh nhìn nhận.
Riêng vàng SJC, tình trạng khan hiếm còn nghiêm trọng hơn. Nhiều người nắm giữ vàng SJC khi thấy giá chỉ tăng thì không bán ra. Do đó, nhu cầu chỉ cần nhích cao hơn bình thường sẽ đẩy giá vàng SJC tăng vọt.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng nhu cầu đối với vàng trong nước những ngày qua có tăng dù không đột biến nhưng vì vàng SJC khan hiếm nên giá tăng cao.
Sòng phẳng với việc kinh doanh vàng trang sức
Một yếu tố khác, theo các chuyên gia, là giá vàng thế giới niêm yết theo đồng USD, còn giá vàng trong nước niêm yết theo VNĐ. Vài tháng nay, tỉ giá nhích lên dẫn đến giá vàng thế giới trở nên đắt hơn so với vàng trong nước nếu quy đổi ra VNĐ.
Ông Lê Văn Chánh, chủ tiệm vàng Kim Phát (TP HCM), khẳng định nguyên nhân chính đẩy giá vàng trong nước tăng phát xuất từ việc tỉ giá "nóng" lên. Nhiều người đã tranh thủ mua vàng để bảo toàn vốn hoặc kỳ vọng giá vàng trong nước thời gian tới tiếp tục đi lên.
Theo ông Trần Văn Đang, trong bối cảnh thị trường nhà đất đóng băng, thị trường chứng khoán biến động khó lường, lãi suất ngày càng giảm, giá USD "nóng" lên nên không ít người đã quan tâm đến kênh đầu tư vàng để bảo toàn vốn hoặc kiếm lời. Do đó, giá vàng trong nước từ nay đến cuối năm 2023 sẽ nhích lên. Bởi lẽ, hầu hết những người mua vàng từ tiền nhàn rỗi mà trước đây họ gửi ngân hàng.
"Giờ lãi suất gửi tiết kiệm giảm sâu, người dân rút tiền ra nhưng không dám đưa vào nhà đất vì kênh đầu tư này đang bí đầu ra, còn cổ phiếu thì không mấy người am hiểu nên lựa chọn cuối cùng của họ là vàng. Nhu cầu mua sắm làm đẹp, cưới hỏi, quà tặng thường tăng cao vào dịp cuối năm sẽ làm cho thị trường vàng trong nước sôi động" - ông Trần Văn Đang dự báo.
Để xóa nghịch lý giá vàng trong nước chỉ tăng chứ không giảm, các DN tiếp tục kiến nghị cần sớm cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Bởi lẽ, vàng trang sức, mỹ nghệ hiện tại cũng được kinh doanh, mua bán như một loại hàng hóa thông thường.
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi góp ý dự thảo Báo cáo về việc rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất bỏ nội dung "vàng trang sức là ngành kinh doanh có điều kiện". Theo VCCI, vàng trang sức thủ công mỹ nghệ cần được xem là loại hàng hóa thông thường. Bởi lẽ, kinh doanh loại hàng hóa này không tác động đến lợi ích công cộng như các loại vàng khác trong cùng nhóm "kinh doanh vàng".
"Các điều kiện của kinh doanh vàng trang sức, thủ công mỹ nghệ cũng không có tính đặc thù về một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì không rõ mục tiêu quản lý và nhà nước muốn quản lý gì đối với ngành nghề này. Do đó, cần loại bỏ "kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ" ra khỏi phạm vi của "kinh doanh vàng" - VCCI đề xuất.
Giá vàng thế giới sẽ giảm Giới phân tích quốc tế nhận định xu hướng giá vàng thế giới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sức mạnh của đồng USD. Trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ và châu Âu còn nóng, các thành viên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn muốn tăng thêm lãi suất vào cuối năm 2023. Khi đó, đồng USD có thể tăng giá rất mạnh, giá vàng thế giới trở nên đắt đỏ, nhà đầu tư hạn chế mua bán và thị trường vàng quốc tế được dự đoán sẽ rơi vào trầm lắng. |
THÁI PHƯƠNG - THY THƠ