Investing.com - Được sự đồng ý của tác giả, là một học giả người Việt đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, chúng tôi xin gửi đến độc giả bài phân tích về những yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu, một thứ vũ khí trên bàn cờ chính trị của các quốc gia lớn. Những nội dung trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải là khuyến nghị đầu tư. Độc giả cần cân nhắc nhiều yếu tố rủi ro khác nhau trước mọi quyết định giao dịch.
[Rulet Nga (русская рулетка) là trò chơi mà người tham gia sử dụng một khẩu súng lục ổ đạn quay với một viên đạn duy nhất bên trong. Lần lượt từng người sẽ quay ổ đạn rồi bắn vào đầu mình. Người còn sống (không quay phải ổ có đạn) sẽ là người chiến thắng.]
Giá dầu Hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2020 (đóng sổ ngưng giao dịch 20/04) tụt xuống gần -40$: mua dầu nhưng khi nhận dầu tháng 5 này bên mua mỗi thùng được cho thêm gần 40$. Trong nền kinh tế Coronavirus hôm nay không gì là không thể. Lý do thông dụng nhất: hết chỗ chứa trong khi cầu thấp. Tất cả các kho chứa đều sắp tràn, kẻ cả các tàu chở dầu cũng đã được trưng dụng. Do nhận dầu không có chỗ chứa nên không ai muốn nhận và người bán, không biết chứa dầu ở đâu, chấp nhận trả thêm tiền (giống như xà bần, người cần vẫn phải mua nhưng người bỏ phải trả tiền thu dọn).
Nhưng vấn đề có vẻ không chỉ có vậy, vì nếu chỉ có vậy thì dễ giải quyết quá. Giá dầu chịu tác động của 3 yếu tố: Cung, Cầu và ý đồ các tay to trên bàn cờ Chính trị. Dầu chưa bao giờ chỉ là dầu, đó còn là quyền lực và công cụ chính trị toàn cầu.
a. Cung: Suốt một thời kỳ dài Nga và các nước Xuất khẩu dầu (OPEC) thỏa thuận giữ và hạn chế sản lượng khai thác để duy trì Cung hợp lý nhằm giá dầu không rớt quá sâu. Tất nhiên vẫn có các động thái “luồn lách” của các bên để tranh thủ “kiếm thêm” thông qua các sơ đồ tài chính phức tạp rất khó theo dõi (Sản lượng khai thác dầu của các quốc gia thực tế chính xác bao nhiêu thuộc hàng National Top Secret). Việc giữ giá dầu cao trong bối cảnh mới làm nhiều quốc gia “hưởng lợi”, trước hết là Mỹ và Canada với công nghệ chế biến dầu đá phiến, dầu cát. Tuy giá thành cao ($40/thùng) và với mức giá dầu trước đây thì ngành dầu đá phiến tương lai rất rực rỡ. Nhờ dầu đá phiến Mỹ nhanh chóng từ nhà nhập khẩu ròng trở thành nhà xuất khẩu dầu và cạnh tranh trực tiếp với Nga, Arab Saudi tại châu Âu trong lĩnh vực dầu cũng như khí đốt. Trong khi châu Âu là thị trường truyền thống của Nga.
Miếng bánh của thị trường dầu lửa thế giới bắt đầu bị chia lại bởi các tay chơi mới, nhất là Mỹ và Canada. Trong các cuộc đàm phán tay đôi, Nga và Arab Saudi gọi Mỹ là “anh chàng đi vé lậu” vì hưởng lợi trên thỏa thuận hạn chế sản lượng của Nga và OPEC để giữ giá dầu lại còn cạnh tranh tất tay với cả 2.
Đầu tháng 3/2020 Nga quyết định phá bỏ thỏa thuận hạn chế sản lượng, giá dầu lao dốc thảm hại 30% ngày sau đó lập một kỷ lục giảm giá dầu lịch sử.
Ngày 31/03/2020 Whiting Petroleum – công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ đầu tiên trở thành nạn nhân cuộc chiến tranh dầu lửa – tuyên bố phá sản. Nhiều tỷ USD ra đi. Một loạt các công ty khác trên bờ vực phá sản.
