Vietstock - Tín hiệu đáng ngại của kinh tế Mỹ
Theo dữ liệu mới được Bộ Thương mại Mỹ công bố, lạm phát tháng 3 tăng kỷ lục trong vòng 4 thập kỷ. Điều này có thể dẫn tới những động thái mạnh tay hơn nữa của FED.
Wall Street Journal đưa tin theo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 29/4, lạm phát tháng 3 đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982. Đáng nói, đây là thước đo ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
PCE đo lường sự thay đổi của giá cả hàng hóa và dịch vụ trong chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình, thay vì doanh nghiệp hoặc những thành phần kinh tế khác.
Giá cả leo thang sau khi xung đột Nga - Ukraine đẩy giá năng lượng lên cao. Cùng với đó là những nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng và nhu cầu phục hồi mạnh mẽ.
Xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã đẩy giá nhiên liệu lên cao. Ảnh: Bloomberg. |
PCE tăng kỷ lục
Cụ thể, giá tiêu dùng cá nhân đã tăng 6,6% trong tháng 3 so với một năm trước đó. Hồi tháng 2, tốc độ tăng là 6.3%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 1/1982.
Chỉ số PCE cốt lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - tăng 5,2% so với một năm trước đó.
Trên cơ sở hàng tháng, PCE lõi tháng 3 tăng 0,3% so với tháng trước, tương tự mức tăng hồi tháng 2. Con số này đã giảm so với tốc độ 0,5% hàng tháng trong 4 tháng trước đó.
Tại cuộc họp báo hôm 16/3, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết các quan chức ngân hàng trung ương đang theo dõi sát sao sự thay đổi của lạm phát theo từng tháng. Mục đích nhằm trả lời câu hỏi liệu áp lực giá đi lên hay đi xuống.
FED đặt mục tiêu lạm phát trung bình ở mức 2%. Cơ quan này đã bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 3 nhằm hạ nhiệt nền kinh tế. FED cũng báo hiệu rằng sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất khác.
"Trong 4 quý vừa qua, PCE cốt lõi gia tăng với tốc độ khoảng 5% mỗi quý. Vì thế, chúng tôi cho rằng thời gian tới, chính sách của FED sẽ không thay đổi", bà Veronica Clark - nhà kinh tế tại Citigroup - bình luận.
Nền kinh tế Mỹ trong quý I/2022 suy giảm 1,4% so với một năm trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là thâm hụt thương mại ngày càng lớn và tốc độ tăng sản lượng yếu.
Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng đã tăng lên với tốc độ 2,7% trong quý I so với một năm trước đó.
Nhu cầu tiêu dùng gia tăng vượt nguồn cung đã gây áp lực lên giá. Một thước đo lạm phát phổ biến khác - chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được Bộ Lao động Mỹ công bố - cũng tăng 8,5% so với một năm trước đó (trên cơ sở chưa điều chỉnh).
Đây là mức tăng giá chưa từng thấy kể từ thời kỳ lạm phát đình trệ diễn ra vào cuối những năm 1970, đầu thập niên 1980.
Lạm phát cơ bản, tức không tính tới giá lương thực và năng lượng, tăng 6,5%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 8/1982. Riêng chi phí sản xuất tháng 3 đã tăng 11,2% so với một năm trước đó, đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp chứng kiến mức tăng trên 10%.
Động thái của FED
Trên thực tế, tại Mỹ, CPI thường cao hơn PCE. CPI đo lường những thay đổi trong chi phí sinh hoạt, dựa trên số tiền mà người tiêu dùng thành thị bỏ ra cho một giỏ hàng hóa và dịch vụ giả định.
Trong 4 quý vừa qua, lạm phát PCE cốt lõi gia tăng với tốc độ khoảng 5% mỗi quý. Vì thế, chúng tôi cho rằng thời gian tới, chính sách của FED sẽ không thay đổi. Bà Veronica Clark, nhà kinh tế tại Citigroup |
Còn PCE bao gồm giá cả ở các vùng nông thôn và những chi phí mà các tổ chức trả thay cho hộ gia đình, chẳng hạn kế hoạch chăm sóc sức khỏe của những người sử dụng lao động.
Cả 2 chỉ số đều cho thấy giá năng lượng tăng vọt trong tháng 3. PCE về năng lượng đã tăng 33,9% trong tháng 3 so với một năm trước đó. Giá thực phẩm cũng tăng mạnh 9,2%. Để so sánh, mức tăng hồi tháng 2 là 8%.
Theo báo cáo mới được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 26/4, giá nhiên liệu và thực phẩm toàn cầu sẽ vẫn tăng mạnh trong năm nay bởi những cú sốc do xung đột Nga - Ukraine. Điều này có thể khiến gánh nặng lạm phát trên thế giới phình to.
WB dự báo giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao trong nhiều năm tới. Nguyên nhân là xung đột Nga - Ukraine làm thay đổi cách mua bán, sản xuất và tiêu dùng trên khắp thế giới.
Hầu hết nhà đầu tư tin chắc rằng FED sẽ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 5. Khoảng 70% nhà đầu tư dự đoán FED tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong tháng 6.
Điều này sẽ khiến lãi suất tăng đáng kể so với hồi đầu năm, khi lãi suất sát ngưỡng 0.
Theo ông José Torres - nhà kinh tế cấp cao tại Interactive Brokers, FED đang ở một tình thế khó khăn. "Cơ quan này phải nhanh chóng siết chặt chính sách, và hy vọng rằng việc nâng lãi suất sẽ không giáng đòn lên nền kinh tế. Đó là cách duy nhất mà họ có vào thời điểm này", ông nói thêm.
"Việc hành động quá muộn đã làm giảm tính linh hoạt mà FED có", ông Torres nhận định.
Thảo Phương