Vietstock - Vì sao các ngân hàng Mỹ thống trị hoạt động M&A toàn cầu?
Tính đến thời điểm này của năm 2019, Goldman Sachs đang đứng đầu bảng xếp hạng “Cố vấn về sáp nhập và mua lại (M&A) toàn cầu”, cho thấy sự thống trị của các tổ chức Mỹ trong một lĩnh vực ngân hàng đầu tư sinh lợi khi các đối thủ châu Âu rút lui.
Theo công ty phân tích GlobalData, cho đến nay, ngân hàng đầu tư Mỹ này đã tư vấn cho 249 giao dịch trị giá 982 tỷ USD, trong đó có vụ sáp nhập 120 tỷ USD giữa bộ phận hàng không vũ trụ của United Technologies với công ty quốc phòng Raytheon.
Có ít bất ngờ trong top 3. JPMorgan Chase đứng thứ hai với 211 giao dịch, trị giá 778 tỷ USD, trong 9 tháng đầu năm - theo GlobalData, công ty chuyên theo dõi hoạt động M&A trên toàn thế giới. Morgan Stanley xếp thứ ba, với số vụ tư vấn là 182, trị giá 732 tỷ USD.
Ravi Tokala, chuyên gia phân tích các giao dịch tài chính tại GlobalData, cho rằng một trong những lý do chính giúp ba ngân hàng đầu tư của Mỹ đứng đầu danh sách này là họ đã tư vấn cho nhiều thương vụ trong số 30 giao dịch “khủng” - có giá trị hơn 10 tỷ USD - được công bố trong năm nay.
Trong số 30 giao dịch “khủng” được ghi nhận, ba cố vấn hàng đầu là Goldman Sachs, JP Morgan và Morgan Stanley, đã lần lượt tư vấn cho 22, 15 và 13 giao dịch, ông cho biết. Các ngân hàng Mỹ chiếm 6 vị trí hàng đầu trong danh sách trên.
Credit Suisse, ở vị trí thứ 7, là đối thủ hàng đầu đến từ châu Âu, đã tư vấn cho 118 giao dịch, trị giá 283 tỷ USD. Hai ngân hàng của Anh là Barclays và HSBC xếp thứ 9 và 10, đã tư vấn cho các giao dịch trị giá lần lượt là 242 tỷ USD và 193 tỷ USD.
Giá trị của các giao dịch được Goldman Sachs xử lý tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng giao dịch của JP Morgan giảm gần 11% và Morgan Stanley giảm khoảng 19%. Giá trị của các giao dịch do ngân hàng đầu tư Evercore (cũng của Mỹ, hiện xếp thứ 5 trong danh sách) tư vấn đã tăng 2/3, lên 574 tỷ USD.
Giá trị của các giao dịch được Barclays xử lý giảm 52%, trong khi giá trị giao dịch được tư vấn bởi Deutsche Bank, ngân hàng đang trong giai đoạn tái cấu trúc sâu rộng, giảm 73%. HSBC là một trong số ít điểm sáng của các ngân hàng không đến từ Mỹ. Hoạt động kinh doanh M&A của họ đã tăng 27% giá trị.
Hoạt động M&A giảm nhẹ trong năm nay vì sự u ám đang vây quanh nền kinh tế toàn cầu. Xung đột thương mại xuyên Đại Tây Dương cũng như giữa Mỹ-Trung Quốc, tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, tăng trưởng yếu ở châu Âu và Brexit, tất cả những điều đó gộp lại khiến cho nhà đầu tư lo sợ và làm nghẽn thị trường vốn.
Theo công ty phân tích Dealogic, M&A toàn cầu đạt tổng cộng 3.05 ngàn tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2019, giảm gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng giao dịch giảm đáng kể ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông và châu Phi, trong đó châu Á-Thái Bình Dương chỉ tạo ra 600 tỷ USD trong 9 tháng qua, mức thấp nhất tính từ cùng kỳ năm 2014, Dealogic cho biết.
Mỹ tỏ ra khác biệt với xu hướng trên
Tuy nhiên, M&A nhắm vào khu vực châu Mỹ lại đạt mức cao kỷ lục, với khối lượng giao dịch là 1.67 ngàn tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.
