Tổng quan ngành thép – tôn mạ 5T2022
Vấn đề lạm phát và giá thép quá cao có thể dẫn đến việc phục hồi cho ngành thép năm 2022 sẽ thấp hơn dự kiến. Lạm phát ở các quốc gia EU và Mỹ đã tăng mạnh, cụ thể lạm phát tháng 5/2022 ở EU là 8.1% (sv 2% CK), Mỹ là 8.3% (sv 5% CK), Đức là 8.7% (sv 2% CK). Chi phí tăng cao khiến sản lượng thép toàn cầu giảm mạnh. Trong 4T2022, sản lượng thép toàn cầu theo báo cáo của World Steel chỉ đạt 619.1 triệu tấn (-7.1% CK).
Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng khi giá thép lẫn VLXD đều tăng cao, nhu cầu xây dựng đang chững lại. Tính hết 5T2022, sản lượng thép toàn ngành đạt 10.48 triệu tấn (-22% CK). Sản lượng xuất khẩu trong 5T2022 đạt 2.8 triệu tấn (-0.5% CK). Trong đó, sản lượng thép xây dựng xuất khẩu là sản phẩm tăng trưởng mạnh nhất, đạt 1.03 triệu tấn (+49% CK) đã giúp sản lượng thép xuất khẩu trong 5T2022 không suy giảm mạnh trong bối cảnh nhu cầu sắt thép cả thế giới suy giảm.
Đánh giá triển vọng 6T cuối 2022
6T cuối 2022, chúng tôi hạ nhận định ngành thép từ Tích Cực xuống Trung Tính dựa trên các luận điểm: (i) Áp lực từ nguồn cung than cốc lẫn giá than tăng cao, bào mòn từ 3-6% biên lợi nhuận gộp các công ty thép, (ii) lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại và (iii) ngành bất động sản chững lại trong năm 2022.
Luận điểm đầu tư
A. Thị trường toàn cầu và nguyên vật liệu:
Than cốc là tâm điểm cho sự tăng giá nguyên vật liệu. Trong bối cảnh cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, giá than cốc tăng từ mức USD213/tấn vào tháng 12/2021 lên USD635/tấn vào tháng 3/2022 và duy trì ở mức trên USD 500/tấn trong tháng 5 và 6/2022.
Ngành thép Việt Nam hưởng lợi từ cuộc chiến Nga – Ukraine. Chúng tôi cho rằng thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục rộng mở trong năm 2022 dưới tác động từ chiến tranh giữa Nga – Ukraine. Hiện nay, ngành thép của Ukraine bị mất phần lớn sản lượng, Nga và Belarus phải chịu cấm vận. Việc thiếu hụt nguồn cung sẽ giúp các công ty thép Việt Nam sẽ hưởng lợi từ xuất khẩu, đặc biệt từ thị trường Châu Âu, nơi Nga, Ukraine và Belarus đang chiếm hơn hơn 50% sản lượng xuất khẩu thép dẹt và CRC.
B. Thị trường trong nước:
Trong năm 2022, chúng tôi cho rằng ngành bất động sản sẽ khó hồi phục như kỳ vọng do các chính sách kiểm soát tín dụng bất động sản, và ngành thép sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp về sản lượng. Cụ thể, các dự án nhà ở thương mại mới ở Hà Nội lẫn Tp. Hồ Chí Minh giảm lần lượt trên 30% và 60% và dự phóng chỉ phục hồi từ năm 2023.
Lượng thép tồn kho nội địa đến hết tháng 5/2022 đã đạt mức kỷ lục là 1.49 triệu tấn, tương đương sản lượng tháng 5/2022, so với trung bình 3 năm 2019-2021 chỉ ở mức 56% sản lượng tháng. Chúng tôi cho rằng việc lượng hàng tồn kho quá cao đã khiến các công ty thép buộc hạ giá bán nhằm kích cầu, khiến giá thép trong đầu tháng 6/2022 đã giảm về mức 16.8 triệu đồng/tấn, giảm 2.1 triệu đồng/tấn sv lúc đỉnh.
