Giá dầu giảm trở lại trong phiên giao dịch ngày 19/05, với dầu WTI chốt phiên ở mức 71,86 USD/thùng sau khi giảm 1,33%. Dầu Brent giảm 1,43% xuống mức 75,86 USD/thùng. Dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ đã củng cố cho khả năng tiếp tục tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Điều này khiến đồng USD tăng mạnh, gây áp lực tới giá dầu do chi phí mua hàng đắt đỏ hơn.
Cụ thể, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ lần đầu tiên giảm trong tuần kết thúc ngày 12/05 sau 3 tuần tăng liên tiếp, thấp hơn 22.000 đơn so với tuần trước đó, đạt mức 242.000. Chỉ số sản xuất khu vực Philadelphia giảm nhẹ hơn dự kiến, đạt mức âm 10,4 trong tháng 5, tích cực hơn nhiều so với mức âm 31,3 trong tháng 4.
Dữ liệu kinh tế mới của Mỹ mạnh hơn dự báo cùng với sự lạc quan về các cuộc đàm phán trần nợ đã củng cố kỳ vọng của thị trường về một đợt tăng lãi suất tiếp theo. Theo 2 nhà hoạch định chính sách của Fed, lạm phát của Mỹ dường như không hạ nhiệt đủ nhanh để cho phép Fed tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất.
Các thị trường kỳ hạn lãi suất đã phản ánh xác suất 33% của việc tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 6, cao hơn so với tỷ lệ chỉ 10% cách đây 1 tuần. Điều này đã khiến đồng USD mạnh hơn đáng kể, kéo chỉ số Dollar Index tăng vọt 0,68% lên mức cao nhất trong gần 2 tháng.
Xét về mặt cung cầu, bức tranh tiêu thụ vẫn chưa có sự khởi sắc đáng kể. Nhà sản xuất dầu lớn là Qatar đã ấn định giá dầu kỳ hạn tháng 7 ở mức cao hơn khoảng 1,03 USD/thùng so với báo giá của Dubai, giảm từ mức chênh lệch 2,37 USD/thùng của tháng trước. Như vậy, giá dầu xuất khẩu từ quốc gia này đã đạt mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021, do lợi nhuận lọc dầu yếu và nguồn cung ổn định bất chấp chính cắt giảm thêm sản lượng của nhóm OPEC+.
Theo tác giả, giá dầu giai đoạn tới có thể sẽ được hỗ trợ khi căng thẳng trên thị trường tài chính tạm lắng, kết hợp với kỳ vọng về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu mùa cao điểm tại Mỹ. Tuy nhiên, giá khó có thể bứt phá qua vùng 85 USD/thùng do bức tranh kinh tế chung vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc rõ ràng.
Hiện tại, tồn kho xăng của Mỹ đang ở mức thấp hơn khoảng trên 7% so với mức trung bình 5 năm, trong khi tồn kho nhiên liệu chưng cất cũng ở mức thấp hơn khoảng 16%. Tiêu thụ theo mùa vốn được cho là yếu tố hỗ trợ giá, nhưng các diễn biến giá gần đây cho thấy, yếu tố mùa vụ đang dần trở lên mờ nhạt so với tác động từ bối cảnh kinh tế vĩ mô.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ nỗ lực đưa ra các biện pháp điều tiết thị trường như cắt giảm sản lượng để thắt chặt nguồn cung. Nhưng việc giá dầu có thể thoát khỏi vùng đi ngang kể từ giữa tháng 11/2022, hay giá dầu WTI có thể bứt phá trên vùng 85 USD/thùng, cần phải có tác động rất lớn đặc biệt từ phía nhu cầu.
Trong khi đó, giai đoạn quý IV tiềm ẩn nhiều khó khăn hơn, chủ yếu liên quan tới tăng trưởng chậm lại tại các nền kinh tế Mỹ và châu Âu làm hạn chế tiêu thụ. Tác động của lãi suất cao có độ trễ, biến động của giá dầu trong thời gian tới tiếp tục phụ thuộc nhiều vào các điều kiện vĩ mô.