TT Mỹ Trump tức tốc thông qua các kênh tác động kịch liệt (bằng cả củ cà rốt là lợi ích lẫn cây gậy là trừng phạt kinh tế - TT Trump là trùm Deal mà) trước hết lên Saudi Arab và sau đó là Nga, ép hai nước quay lại bàn đàm phán.
Kết quả: Nga và OPEC đứng đầu là Arab Saudi chấp thuận cùng nhau giảm khoảng 10 triệu thùng/ngày; các nước Arab (Arab Saudi, UAE, Kuwait) tình nguyện giảm thêm 2 triệu thùng/ngày; Mỹ và Canada giảm gần 4 triệu thùng/ngày và các nước G20 giảm phần còn lại để đạt số giảm khoảng 19-20 triệu thùng/ngày. Hiệu lực từ 01/05/2020.
b. Cầu: Tổ chứ năng lượng thế giới (IEA) dự báo Cầu sử dụng dầu lửa năm 2020 sẽ về mức của năm 2009 – năm sau khủng hoảng 2008. Với mức cầu giảm bình quân trong năm là khoảng 9,3-11 triệu thùng/ngày, trong đó tháng 4/2020 giảm 29 triệu thùng/ngày và quý 2/2020 giảm bình quân 23,1 triệu thùng/ngày. Hệ quả là Cung sẽ vượt Cầu 10-12 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2020 và chỉ có thể đổ vào bể chứa hiện đã đầy. Mà đó là kèm theo giả định các rào cản dựng lên để chống Coronavirus sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn vào nửa sau của năm 2020 chứ với kịch bản khác còn tệ hơn.
Với tình hình Cung-Cầu như thế dù thỏa thuận thành công nhưng ngay hôm sau đó giá dầu vẫn tiếp tục lao dốc và ngày hôm qua Thứ Hai 20/04/2020 là đỉnh điểm. Đến mức Arab Saudi và các nước đồng minh Arab phải quyết định giảm sản lượng ngay chứ không chờ 01/05/2020 nữa.
c. Điều kỳ lạ, nếu nhìn ở góc kinh tế, có vẻ những “tội đồ” chính gây nên cuộc chiến huynh đệ tương tàn này là Nga và sau đó là Arab Saudi cũng là những nạn nhân. Arab Saudi với gần 75%- 80% thu ngân sách dựa vào dầu. Với Nga: thu nhập từ xuất khẩu dầu chiếm 12-13% GDP. Vì sao họ lại lao vào cuộc chiến này? Họ tự bắn vào chân mình chăng? Chắc chắn đằng sau những hành động gây đau đớn ấy có những lý do, động cơ và lợi ích đan xen:
- Nắm giữ thị trường năng lượng là nắm công cụ tác động chính trị toàn cầu không kém tên lửa hạt nhân. Sự xuất hiện của tay chơi mới lắm tiền nhiều của làm “gia đình” các ông trùm hiện tại, dù ngoài mặt vui vẻ, trong lòng rất không vui. Vài ông trùm dầu lửa Nga thân cận TT Putin là người thúc đẩy kịch liệt để Nga rời khỏi thỏa thuận với OPEC, xóa cờ làm lại cuộc chơi trong bối cảnh mới.
- Arab Saudi là thủ lĩnh vùng Vịnh, đồng minh lâu đời của Mỹ nhưng quan hệ với Nga gần đây cũng không tồi lắm. Việc Nga quay lại Trung Đông tại chiến trường Syria, cân bằng mối quan hệ đầy trắc trở với Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy Nga xây dựng mối quan hệ, sợi dây xác lập quyền lợi chặt chẽ với Arab Saudi.
- Nước Mỹ sắp bầu cử!
- TT Putin sắp hết nhiệm kỳ và chuẩn bị cho mình vai trò mới. Nước Nga cố gắng chủ động dẫn dắt cuộc chơi, xây dựng chiến lược dài hạn, ngấm ngầm chuẩn bị. Suốt hơn 5 năm qua mỗi khi bán dầu trên $42,6/thùng Nga lại lấy phần vượt trội cất vào quỹ gọi là “Quỹ Phúc lợi Quốc gia – NBF” đến nay đã được $125 tỷ. Ngoài ra họ trả hết nợ chính phủ, chuyển dự trữ ngoại hối sang vàng và tài sản không bằng USD khác.