Chúng tôi hạ 15% dự phóng sản lượng thép toàn ngành năm 2022 về 27.76 triệu tấn (-10% CK), riêng sản lượng xuất khẩu đạt mức 7.6 triệu tấn (+1% CK).
Cổ phiếu khuyến nghị
- CTCP Thép Nam Kim – MUA – TP: VND27,800/cp – Upside: +48.6%
- CTCP Tập Đoàn Hòa Phát – MUA – TP: VND32,000/cp – Upside +45%
Rủi ro
- Các công ty thép và tôn mạ thường có yếu tố đầu cơ giá quặng sắt và HRC (HM:HRC), nếu giá HRC giảm mạnh sẽ khiến giá bán của các công ty tôn mạ và ống thép điều chỉnh.
- Giá than cốc cao có thể bào mòn biên lợi nhuận của các công ty ngành thép.
- Rủi ro về chính sách.
- Rủi ro về lạm phát làm suy yếu nguồn cung
A. TRUNG QUỐC TIẾP TỤC CHÍNH SÁCH ZERO COVID - SẢN LƯỢNG TIÊU THỤ TOÀN CẦU SUY GIẢM TRONG BỐ CẢNH LẠM PHÁT TĂNG CAO
1. Giá bán thép Trung Quốc sụt giảm khi chính sách zero Covid có hiệu lực
a. Giá thép nội địa Trung Quốc liên tục tạo đáy do nhu cầu sụt giảm từ chính sách Zero Covid và hệ quả của quá trình thắt chặt chính sách bất động sản
Trung Quốc vẫn là quốc gia chiếm tỷ trọng số một trong ngành thép thế giới, với tổng sản lượng năm 2021 đạt 1.032 tỷ tấn (-3% CK), chiếm 53% sản lượng thép toàn cầu. Trong năm 2022, sản lượng thép của Trung tiếp tục suy giảm trong Q1/2022 để đảm bảo kiểm soát phát thải trong kỳ đại hội Olympic mùa Đông.
Hình 1. Giá thép vằn ở Trung Quốc giai đoạn 2018-6T2022 (CNY/Tấn)
Ngoài ra, năm 2022 cũng là năm đầu tiên trong giai đoạn 2016 – 2022, thị trường bất động sản Trung Quốc chứng kiến hiện tượng nguồn cung bất động sản không có sự tăng trưởng. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê Trung Quốc, tổng mức đầu tư vào bất động sản của Trung Quốc trong tháng 4/2022 đạt 1.12 triệu tỷ yuan (CNY) (-10% CK). Tổng diện tích sàn đang xây dựng trong T4/2022 đạt 5.78 tỷ m2 (-0.1% CK), lần đầu tiên giảm trong sáu năm. Tính riêng trong T4/2022, tổng diện tích sàn nhà ở tại Trung Quốc đã giảm tới 42.5% CK, tương đương mức 74.17 triệu m2.
Thị trường Trung Quốc đang trải qua quá trình hạ cánh của các chính sách siết chặt bất động sản, cụ thể là chính sách “3 lằn ranh” áp dụng từ tháng 8/2021. Chỉ số tăng giá bán nhà của các dự án mới đã giảm từ 4.9% trong tháng 7/2021 xuống 0.7% trong tháng 5/2022. Diện tích bán nhà ở thương mại tại Trung Quốc trong 4T2022 giảm mạnh, đạt 397 triệu m2 (-20.9% CK), trong đó riêng doanh số diện tích chung cư thương mại giảm 25.4% CK.
Tác động của giãn cách xã hội đã khiến sản lượng thép xuất khẩu trong 4T2022 của Trung Quốc chỉ đạt 18.2 triệu tấn (-29.2% CK). Giá thép nội địa Trung Quốc giảm 23% so với mức đỉnh kỷ lục trong năm 2021 về mức CNY4,600/tấn.
Xem thêm tại đây