Điều đó chủ yếu do sự tăng đột biến trong các giao dịch “khủng” ở Mỹ được công bố trong năm nay - tổng cộng 28 giao dịch, Dealogic cho biết. Các giao dịch như vậy đã đạt mức cao kỷ lục trong 9 tháng đầu năm, với khối lượng đạt 840 tỷ USD, chiếm phân nửa tổng khối lượng ở Mỹ. Hầu hết giao dịch “khủng” ở Mỹ là trong nước và một phần được thúc đẩy bởi sự hợp nhất trong lĩnh vực y tế và công nghệ, Dealogic phân tích.
Sự yếu kém trong thị trường IPO, một nguồn thu quan trọng khác của ngân hàng đầu tư, có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của một số ngân hàng vào cuối năm nay.
Việc startup chia sẻ văn phòng WeWork rút lại IPO khiến thị trường sợ hãi và một số công ty ở nhiều khu vực trên thế giới sau đó đã hủy bỏ hoặc hoãn IPO.
Trong khi sức mạnh của M&A năm nay đóng vai trò lớn trong sự thống trị của các ngân hàng Mỹ, thì sự cạnh tranh từ các đối thủ châu Âu đã suy yếu khi nhiều ngân hàng châu Âu tiếp tục thu hẹp quy mô sau một thập kỷ bị khủng hoảng tài chính.
Dù ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng cho vay mua nhà dưới chuẩn nhưng nhìn chung, các ngân hàng Mỹ đã hồi phục sau vụ tai nạn đó mạnh mẽ hơn nhiều so với những đối thủ châu Âu. Các ngân hàng Mỹ đã có hành động quyết đoán để khôi phục những bảng cân đối kế toán và giảm các khoản nợ xấu, trong khi - trong một số trường hợp - các ngân hàng châu Âu lại tỏ ra chậm chạp.
Tình hình kinh tế ở Mỹ lành mạnh hơn nhiều so với châu Âu, nơi các ngân hàng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro, tăng trưởng chậm và lãi suất âm. Đã có sự khác biệt rất lớn hồi tuần trước trong các báo cáo quý 3 từ các ngân hàng lớn nhất của Mỹ. Trong khi đó, các ngân hàng châu Âu từng cố gắng cạnh tranh với ngành ngân hàng đầu tư Mỹ đã phải cắt giảm mạnh.
Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS), nơi từng phát triển nhanh chóng để trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới về tài sản trước cuộc khủng hoảng tài chính, đã cắt giảm tài sản và nhân viên kể từ khi được người nộp thuế ở Anh giải cứu trong cuộc khủng hoảng tín dụng. Hồi tháng 7, Deutsche Bank tuyên bố sẽ cắt giảm 18,000 việc làm và đóng cửa hoạt động kinh doanh cổ phiếu toàn cầu. Và, HSBC có thể sớm thông báo cắt giảm tới 10,000 việc làm.
Các ngân hàng Thụy Sĩ UBS và Credit Suisse cũng đã cắt giảm doanh nghiệp ngân hàng đầu tư của họ. Trong năm nay, một nhà đầu tư chủ động (activist investor) đã thuyết phục Barclays thu hẹp quy mô doanh nghiệp ngân hàng đầu tư nhưng họ đã phản đối.
Trong tuần này, các chuyên gia tư vấn quản lý của McKinsey cảnh báo nhiều ngân hàng có thể không đủ khả năng để chống chọi với suy thoái kinh tế.
“Khi xem xét tất cả mọi thứ, ngành công nghiệp (ngân hàng) toàn cầu hiện tiến gần đến cuối chu kỳ với sức khỏe không lý tưởng, với gần 60% ngân hàng có lợi nhuận thấp hơn chi phí vốn chủ sở hữu. Một sự suy giảm kinh tế kéo dài với lãi suất thấp hoặc thậm chí âm có thể tàn phá thêm”, họ nói trong một báo cáo.
Để sống sót, một số ngân hàng sẽ phải nghiêm túc hơn về M&A. Nhưng trong trường hợp này, họ có thể cần tìm một đối tác sáp nhập cho chính mình.
Nhã Thanh (Theo Fortune)