Quỹ Quỹ Phúc lợi Quốc gia có phải tình cờ? Dự trữ ngoại hối chuyển sang vàng vật chất có phải tình cờ? Chắc không.
- Liên minh Nga – Trung đầy rủi ro và bất an với người Nga nhưng có vẻ ngày càng sâu hơn. Việc Nga chuyển giao cho Trung Quốc một số công nghệ quốc phòng mới nhất là một bằng chứng. Điều ấy chỉ có thể hiểu được khi đường ống dẫn dầu của Nga đã dẫn đến biên giới Trung – Nga.
- Nga – Arab Saudi – Mỹ - Trung Quốc là 4 tay chơi chính trên bàn cờ giá dầu. Còn lại chỉ làng nhàng hưởng lợi hay bị ép.
- Nga - Mỹ - Arab Saudi đánh nhau tưng bừng ở thị trường châu Âu, một liên minh đang tan rã. Các dự án đường ống dẫn khí của Nga liên tục bị làm khó dễ. Mỹ tuyên bố sẵn sàng đưa tàu chở khí sang tận châu Âu. Arab Saudi sau khi thỏa thuận tan vỡ đầu tháng 3 tuyên bố Nga bán bao nhiêu họ giảm $10/thùng. Trong khi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn và rất biết sử dụng Consumer Bargaining Power của mình với đối tác.
3. Những chuyện vui vui trong quá trình đàm phán Nga – OPEC – Mỹ:
a. Theo Reuters Q.1 năm 2020 Trung Quốc nhập khẩu 10,2 triệu thùng/ngày, khai thác 3,74 triệu thùng/ngày trong khi chỉ chế biến 11.96 triệu thùng/ngày và như vậy Trung Quốc tăng dự trữ mỗi ngày gần 2 triệu thùng trong suốt quý 1/2020, gấp đôi cùng kỳ 2019. Không biết có ai làm thế nữa không nhỉ?
b. Cuộc đàm phán giảm sản lượng suýt đổ vỡ vì Mexico. Theo tỷ lệ nước này phải giảm 400.000 thùng/ngày. Mexico nhất quyết không chịu. Mỹ điên quá bảo Mỹ sẽ tự giảm giúp 250.000 thùng/ngày, Mexico vẫn nhất quyết không chịu giảm phần 150.000 thùng còn lại. Cuối cùng ông Trump không biết ép hay nhượng bộ cái gì khác mà Mexico chịu giảm 100.000 thùng/ngày, 300.000 thùng còn lại Mỹ giảm hộ. Cả làng không ai hiểu vì sao. Mãi sau này mới biết Mexico đã mua một quyền chọn bán dầu kiểu châu Á với mức khoảng $45/thùng. Nếu giữ sản lượng khai thác như cũ năm 2020 này Mexico sẽ lãi $6 tỷ. Thông tin này được chính phủ Mexico xếp hàng tuyệt mật đã bị xì ra trong những ngày đàm phán. Công nhận chính phủ Mexico cao tay.
c. Mặc dù là người ép các nước phải giảm sản lượng khai thác, nhưng về phần mình lúc đầu Mỹ không chịu giảm thùng nào. Hỏi lý do, Mỹ tỉnh bơ: Các ông đàm phán giảm sản lượng nhưng vẫn đi đêm tính toán với nhau để nếu giảm thì giá dầu vẫn ở dưới mức giá vốn dầu đá phiến nên hiển nhiên chúng tôi phải giảm sản lượng, cần gì phải cam kết, vả lại Mỹ là quốc gia Liên bang và nhà nước không có quyền ép các công ty giảm khai thác (bản thân nước Mỹ là quốc gia khai thác dầu lớn nhất thế giới năm 2019, trên cả Arab Saudi và Nga). Chỉ bởi mỗi chuyện này mà Thái tử Arab Saudi, TT Putin và TT Trump phải điện đàm để thảo thuận riêng. Cuối cùng Mỹ cũng phải chấp nhận giảm khai thác. Qua đây cũng thấy Nga và Arab Saudi gọi Mỹ là “anh chàng đi vé lậu” hình như cũng chẳng sai.
