Bộ Ngoại giao ngày 9/5 đã nói về khả năng Việt Nam gia nhập BRICS trong năm 2024. Tài khoản BRICS News trên mạng xã hội X gần đây đăng thông tin rằng Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập khối này trong năm 2024.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều ngày 9/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã trả lời báo giới về thông tin này.
Bà Phạm Thu Hằng cho hay: "Là một thành viên có trách nhiệm và tích cực trong cộng đồng quốc tế với đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, độc lập tự chủ, Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực tại các cơ chế, tổ chức, diễn đàn đa phương toàn cầu cũng như khu vực”.
Đồng thời, người phát ngôn khẳng định, cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam quan tâm theo dõi tiến trình mở rộng thành viên của nhóm BRICS.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng. Ảnh: Baoquocte.vn |
Các quốc gia thuộc khối BRICS chiếm khoảng 40% dân số toàn cầu và 25% nền kinh tế toàn cầu.
Trong một bài báo nghiên cứu kinh tế toàn cầu năm 2001 của Goldman Sachs (NYSE:GS), các nền kinh tế của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc được dự đoán sẽ nằm trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 50 năm tiếp theo.
BRICS trở thành một nhóm chính thức sau cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Nga, Ấn Độ và Trung Quốc tại St.Petersburg (Nga) bên lề hội nghị thượng đỉnh G8 Outreach Summit năm 2006.
Đến đầu năm 2024, BRICS đánh dấu một cộc mốc mới khi chào đón 5 quốc gia là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và UAE gia nhập khối.
Đây là lần mở rộng đầu tiên của BRICS kể từ năm 2010, cho thấy sức mạnh đoàn kết của BRICS và các nước đang phát triển, cũng như quyết tâm hợp tác vì tương lai tốt đẹp hơn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi việc mở rộng BRICS là dấu mốc lịch sử và là điểm khởi đầu mới cho hợp tác BRICS.
Với các thành viên mới, BRICS hiện chiếm khoảng 37% GDP của toàn cầu theo sức mua tương đương và 46% dân số thế giới.
>> Cuộc cạnh tranh giành ưu thế kinh tế giữa BRICS và G7