Vietstock - Thị trường tiền ảo tuần qua: Bitcoin tăng nhẹ, Cardano và Dogecoin giảm mạnh
Thị trường tiền ảo rung lắc mạnh trong tuần qua trong bối cảnh nỗi lo suy thoái bao trùm không khí tiêu cực lên thị trường tài chính toàn cầu.
Tính tới sáng ngày 01/10, Bitcoin dao động ở mức 19,400 USD, tăng nhẹ 1.6% so với cuối tuần trước. Đồng tiền ảo lớn thứ hai Ethereum cũng tăng nhẹ lên 1,329 USD.
Các đồng tiền ảo trong top 10 cũng biến động nhẹ trong tuần qua, với BNB tăng 2%, trong khi Ripple giảm gần 5%, Cardano sụt 6% và Dogecoin lao dốc 7.5%.
Thị trường tiền ảo và chứng khoán đã rung lắc mạnh kể từ khi Fed nâng lãi suất và báo hiệu sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Môi trường lãi suất cao vốn chưa bao giờ có lợi cho thị trường tài sản rủi ro cao.
Diễn biến của top 10 đồng tiền ảo
Nguồn: CoinMarketCap
|
Vì sao Etherum lao dốc sau đợt nâng cấp lịch sử?
Đợt nâng cấp phần mềm của mạng Ethereum có tên “the merge” đã kích hoạt động đợt bán tháo trong cộng đồng “thợ đào” đồng tiền này.
Giá Ethereum đã giảm tới 19% trong 2 tuần gần nhất trong bối cảnh các “thợ đào” Ethereum lần lượt bán số tiền ảo mình nắm giữ sau đợt nâng cấp lịch sử mang tên gọi “the merge”.
Cùng thời điểm, thị trường cũng có xu hướng giảm trên toàn thế giới giữa lúc Fed và nhiều NHTW tăng lãi suất để đối phó với tình trạng lạm phát. Với thực tế này, các loại tài sản có tính rủi ro, ví dụ như tiền ảo, mất đi sự hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Giá bitcoin hiện cũng đang giảm 70% từ mức cao nhất ghi nhận vào hồi tháng 11 năm ngoái.
Trong nhiều tháng trước sự kiện nâng cấp “the merge”, các nhà đầu tư đã đẩy giá Ethereum từ dưới 1,000 USD vào giữa tháng 6 lên tới gần 2,000 USD vào giữa tháng 8.
Đợt nâng cấp của Ethereum “khai tử” mô hình “bằng chứng công việc”, trong đó đòi hỏi nhiều máy tính tiêu thụ điện năng lớn để duy trì hoạt động của mạng lưới. Điều này đã khiến nhiều “mỏ đào” Ethereum rơi vào tình trạng “thất nghiệp”.
Jeff Dorman, giám đốc đầu tư tại công ty đầu tư tài sản số Arca, nói rằng các “thợ đào” Ethereum nhiều khả năng đã đóng góp phần lớn vào đợt bán tháo lần này. “Các thợ đào Ethereum vừa bị lấy đi toàn bộ cuộc sống của mình”, ông nói và chia sẻ thêm rằng những gì họ đang làm chỉ đơn giản là bán lấy tiền mặt với những gì họ đã có trước khi “the merge” diễn ra.
Ethereum cũng phái đối mặt với nhiều vấn đề khác bên cạnh bán tháo của các “thợ đào”. Mặc dù đợt nâng cấp phần mềm đã được thực hiện mà không có vấn đề lớn nào xảy ra, hiện cũng chưa thể khẳng định liệu Etherum có phát sinh lỗi trong tương lai hay không. Các đợt nâng cấp trước đó của Ethereum vào năm 2019, 2020 và 2021 đều có lỗi, Stephane Ouellette, CEO và người đồng sáng lập FRNT Financial, nói.
“Khả năng đợt nâng cấp này kéo theo các điểm yếu của hệ thống hoặc lỗi hệ thống có thể bị khai thác trong dài hạn vẫn còn”, ông khẳng định.
Bên cạnh đó, “the merge” cũng thu hút quan ngại của các cơ quan quản lý.
Ông Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), nói với báo giới vào đầu tháng này rằng mô hình “bằng chứng cổ phần” của Ethereum và các nói tạo ra lợi nhuận có thể là một dấu hiệu cho thấy đây là một loại tài sản tương đương chứng khoán. Nếu SEC kết luận Ethereum là một loại chứng khoán, nhiều quy định có liên quan sẽ kéo theo.
Do Kwon đã tẩu tán 3,313 Bitcoin khi bị truy bắt
Văn phòng Công tố phía Nam Seoul xác nhận quỹ phòng hộ Luna Foundation Guard đã chuyển 66.59 triệu USD dưới dạng Bitcoin để tẩu tán.
Hôm 14/09, sau khi bị phát lệnh truy nã, Do Kwon, Giám đốc điều hành Terraform Labs (TFL) đã chuyển 3,313 đồng Bitcoin, tương đương 66.59 triệu USD đến 2 sàn giao dịch tiền số. Theo CoinDesk Korea, con số trên được tính toán dựa trên dữ liệu của Crypto Quant, công ty chuyên phân tích dữ liệu on-chain (trên chuỗi khối).
Cách đây 4 tháng, Văn phòng Công tố Quận Nam Seoul và Đội Điều tra Tội phạm Chứng khoán bắt đầu cuộc điều tra nhằm truy tố và đóng băng tài sản của Do Kwon. Theo dữ liệu từ CryptoQuant, ví tiền số của Luna Foundation Guard (LFG) được tạo vào ngày 15/09 trên sàn giao dịch Binance. LFG là quỹ phòng hộ do Do Kwon sáng lập, nhầm trợ giá LUNA cũ (nay là LUNC) và stablecoin UST.
Sau đó, 3,313 Bitcoin được chuyển từ Binance lên sàn Kucoin và OKX. Cụ thể, quỹ này chuyển 1,354 BTC lên Kucoin từ ngày 15-18/09. Số còn lại được gửi đến địa chỉ ví trên sàn OKX. Đợt chuyển tiền của LFG được chia nhỏ thành nhiều giao dịch.
Theo CoinDesk, các nhà chức trách đã yêu cầu 2 sàn giao dịch nói trên đóng băng lượng tài sản của LFG. Tuy vậy, phía OKX được cho là đã “phớt lờ” yêu cầu của Văn phòng Công tố. CoinDesk cho biết 1,959 BTC trên OKX có thể đã được chuyển sang một sàn giao dịch khác.
Vũ Hạo