Đây là một cảnh báo liên quan đến cuộc bầu cử tại Mỹ và các thị trường.
Ở thời điểm hiện tại, không ai biết điều gì sẽ xảy ra, và điều này có thể tiếp tục kéo dài trong hàng tuần. Mặc dù Biden đang tiến gần hơn đến chiến thắng, cuộc đua vẫn chưa xác định được. Trong khi đó, mỗi bên đều đang đưa ra nhiều cáo buộc đối với bên còn lại. Nhiều khả năng, tòa án sẽ phải lên tiếng về kết quả bầu cử tại nhiều bang hơn.
Vào năm 2000, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống đã không được định đoạt cho tới tận giữa tháng 12 và viễn cảnh đó có thể sẽ lặp lại một lần nữa.
Thị trường không thích sự bất ổn, và các cuộc bầu cử mang tính tranh chấp thậm chí còn tệ hơn khi mà chúng làm gia tăng sự căng thẳng, đặc biệt là tại Mỹ - quốc gia tự hào về ý tưởng chuyển giao quyền lực suôn sẻ.
Nếu cuộc tranh chấp tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần, thị trường – kể cả thị trường hàng hóa - sẽ trở nên khó đoán hơn.
Để nhảy vào thị trường ở thời điểm này, bạn cần có trong người sự mạo hiểm. Với suy nghĩ đó, hãy nhìn vào các vấn đề về cung và cầu của thị trường dầu WTI.
Nguồn cung
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng EIA đã báo cáo trữ lượng dầu thô của Mỹ giảm 8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30 tháng 10. Điều này có nghĩa là trong tháng 10, dầu thô tồn kho của Mỹ đã giảm ở mức khoảng 1.4 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Sự sụt giảm này một phần do các cơn bão đã khiến hoạt động sản xuất dầu tại vịnh Mexico bị gián đoạn. Mùa bão sẽ kéo dài tới ngày 30 tháng 11. Ở thời điểm hiện tại, bão Eta đang ảnh hưởng đến Nicaragua. Cơn bão này vẫn là một mối đe dọa lớn và có thể đang hướng tới Florida, mặc dù nó được dự đoán sẽ không ảnh hưởng đến các giàn khoan dầu trên vịnh Mexico. Trừ khi nhu cầu và/hoặc hoạt động xuất khẩu tăng lên trong quý IV, chúng ta khả năng sẽ không thấy sự sụt giảm này tiếp diễn khi mà sản lượng tại vịnh Mexico sẽ tiếp tục giữ ổn định.
Sản lượng dầu tại Libya đang gia tăng nhanh chóng sau khi các bên tham chiến trong cuộc nội chiến đã đồng ý ngừng bắn. Sản lượng dầu chạm ngưỡng 850,000 thùng dầu mỗi ngày vào ngày 3 tháng Mười Một và tập đoàn dầu khí quốc gia Libya kỳ vọng sẽ đạt mức trung bình 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng Mười Một. Không nhiều khả năng OPEC sẽ có thể áp đặt bất kỳ sự kiểm soát nào đối với sản lượng dầu tại Libya trước cuộc họp ngày 30 tháng 11. Kể cả khi cuộc họp diễn ra, bất kỳ hạn ngạch nào mà Libya đồng ý tuân theo sẽ không ảnh hưởng đến sản lượng dầu cho tới sớm nhất là ngày 1 tháng 1.
OPEC và OPEC+ sẽ có một cuộc họp vào hai ngày 30 tháng 11 và ngày 1 tháng 12 để cân nhắc về hạn ngạch sản xuất năm 2021. Khả năng nhóm sẽ quyết định không thực hiện mức tăng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày vốn sẽ bắt đầu từ ngày 1 Tháng 1.
Trên thực tế, OPEC và OPEC+ có thể đặt ra mức cắt giảm lớn hơn. Các công ty dầu mỏ của Nga khả năng sẽ tiếp tục duy trì hạn ngạch sản xuất hiện tại thay vì thúc đẩy sản xuất, một phần bởi vì giới hạn sản lượng sẽ giúp họ tránh được việc trả nhiều thuế hơn do một chương trình thuế mới được triển khai gần đây. Các quy định mới tăng mức thuế đối với sản lượng dầu của Nga từ các mỏ dầu cũ.
