Người khổng lồ trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến, PayPal Holdings (NASDAQ: PYPL), đã tăng mạnh trong năm nay. Công ty đã tăng hơn 16% trong hai tháng đầu năm 2019 nhờ doanh số của mảng thanh toán và số lượng người dùng tăng.
Bằng chứng mới nhất về sức mạnh của PayPal là tháng trước, công ty có trụ sở tại San Jose, California báo cáo doanh số Q4 tăng 13% và dự báo sẽ tăng thêm 16-17% trong năm 2019.
Việc cổ phiếu tăng mạnh sau khi điều chỉnh trong 52 tuần qua và tăng lên mức cao kỷ lục mới là điều dễ hiểu đối với các nhà đầu tư mới do họ quá phấn khích với đà tăng này.
Tận dụng sức mạnh của nút "Check-out"
PayPal đã theo đuổi chiến lược tăng trưởng thông minh, kết hợp với hoạt động mua lại các công ty có giá trị và triển khai một vài chiến lược trong 5 năm qua. Để đối đầu với sự cạnh tranh ngày càng tăng trong ngành thanh toán kỹ thuật số, nơi các đối thủ khó chịu đang cạnh tranh theo nhiều hướng khác nhau, PayPal đã quyết định tạo ra các liên minh có giá trị với các công ty phát hành thẻ tín dụng lớn nhất, Visa (NYSE: V ) và Mastercard (NYSE: MA).
Động thái chiến lược này trong năm 2016 cho phép người dùng liên kết tài khoản với thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của họ, trong khi cho PayPal quyền truy cập vào công nghệ thanh toán không dây.
Trong giai đoạn này, PayPal cũng mua nhiều công ty sở hữu công nghệ tiềm năng có khả năng phát triển vượt bậc. Sau khi mua lại Venmo một cách thành công vào năm 2014, một công ty rất phổ biến đối với những người tiêu dùng trẻ am hiểu về công nghệ, PayPal tiếp tục mua iZettle, nền tảng cho doanh nghiệp nhỏ của Thụy Điển vào năm ngoái với giá 2,2 tỷ USD nhằm cố gắng mở rộng toàn cầu và tăng sự hiện diện của công ty trong các cửa hàng truyền thống. Bên cạnh đó, PayPal cũng đã mua Hyperwallet vào năm ngoái, giúp các công ty chuyển các khoản thanh toán tới hầu hết mọi nơi trên thế giới.
Thành công lớn nhất đối với tăng trưởng trong tương lai của PayPal đến từ nút thanh toán trực tuyến xuất hiện trên các trang web của các nhà cung cấp. Đối với người mua, tính năng này vô cùng tiện lợi, giúp loại bỏ những rắc rối về việc lộ thông tin thẻ và các thông tin khác trong mọi giao dịch.
Theo ước tính của MoffettNathanson, tính năng đó đã trở nên phổ biến đến mức chiếm khoảng 85% doanh thu PayPal và thu hút gấp 50 lần khối lượng giao dịch của đối thủ cạnh tranh trực tiếp với họ, Amazon Pay. Các nhà cung cấp thích có tính năng này trên trang web của họ vì việc giao dịch dễ dàng đồng nghĩa với việc doanh số bán hàng của họ sẽ cao hơn.
Liệu có tiếp tục tăng trưởng?
Sau khi tăng hơn 20% trong 12 tháng qua và hơn 180% trong hơn 5 năm qua, cổ phiếu PayPal đang giao dịch rất gần ngưỡng giá trung bình 12 tháng theo dự đoán của chuyên gia phân tích ở mức $99,88. Nhưng điều đó không có nghĩa cổ phiếu này không tạo thêm giá trị nào cho nhà đầu tư dài hạn.
Lĩnh vực thanh toán trực tuyến tăng mạnh khi thương mại điện tử đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường. Đó là lý do các chuyên gia phân tích dự báo tăng trưởng doanh thu khá tốt đối với PayPal, hơn 16% trong năm nay và khoảng 18% trong năm 2020.
Một số nhà đầu tư có thể không thích công ty chỉ phụ thuộc vào doanh số của nút “check-out". Nhưng rủi ro đó cũng sẽ giảm dần do các thương vụ gần đây của công ty nhằm đa dạng hoá các mảng doanh thu. Trong Q4, PayPal có thêm 13,8 triệu tài khoản hoạt động mới, 20% trong số đó, tương đương 2,9 triệu người đến từ việc mua lại Hyperwallet và iZettle.
Lời kết
Cổ phiếu PayPal có thể không tăng như trong vòng 5 năm trở lại, nhưng công ty vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng. Nếu bạn đang tìm kiếm cổ phiếu nào có tầm ảnh hưởng trong một ngành có tiềm năng tăng trưởng quan trọng, PayPal có thể vẫn có giá trị đối với các nhà đầu tư dài hạn.