Lợi nhuận Quý 1 lãi 35.96 tỷ đồng, giảm 17.3% so với cùng kỳ
Theo BCTC Quý 1/2023 được VLB (HN:VLB) công bố, doanh thu thuần giảm 8.8% so với cùng kỳ, đạt 248.61 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 17.3% so với quý 1/2022, chỉ đạt mức 35.96 tỷ đồng.
Hưởng lợi từ giải ngân vốn đầu tư công
Năm 2023 Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn hơn 700,000 tỷ đồng, với hàng loạt dự án trọng điểm trải dài từ Bắc vào Nam. Trong đó, trọng tâm đầu tư vào dự án sân bay Long Thành và cơ sở hạ tầng đường bộ, cao tốc ở khu vực phía Nam. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng tại khu vực này sẽ rất lớn.
VLB có lợi thế mỏ đá xây dựng với trữ lượng dồi dào, thời hạn cấp phép khai thác lâu dài
Bộ Giao thông Vận tải nhận định, nhu cầu về đá xây dựng trong giai đoạn từ 2023 – 2025 sẽ cần ít nhất 21.5 triệu m3. Trong khi đó, tại phía Nam nguồn cung mỏ đá đang tương đối hạn chế do phần lớn đã hết thời hạn khai thác hoặc đang trong quá trình xin giấy phép gia hạn. Do đó, những doanh nghiệp đang sở hữu những mỏ đá có trữ lượng dồi dào cùng với giấp phép khai thác đã được gia hạn sẽ có lợi thế cạnh tranh không nhỏ.
Khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 36,100 VNĐ/cổ phiếu
Dựa trên phương pháp định giá từng phần (SOTP), cùng với các triển vọng về tiêu thụ đá xây dựng cũng như các rủi ro có thể phát sinh, mức giá mục tiêu cho năm 2023 là 36,100 VNĐ/cổ phiếu, cao hơn 24% so với mức giá đóng cửa ngày 30/05/2023
Hoạt động sản xuất kinh doanh
CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa được niêm yết lần đầu trên sàn UPCOM vào năm 2016, với cổ đông lớn nhất hiện tại là Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai nắm giữ 49% cổ phần. Tính đến thời điểm hiện tại, lĩnh vực kinh doanh chính của VLB là khai thác chế biến đá xây dựng; đại lý kinh doanh các sản phẩm vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị phụ tùng xây dựng; xây dựng dân dụng và hạ tầng. Trong đó, mảng khai thác chế biến đá xây dựng chiếm đến khoảng 70% cơ cấu doanh thu của VLB. Hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu của VLB từ khu vực Bình Thuận đến Cà Mau, tuy nhiên thị trường trọng điểm là các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM và khu vực Tây Nam Bộ.
Hiện nay, VLB đang sở hữu 5 mỏ đá (Thạnh Phú 1, Thiện Tân 2, Tân Cang 1, Soklu 2, Soklu 5) với tổng trữ lượng đá nguyên khối còn lại tính đến cuối năm 2022 là khoảng 94 triệu m3 và tổng công suất khai thác cấp phép là 5.7 triệu m3/năm. Trong đó, mỏ đá Thạnh Phú có trữ lượng lớn nhất, lên tới hơn 38 triệu m3 và đồng thời có công suất khai thác/năm lớn nhất so với các mỏ đá còn lại, lên đến 1.8 triệu m3/năm. Ngoại trừ mỏ Soklu 2, Soklu 5, các mỏ đá còn lại đều có giấy phép khai thác khoảng trên 15 năm, do đó sự ổn định về nguồn cung đá xây dựng sẽ được VLB đảm bảo. Bên cạnh đó VLB cũng đang tích cực xin giấy phép gia hạn và giấy phép mở rộng khai thác cho khu mỏ Soklu.
Trong năm 2022, doanh thu của VLB đạt 1,274 tỷ đồng, tăng 35% so với 2021. Tuy nhiên LNST lại âm hơn 23 tỷ đồng, nguyên nhân chính đến từ khoản chi phí nộp bổ sung quyền khai thác khoáng sản từ năm 2014 – 2021 lên đến 270 tỷ đồng theo quyết định của UBND Tỉnh Đồng Nai và Cục Thuế tỉnh Đồng Nai. Biên lợi nhuận gộp cải thiện +227 bps so với năm 2021, đạt 23.7% nhờ giá bán tăng thông qua hệ số tính thuế tài nguyên điều chỉnh tăng và giá nguyên liệu thường xuyên mức cao trong suốt năm 2022.
Xem thêm tại đây