Hơn nữa, tờ The Wall Street Journal hiện đang đưa tin rằng Ả Rập Xê Út đang tìm cách đảm bảo sự đồng thuận để cắt giảm sản lượng của OPEC + vào ngày 1 tháng 1. Vẫn chưa biết số lượng cụ thể mà Ả rập Xê út muốn cắt giảm, nhưng theo các quan chức Ả Rập Xê Út, việc cắt giảm sản lượng “giờ là một lựa chọn”. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu mức cắt giảm mới này có đủ để bù đắp cho việc dầu của Libya quay trở lại thị trường hay không.
Hiện tại, có vẻ như dù thỏa thuận nào được đưa ra, chúng ta đều sẽ thấy nguồn cung dầu tăng trong quý IV, và có khả năng tiếp tục tới quý I năm 2021. Một hiệp định mới gần như chắc chắn sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 và tồn tại trong thời hạn 3 tháng hoặc lâu hơn. Các thỏa thuận OPEC+ này nhìn chung không được đánh giá dựa trên hoạt động hàng ngày mà dựa trên sản lượng qua giai đoạn. Vậy nên các thành viên vẫn có thể tuân thủ các thỏa thuận cho dù tăng sản lượng quá mức trong giai đoạn đầu, miễn là sau đó sẽ giảm sản lượng lại ở giai đoạn sau
Nhu cầu
Đối với nhu cầu, chúng ta sẽ phải cân nhắc đến các biện pháp phong tỏa trở lại do dịch Covid, đặc biệt là tại nhiều nước Tây Âu. Cụ thể là Anh, Pháp và Đức - các nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đều đang đối mặt với các lệnh phong tỏa mới. Lệnh phong tỏa tại Anh nghiêm cấm tất cả các chuyến đi quốc tế trừ lý do công việc và kêu gọi tất cả các cơ sở kinh doanh và nơi thờ tự không thiết yếu đóng cửa. Các trường học sẽ tiếp tục được mở cửa tại Anh, đây là một điểm khác biệt so với đợt phong tỏa trước, tuy nhiên các lệnh hạn chế về kinh doanh và đi lại sẽ duy trì trong ít nhất một tháng. Pháp cũng đã áp đặt đợt phong tỏa thứ hai, bao gồm yêu cầu cung cấp tờ khai để rời khỏi nhà. Các trường học sẽ mở cửa, nhưng giờ giới nghiêm vẫn có thể được áp đặt để hạn chế việc đi lại và tụ tập. Đức cũng đã bắt đầu một đợt phong tỏa mới nhưng ít nghiêm ngặt hơn so với đợt phong tỏa vào mùa Xuân.
Dữ liệu về việc dị chuyển tại Pháp vào thứ Sáu tuần trước, ngày đầu tiên của đợt phong tỏa, cho thấy rằng việc đi lại chỉ giảm 33% so với thời kỳ trước đại dịch. Trong khi đó, vào tháng 3 năm ngoái, trong đợt phong tỏa đầu tiên, hoạt động đi lại đã giảm 63%. Các chỉ số tổng thể về sự dịch chuyển của kinh tế châu Âu cho thấy sự sụt giảm 23,6% vào tuần trước. Đây là những dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu về dầu có thể sẽ giảm ở châu Âu, mặc dù không nhiều như hồi mùa xuân.
Có nhiều suy đoán rằng nếu ông Biden thắng cử trong cuộc bầu cử Mỹ, ông sẽ ủng hộ việc phong tỏa nghiêm ngặt hơn tại các bang của Mỹ nếu các thống đốc muốn tìm cách áp đặt hoạt động này. Như chúng ta đã thấy vào mùa xuân, các đợt phong tỏa có tác động tiêu cực đáng kể đến nhu cầu và hình thành sự sợ hãi của người dân, những điều này cũng sẽ làm giảm nhu cầu dầu.