Vietstock - Trung Quốc thay đổi chính sách Zero COVID
Trung Quốc vừa có động thái điều chỉnh đáng kể đối với chính sách Zero COVID nghiêm ngặt đang làm đảo lộn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là thời gian cách ly bắt buộc đối với du khách tới Trung Quốc giảm xuống còn 5 ngày trong khách sạn hoặc cơ sở do chính phủ sắp xếp, sau đó họ phải tiếp tục cách ly 3 ngày tại nhà, theo tuyên bố của Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc vào ngày 11/11. Trước khi thay đổi, thời gian cách ly bắt buộc là 10 ngày, trong đó một tuần ở khách sạn và 3 ngày sau đó ở nhà.
Thời gian cách ly bắt buộc mới này cũng sẽ được áp dụng với những người tiếp xúc gần với người bị nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc. Động thái này sẽ giúp cắt giảm quy trình truy vết đang gây rối loạn xã hội và khiến hàng triệu người bị buộc phải vào các cơ sở cách ly của chính phủ. Các F2 giờ sẽ không cần phải truy vết.
Liên quan tới du lịch quốc tế, quy định phạt các hãng hàng không vì đưa các ca nhiễm COVID-19 vào Trung Quốc cũng sẽ bị loại bỏ.
Những thay đổi này, được trình bày chi tiết trong một tài liệu gồm 20 biện pháp nhằm hướng dẫn các quan chức và chính quyền trong việc kiểm soát dịch COVID-19 trong tương lai, dường như vừa để giảm bớt sự cô lập của Trung Quốc với thế giới, vừa để giảm thiểu tác động của chính sách Zero COVID với kinh tế.
Trong số 20 biện pháp mới này, cũng có những quy định nhằm giảm bớt áp lực đối với người dân Trung Quốc bình thường. Đó là chỉ cần 1 kết quả xét nghiệm PCR trước khi khởi hành đối với những du khách định nhập cảnh vào Trung Quốc, trước đó yêu cầu là 2 kết quả. Và khi có dịch bùng phát, các quan chức địa phương được yêu cầu tránh xét nghiệm hàng loạt trên quy mô thành phố, trừ khi có các chuỗi lây nhiễm không rõ ràng.
Trước đó, hãng tin Bloomberg từng đưa tin vào tháng 10 và tháng 11/2022 rằng các quan chức Trung Quốc đang thảo luận về việc thay đổi chính sách Zero COVID.
Đây là cuộc đại tu lớn nhất đối với chính sách Zero COVID-19 của Trung Quốc kể từ khi đại dịch bùng phát. Nó cũng có thể là sự kiện đánh dấu khởi đầu cho một kỷ nguyên mới, mà trong đó Trung Quốc sẽ dần gia nhập với thế giới vốn đang sống chung với đại dịch.
Sau thông tin này, chỉ số theo dõi chứng khoán châu Á có phiên tăng mạnh nhất hơn hai năm, trong đó, Hang Seng China Enterprises Index tăng hơn 8%. Đồng nhân dân tệ cùng với giá hàng hoá, từ dầu mỏ đến quặng sắt, đồng, đồng loạt tăng giá. Lượng người đặt vé máy bay tớiTrung Quốc cũng tăng gấp 2 lần trong một giờ sau đó.
Việc Bắc Kinh thay đổi chính sách Zero COVID diễn ra vào thời điểm số ca bệnh Covid-19 trên toàn Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua, mà gần đây nhất là những đợt bùng phát lớn ở Quảng Châu và Bắc Kinh. Vì vậy, hiện vẫn chưa thể chắc chắn liệu đây có phải là những bước đầu tiên để Trung Quốc hướng tới từ bỏ tất cả quy định kiểm soát COVID-19 trong tương lai gần hay không.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cũng nói với các phóng viên vào ngày 11/11 tại Bắc Kinh rằng: “Những biện pháp mới nhằm mục đích khiến cách kiểm soát dịch COVID-19 của Trung Quốc trở nên khoa học và chính xác hơn. Điều này không có nghĩa là chúng tôi đã nới lỏng các biện pháp ngăn chặn COVID hay ban hành một phương pháp thoải mái hơn”.
Mức độ tuân thủ chính sách Zero COVID, cùng với sự sụt giảm của thị trường bất động sản, đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế Trung Quốc trong năm nay, kéo giảm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nhu cầu trong nước cũng khó phục hồi vì các lệnh phong toả cục bộ.
Quá trình mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể vẫn diễn ra chậm chạp và thận trọng, do hàng triệu người cao tuổi của đất nước này vẫn chưa được tiêm phòng và công chúngvẫn còn nỗi sợ hãi đối với COVID-19.
“Đối với Trung Quốc, bước đi chậm rãi là lựa chọn ổn định nhất”, Jin Dong-Yan, một nhà virus học tại Đại học Hồng Kông, cho biết. “Đi quá nhanh, tình hình có thể bị đảo lộn, bởi vì vấn đề chủ yếu nhất là người dân ở đó không có hiểu biết đúng về COVID-19. Những thay đổi về chính sách là đúng đắn. Nhưng nếu bạn muốn Trung Quốc kết thúc nó ngay lập tức thì điều đó là không thể”.
Kim Dung (Theo Bloomberg)