Vietstock - Tăng lãi suất và tránh suy thoái kinh tế - nhiệm vụ khó khăn của Fed
Với việc tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 nhưng chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm, các quan chức Fed cho thấy họ đã sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đưa lạm phát về mức mục tiêu.
Đồng tiền mệnh giá 100 USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đứng trước nhiệm vụ khó khăn là tăng lãi suất mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái, tức "hạ cánh mềm."
Ông Powell cho biết Fed đã chuẩn bị cho việc tiếp tục tăng lãi suất, với mức tăng có thể là 0,5 điểm phần trăm, nếu cần, nhằm kiểm soát lạm phát.
Theo ông, Fed sẽ tăng lãi suất ở mức trên 25 điểm cơ bản tại một hay nhiều cuộc họp nếu đánh giá rằng điều này là phù hợp và cũng sẽ hành động nếu xác định cần thắt chặt chính sách tiền tệ ngoài các biện pháp thông thường.
Quan điểm cứng rắn của người đứng đầu Fed đã gióng hồi chuông cảnh báo trên phố Wall và thị trường chứng khoán đã giảm điểm.
Thận trọng lộ trình tăng lãi suất
Trong tuần trước, Fed đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018, nhưng chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm. Các nhà phân tích tại ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) cho rằng thông điệp từ các quan chức Fed là họ đã sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đưa lạm phát về mức mục tiêu.
Thị trường nhận định có trên 60% khả năng Fed tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong tháng Năm. Theo nhà kinh tế trưởng Neil Shearing tại công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Vương quốc Anh), kể từ cuối những năm 1970, có 16 chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ tại Mỹ, Anh và châu Âu, trong đó 13 chu kỳ kết thúc trong suy thoái.
Có ba nguyên nhân khiến việc tăng lãi suất gây ra suy thoái kinh tế. Thứ nhất, nền kinh tế chịu cú sốc không liên quan đến lãi suất. Đại dịch là một ví dụ, khi đây là điều đã khiến Fed dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ kéo dài 36 tháng. Thứ hai, các ngân hàng trung ương hành động quá chậm, để các nền kinh tế quá nóng và hình thành bong bóng. Khi bong bóng vỡ, nền kinh tế rơi vào suy thoái. Thứ ba, các ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất quá muộn và sau đó phải tăng lãi suất mạnh để kiểm soát lạm phát, từ đó gây suy thoái. Nguyên nhân thứ ba này có thể gần nhất với tình hình hiện nay.
Theo nhà kinh tế Shearing, lịch sử cho thấy con đường dẫn tới việc "hạ cánh mềm" là hẹp và cú sốc lạm phát do xung đột tại Ukraine khiến con đường này càng hẹp hơn nữa.
Trong khi đó, ông Powell nói lịch sử nước Mỹ cho thấy có ba lần nền kinh tế nước này "hạ cánh mềm" thành công là vào các năm 1965, 1984 và 1994.
Về phần mình, Chủ tịch chi nhánh Fed tại St. Louis, James Bullard, cho rằng chính sách tiền tệ của Mỹ cần được thắt chặt nhanh để không gây sức ép lên lạm phát vốn đã quá cao, nhắc lại kêu gọi về việc tăng lãi suất lên trên 3% trong năm nay.
Theo ông Bullard, lãi suất trung lập là mức không làm tăng cũng như không cản trở lạm phát và ước tính là khoảng 2%. Trong khi đó, mức trung bình mà các quan chức Fed đưa ra là khoảng 2,4%.
Các dự báo mới nhất của các quan chức Fed được đưa ra trong tuần trước cho thấy họ sẽ tăng lãi suất lên 1,9% vào cuối năm nay và 2,8% vào cuối năm tới. Ông Bullard cho rằng còn quá sớm để khẳng định liệu Fed có tăng 0,5 điểm phần trăm vào tháng Năm hay không. Theo ông, một động thái như vậy có thể không làm gián đoạn các thị trường.
Khó khăn "vô vàn"
Giá tiêu dùng tháng 2/2022 của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm, còn lạm phát có khả năng tăng tốc hơn nữa trong những tháng tới do căng thẳng Nga-Ukraine khiến giá dầu thô và các hàng hóa khác tăng vọt.
Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm bán xăng ở Arlington, bang Virginia, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
|
Bộ Lao động Mỹ ngày 10/3 công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 2/2022 đã tăng 0,8% sau khi tăng 0,6% trong tháng 1/2022. Nếu không tính giá lương thực và năng lượng dễ biến động, CPI lõi đã tăng 0,5% trong tháng 2/2022 sau khi tăng 0,6% trong tháng Một. Trong 12 tháng tính đến tháng 2/2022, CPI đã tăng vọt lên 7,9%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 1/1982, sau khi ghi nhận mức tăng 7,5% trong tháng 1/2022 và là tháng thứ năm liên tiếp CPI tăng trên 6%.
Trong khi đó, theo David Kelly, chiến lược gia toàn cầu của JPMorgan Funds ở New York, nếu giá xăng trung bình gần 4,20 USD trong năm này, thì chi phí của các hộ gia đình sẽ tăng thêm trung bình 1.000 USD.
Căng thẳng Nga-Ukraine đã thúc đẩy giá lúa mỳ và các mặt hàng khác, được cho là khiến lạm phát tăng lên mức chưa từng thấy trong quý 2. Các hộ gia đình thu nhập thấp sẽ phải hứng chịu tác động của lạm phát cao do họ phải chi nhiều hơn cho thực phẩm và xăng dầu. Trước khi căng thẳng Nga-Ukraine xảy ra, hầu hết các nhà kinh tế đã dự đoán CPI cơ bản sẽ đạt đỉnh vào tháng 3 chỉ trên 6,5% và sau đó giảm xuống vào tháng 4.
Thị trường lao động thắt chặt cũng góp phần khiến lạm phát cao hơn, trong khi tăng trưởng lương đã chững lại trong tháng 2. Tính đến cuối tháng 1, thị trường lao động Mỹ đã có thêm gần 11,3 triệu việc làm mới.
Trước đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ngày 8/3 công bố các số liệu cho thấy thâm hụt ngân sách liên bang của nước này ước tính lên đến 475 tỷ USD trong 5 tháng đầu của tài khóa 2022 (từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022). Theo CBO, trong giai đoạn trên, thu ngân sách của Mỹ đã tăng hơn 371 tỷ USD (tương đương 26%) và chi tiêu giảm hơn 201 tỷ USD (tương đương 8%) so với cùng kỳ năm trước.
Người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi các vấn đề ngân sách có tên Ủy ban vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm, Maya MacGuineas, cho rằng việc thâm hụt ngân sách của Mỹ trong tháng 2 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do chính phủ dừng dứt gói cứu trợ nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, chứ không phản ánh sự cải thiện về triển vọng tài khóa cơ bản.
Bà MacGuineas lưu ý rằng các khoản vay và chi tiêu khẩn cấp được Chính phủ Mỹ giải ngân để người dân và các doanh nghiệp giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 là cần thiết vào thời điểm trước đây, nhưng hiện không còn phù hợp.
Bà thúc giục các nhà lập pháp thực hiện các bước thay đổi nhằm giảm chi tiêu, tăng thu ngân sách và đưa nước Mỹ đi đúng hướng để có nền tảng tài chính vững chắc hơn.
Nợ công của Mỹ lần đầu tiên vượt 30.000 tỷ USD vào ngày 1/2 vừa qua trong bối cảnh lạm phát leo thang và lãi suất dự kiến sẽ tăng, làm gia tăng lo ngại về sự bền vững tài khóa./.
Lê Minh