4. Điều gì rút ra: Các tay chơi lớn đang tranh giành quyền lực phân chia lại thế giới. Trật tự thế giới đang lung lay. Dầu không là ngoại lệ: Trật tự cũ của bản đồ dầu lửa thế giới chính thức bị phá vỡ. Trước đây chỉ cần Nga và Arab Saudi (OPEC) thỏa thuận giảm hay tăng sản lượng là giá dầu lên hay xuống. Nay đã khác: cuộc chơi tay đôi ấy đã kết thúc. Các đại gia kinh doanh dầu lửa thế giới, với các chính phủ sau lưng, chắc không còn cửa với các trò chơi cũ.
5. Covid-19 có vẻ là yếu tố bất ngờ phá bĩnh, hay giúp sức? - Cuộc chơi của các cường quốc: các hệ lụy của cuộc chiến trở nên chịu yếu tố đòn bẩy mạnh hơn, buộc các tay chơi phải lùi lại một chút để điều chỉnh chiến thuật. Nhưng trên bình diện chung thấy bản lĩnh, tầm nhìn và cách ứng xử của các cường quốc thật sắc nét.
Bất luận trường hợp nào, dù chuẩn bị đến đâu, nhưng với 4 tay chơi cỡ lớn đầy mưu toan Nga – Mỹ - Trung Quốc – Arab Saudi, trò chơi giá dầu hôm nay nhìn sao giống trò Rulet Nga. Hy vọng họ sẽ dừng cuộc chơi chứ không phải thi ai gan lỳ hơn người ấy thắng.
Để theo dõi giá dầu và đánh giá phải nhìn kỹ 4 quốc gia này:
Chuyện các kho chứa dầu đã đầy là có thật, các nhà đầu cơ bị “bẫy” giao hàng buộc họ phải giao dịch với mức giá điên rồ là có thật, cơ chế giao dịch thị trường hàng hoá cho phép mua bán không cần giao hàng qua các giao dịch Roll Over dẫn đến khối lượng hợp đồng Futures nhiều gấp 45-50 lần số lượng hợp đồng giao nhận hàng hoá thật làm thị trường bị đầu cơ quá đà là có thật, bất đối xứng đầu cơ là có thật và cầu giảm vì Coronavirus là có thật. Nhưng những điều ấy chỉ có thể làm nên cơn mưa gây ướt tóc chứ không thể gây ra lũ lụt. Các tính toán và tham vọng của các nhà chính trị mới gây lũ lụt và làm thị trường dầu rung lắc biến động dài hạn.
Nhưng rồi cuối cùng sự điên rồ sẽ dừng lại và thực dụng sẽ nổi lên thôi. Dự đoán rằng dầu sẽ ở mức trên dưới $30-$35 nhưng sớm nhất chắc phải cuối Q.3-Q.4/2020 hoặc qua 2021 còn Q.2 này giá dầu chắc chỉ lởn vởn ở mức $20/thùng và đột biến có thể xuống $10/thùng. Dự báo này thực hiện với điều kiện Coronavirus sẽ bị chặn đứng trong Q.2/2020. Các quốc gia khai thác dầu lửa đều đang căng thẳng chỉ người tiêu dùng xăng dầu vui.
6. Tiếp theo ngày 24/3/2020 đẫm máu của thị trường vàng là ngày 20/04/2020 kinh ngạc của dầu lửa. Tất cả chúng đều có liên hệ đâu đó đằng sau trong các toan tính dài hạn của các cường quốc và thủ lĩnh của họ.
Trật tự thế giới bắt đầu điên đảo thay đổi từ cuối những năm 90s thế kỷ trước nay đã gần 30 năm. Chắc 10 năm nữa sẽ rõ trật tự mới.
Thị trường dầu là 1 trong các cấu phần của những thay đổi đó.
Trò Rulet Nga với dầu vẫn đang diễn ra.
Hãy theo dõi giá Brent Futures và Hợp Đồng Tương Lai Dầu Thô WTI tháng 6.