Vietstock - Virgin Orbit của tỷ phú Richard Branson phá sản
Virgin Orbit Holdings Inc, được thành lập bởi tỷ phú Richard Branson, vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 04/04 do gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn dài hạn sau vụ phóng vệ tinh thất bại hồi tháng 01/2023.
Công ty có trụ sở tại Long Beach, California này đã nộp đơn yêu cầu bán tài sản của mình tại tòa án Delaware vài ngày sau khi tuyên bố sa thải khoảng 85% trong số 750 nhân viên của mình.
Virgin Orbit đã liệt kê số tài sản trị giá khoảng 243 triệu USD và tổng nợ là 153.5 triệu USD tính đến ngày 30/09/2022. Công ty đã IPO vào tháng 12/2021 thông qua một vụ sáp nhập với công ty séc trắng và huy động được ít hơn dự kiến khoảng 255 triệu USD.
Công ty được định giá 65 triệu USD vào cuối phiên giao dịch ngày 03/04. Một ngày sau đó, giá cổ phiếu của công ty đã giảm 23%, đóng cửa ở mức chỉ 15 Uscent/cổ phiếu.
Động thái nộp đơn phá sản diễn ra chưa đầy hai năm sau khi Virgin Orbit thực hiện IPO với mức định giá khoảng 3 tỷ USD. Tuy nhiên, sự cố vào tháng 01/2023 đã khiến công ty phải vật lộn để tìm nguồn tài trợ mới và buộc họ phải tạm dừng hoạt động.
Dan Hart, Giám đốc điều hành của Virgin Orbit, cho biết: “Chúng tôi tin rằng nộp đơn xin bảo hộ phá sản là con đường tốt nhất để xác định và hoàn tất việc bán mình hiệu quả và tối đa hóa giá trị”.
Được tách ra từ công ty du lịch vũ trụ Virgin Galactic vào năm 2017, Virgin Orbit có nhiệm vụ đưa các vệ tinh vào quỹ đạo bằng cách sử dụng tên lửa phóng từ một chiếc máy bay Boeing (LON:SBA) 747 đã được sửa đổi. Virgin Orbit sẽ phóng các tên lửa nhỏ và cung cấp các vụ phóng trong thời gian ngắn từ mọi nơi, kể cả cho các mục đích quân sự chiến thuật.
Tháng 01/2023, Virgin Orbit thực hiện nhiệm vụ thứ 6, song tên lửa LauncherOne trung tâm, tên lửa đầu tiên được phóng ra khỏi nước Anh, đã không đạt đến quỹ đạo, khiến các vệ tinh nghiên cứu liên quan đến quốc phòng và thương mại lao xuống đại dương. Sự cố này đã gây ảnh hưởng tới Cảng vũ trụ Cornwall của Vương quốc Anh, và buộc công ty phải tạm dừng hoạt động và cho gần như toàn bộ nhân viên của mình nghỉ phép vào tháng 03/2023 để tiết kiệm tiền mặt.
“Thị trường vốn thay đổi và môi trường lãi suất cao hơn khiến việc huy động vốn mới trở nên khó khăn”, ông Hart nói trong một tuyên bố trước tòa. “Công ty cũng đang phải chịu áp lực cạnh tranh lớn về giá từ các đối thủ có nguồn vốn tốt trên thị trường phóng tên lửa thương mại”.
Dòng vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các startup hàng không vũ trụ đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 21.9 tỷ USD, theo công ty VC Space Capital, do chi phí vốn tăng lên cùng với việc lãi suất toàn cầu tăng.
Virgin Group của tỷ phú Branson, công ty sở hữu khoảng 75% cổ phần của Virgin Orbit, cho biết họ đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào công ty này, bao gồm 60 triệu USD cho các khoản vay có bảo đảm kể từ tháng 11/2022. Quỹ đầu tư quốc gia Mubadala của Abu Dhabi là nhà đầu tư lớn thứ hai với 17.9% cổ phần.
Mặc dù thành công trong mảng kinh doanh du lịch và viễn thông, tỷ phú Branson cũng từng có một số vụ thất bại lớn trong sự nghiệp của mình.
Kim Dung (Theo Reuters)