Vietstock - Sếp JPMorgan: Thuế quan của Trump có thể không đáng ngại như nhiều người nghĩ
Trong khi giới doanh nghiệp và các nhà kinh tế toàn cầu đang bày tỏ quan ngại về tác động của chính sách thuế quan trong chiến lược kinh tế mới của Tổng thống Donald Trump, Jamie Dimon - CEO của ngân hàng lớn nhất thế giới JPMorgan Chase - lại cho rằng có lẽ mọi người đang quá lo lắng về thuế quan.
Theo người đứng đầu JPMorgan Chase, thuế quan có thể được xem là "một công cụ kinh tế" hoặc "một vũ khí kinh tế", tùy thuộc vào cách sử dụng. "Tôi muốn nhìn nhận vấn đề này theo hướng: Nếu nó gây ra một chút lạm phát nhưng lại tốt cho an ninh quốc gia, thì cứ để nó diễn ra. Ý tôi là, hãy vượt qua nó", Dimon chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm thứ Tư tại Davos, Thụy Sĩ, nơi đang diễn ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Hiện Trump đang đe dọa áp thuế 10% trên toàn diện đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ và thuế 25% đối với hàng hóa Mexico và Canada, bắt đầu từ ngày 01/02/2025.
Tuy nhiên, Dimon cho rằng những đe dọa này có thể được sử dụng hiệu quả để "đưa mọi người đến bàn đàm phán" nhằm thương lượng các điều khoản thương mại có lợi hơn. Ông tin rằng chính quyền Trump đang cố gắng sử dụng chúng theo cách đó.
Điều này có nghĩa là Mỹ có thể áp thuế thấp hơn đối với Mexico, Canada và Trung Quốc so với mức Trump đã đưa ra - hoặc có thể không có thuế mới nào cả. "Chúng ta sẽ sớm biết", Dimon nhận định.
Đồng quan điểm, Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho rằng nên chờ xem diễn biến thực tế trước khi đưa ra phản ứng. "Hãy bình tĩnh đã", bà nói với Richard Quest của CNN tại Davos. "Tôi nghĩ chúng ta không nên quá phấn khích về vấn đề thuế quan. Hãy chờ xem điều gì thực sự sẽ diễn ra. Hiện tại có rất nhiều suy đoán về những gì có thể được thực hiện, nhưng nó vẫn chưa diễn ra".
Bản thân Trump dường như đang để ngỏ cơ hội đàm phán bằng cách đặt thời hạn là ngày 01/02/2025 thay vì áp đặt ngay các mức thuế mới này. Các mức thuế mà ông đang thảo luận hiện nay dường như đều liên quan đến fentanyl, mà Trump cho rằng đang được đưa vào Mỹ từ Trung Quốc qua Mexico và Canada.
Ông cho biết đã trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc áp dụng hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những người vận chuyển và sản xuất fentanyl ở Trung Quốc, Trump chia sẻ tại một cuộc họp báo tại Phòng Bầu dục trong ngày 21/01.
Ngoài các mức thuế Trump đã thảo luận kể từ khi nhậm chức đầu tuần này, trong chiến dịch tranh cử, ông đã đề xuất thuế 10% đối với mọi mặt hàng Mỹ nhập khẩu cũng như thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc. Ông cũng tuyên bố sẽ yêu cầu các quốc gia thuộc nhóm BRICS - một nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn, bao gồm Trung Quốc và Nga - cam kết không tạo ra tiền tệ mới hoặc đối mặt với thuế 100% trong thời gian ông cầm quyền.
Nhiều chuyên gia kinh tế, trong đó có cả những người từ JPMorgan Chase, dự báo rằng thuế quan, kết hợp với việc trục xuất hàng loạt mà Trump đã cam kết thực hiện, có khả năng thúc đẩy lạm phát cao hơn ở Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn những tranh luận về việc liệu thuế quan một mình sẽ chỉ gây ra sự tăng giá một lần hay người tiêu dùng sẽ quen với việc kỳ vọng giá cao hơn trong tương lai, dẫn đến khả năng lạm phát cao hơn.
Hàng hóa nào có thể đắt đỏ hơn do thuế quan?
Các mức thuế mà Trump đề cập có thể khiến nhiều loại hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn đối với người Mỹ, đặc biệt vì Mexico, Trung Quốc và Canada là ba đối tác thương mại hàng đầu của nước này.
Danh sách này bao gồm các thiết bị điện tử tiêu dùng như điện thoại, tivi và máy tính, đồ chơi, ô tô và phụ tùng ô tô, xăng dầu và nông sản.
Theo số liệu thống kê, 123 tỷ USD trong tổng số 246 tỷ USD giá trị xe cơ giới mà Mỹ nhập khẩu năm ngoái đến từ Mexico, Canada và Trung Quốc tính đến tháng 11. Con số này chiếm hơn một nửa giá trị nhập khẩu xe hơi của Mỹ.
Ngành ô tô có thể đang "hoảng loạn" về các mức thuế tiềm năng mới, Mary Lovely, thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định. Các công ty ô tô Mỹ đã có thể giữ chi phí sản xuất thấp bằng cách thuê công nhân có mức lương thấp hơn, đặc biệt là ở Mexico, nơi phần lớn sản xuất của họ đã chuyển đến trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, theo bà, khoản tiết kiệm chi phí này về cơ bản sẽ bị xóa bỏ nếu các mức thuế tiềm năng mới có hiệu lực.
Dimon và Musk đã 'hòa giải'
Đáng chú ý, trong cuộc phỏng vấn, Dimon cũng tiết lộ về mối quan hệ với CEO Tesla (NASDAQ:TSLA) Elon Musk đã được cải thiện kể từ khi JPMorgan Chase đệ đơn kiện nhà sản xuất xe điện cách đây bốn năm, đòi 162 triệu USD về cái mà họ cho là vi phạm hợp đồng liên quan đến quyền chọn cổ phiếu Tesla.
Vụ việc này xảy ra sau khi Musk đăng trên Twitter (giờ là X) năm 2018: "Đang cân nhắc đưa Tesla thành tư nhân ở mức 420 USD. Đã có nguồn tài trợ". Điều này khiến cổ phiếu của Tesla tăng vọt 10% ngay trong ngày đó.
Tại tòa, Musk đã làm chứng vào năm 2023 rằng "JPMorgan ghét Tesla, nói ngắn gọn là vậy". JPMorgan sau đó đã rút đơn kiện.
Giờ đây Dimon và Musk, người đang dẫn đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ của Trump, đã có mối quan hệ tốt hơn. "Elon và tôi đã hòa giải", Dimon chia sẻ trong ngày 23/01. "Anh ấy đã đến một trong những hội nghị của chúng tôi, anh ấy và tôi đã có cuộc trò chuyện dài và tốt đẹp. Chúng tôi đã giải quyết một số khác biệt".
"Anh chàng này là Einstein của chúng ta", CEO của Chase nói thêm. "Tôi muốn giúp đỡ anh ấy và các công ty của anh ấy nhiều nhất có thể".
Vũ Hạo (Theo CNN)