Sau 3 phiên đánh mất tổng cộng gần 10 USD/thùng, giá dầu đã phục hồi trở lại từ mức đáy 15 tháng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/03, giá dầu WTI tăng 1,09% lên 68,35 USD/thùng, và dầu Brent tăng 1,37% lên 74,7 USD/thùng sau khi nhóm nước OPEC+ có các tín hiệu trấn an sau tâm điểm về những rủi ro trong ngành tài chính ngân hàng làm chao đảo thị trường trước đó.
Tâm lý thị trường dần ổn định trở lại khi những rủi ro xung quanh Ngân hàng Credit Suisse được xoa dịu một phần, do Cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ FINMA và Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ cam kết cung cấp thanh khoản cho ngân hàng này. Credit Suisse sẽ vay tối đa 50 tỷ franc Thụy Sĩ từ Ngân hàng Trung ương và họ đề nghị mua lại các chứng khoán nợ cao cấp trị giá lên tới 3 tỷ franc. Điều đó đã khiến giá dầu mở cửa phiên với mức tăng so với mốc tham chiếu.
Tuy nhiên, đà giảm tiếp nối trong phiên chiều tối khi các nhà đầu tư chờ đợi thông tin về cuộc họp lãi suất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Bất chấp những rủi ro tài chính gần đây, ECB vẫn quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên, qua đó đưa mức lãi suất cơ bản lên 3,5%, cao nhất kể từ năm 2009. Điều này tiếp tục gây áp lực tới giá dầu bởi lo ngại chi phí vay tăng cao có thể đè năng tới tăng trưởng và tình hình tiêu thụ dầu. Nguồn tin từ Reuters cũng có biết, các nhà sản xuất dầu mỏ, ngân hàng và quỹ phòng hộ đã tăng cường mua quyền chọn bán để tự bảo vệ khỏi những tổn thất tiếp theo.
Mặc dù vậy, sự trấn an từ nhóm nước OPEC+ đã giúp giá dầu phục hồi trở lại vào cuối phiên. Truyền thông nhà nước Saudi Arabia đưa tin Bộ trưởng Năng lượng của nước này và Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã gặp nhau tại thủ đô của Saudi Arabia nhằm thảo luận về những nỗ lực của nhóm OPEC+ trong việc duy trì sự cân bằng thị trường. Cả hai quốc gia vẫn cam kết với quyết định vào tháng 10 năm ngoái về việc cắt giảm mục tiêu sản xuất 2 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm 2023. Theo các đại biểu của nhóm cho biết, OPEC+ coi việc giá dầu trượt dốc trong tuần này là do lo ngại tài chính, chứ không phải bất kỳ sự mất cân bằng nào giữa cung và cầu, đồng thời kỳ vọng thị trường sẽ ổn định. Các thông tin này đã giúp trấn an một phần những sự hoảng loạn trước đó và thúc đẩy lực mua trong phiên.
Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF) cũng cho biết xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia đã tăng lên mức 7,66 triệu thùng/ngày trong tháng đầu năm 2023. Mức tăng khoảng 3% so với 7,44 triệu thùng/ngày được xuất khẩu trong tháng 12 năm ngoái, chủ yếu do sự phục hồi phía châu Á, cũng góp phần hỗ trợ tâm lý trên thị trường dầu.
Nhìn chung, giá dầu vẫn đang phục hồi tương đối thận trọng và lo ngại sức ép vẫn còn, Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 20.000 xuống mức 192.000 trong tuần kết thúc vào ngày 11/3, mức giảm là lớn nhất kể từ tháng 07. Thị trường lao động vẫn đang mạnh mẽ, đặt ra nhiều lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, nhất là khi cuộc họp ngày 21-22/03 đang đến gần, tạo lực cản đối với đà phục hồi của giá dầu.